Với thiếu nữ H’Lăng ở xã Rờ Cơi, nếu trong độ tuổi 13-16 mà không nhanh tay “bắt” cho mình tấm chồng, để “lỡ thì” đến 18 tuổi trở lên là chẳng còn chàng trai nào ngó tới vì... đã già.
|
Vào xã tảo hôn
Cách trung tâm huyện gần 20km, Rờ Cơi là một xã vùng biên của huyện Sa Thầy, Kon Tum với hơn 90% là người H’Lăng sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Họ rất ít giao tiếp với xã hội bên ngoài. Vì lẽ đó, người H’Lăng luôn xem chuyện kết hôn là chuyện… tổ tiên truyền con cháu nối, tức hôn nhân không cần theo luật pháp. Các chàng trai, cô gái ở đây khi đến tuổi dậy thì cũng là lúc họ bắt đầu xây dựng cuộc sống vợ chồng.
Ông Him - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Cơi - cho biết, trước kia con gái trong vùng từ 13 - 15 tuổi là đã “bắt” chồng hết. Chẳng may sơn nữ nào “cao số”, hơn 16 tuổi mà vẫn chưa bắt được chồng thì đã bị liệt vào hàng... gái già, không còn chàng trai nào ngó ngàng tới nữa.
Qua hàng chục thế hệ, hủ tục này của người H’Lăng đến nay vẫn còn tồn tại rất phổ biến ở Rờ Cơi. Chuyện những cô bé học sinh lớp 7, lớp 8 đang học bỗng nghỉ giữa chừng để bắt chồng vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Y Sâm (SN 1995, làng Đắc Đê) nghỉ học bắt chồng từ khi đang học lớp 7. Đến nay, người vợ trẻ con này đã có một bé gái gần 4 tháng tuổi. Sâm cho biết mình là người lấy chồng muộn nhất trong đám bạn cùng lứa. “Bạn bè mình lấy chồng, mình cũng lấy chồng thôi. Những đứa bạn trong làng bằng tuổi mình đã lấy chồng hết rồi. Mình còn lấy muộn hơn bọn nó, nhiều đứa bằng tuổi mà nó lấy chồng sớm hơn mình 1 - 2 năm nữa”, Y Sâm thật thà trả lời.
Người mẹ trẻ Y Sâm (áo xanh) xấu hổ không muốn cho PV chụp ảnh
Với “truyền thống” tảo hôn lâu đời này, các cặp vợ chồng người H’Lăng ở Rờ Cơi hiển nhiên cũng “lên chức” ông bà rất sớm. Cha mẹ của Y Sâm là A Piủh và Y Sưn mới 48 tuổi nhưng đã có cháu từ cách đây gần 10 năm.
“Ở đây hơn 30 tuổi có cháu là bình thường, thôn nào cũng có. Trước kia, 13 - 15 tuổi là lấy chồng rồi. Bây giờ học sinh cấp 2 đang học nhưng cũng bỏ học để lấy chồng, do chúng không muốn học nữa. Ở đây họ không ham học, học không vô nữa nên lấy chồng sớm để làm nương rẫy thôi. Để quá 18 tuổi là ế, không có ai lấy nữa”, ông Him cho biết thêm.
Anh Nguyễn Đình Thìn, cán bộ chuyên trách dân số xã Rờ Cơi, cho biết tình trạng tảo hôn ở Rờ Cơi vẫn còn rất phổ biến, gái 14-16 tuổi đã lập gia đình. Con trai ngoài 20 tuổi mà chưa có vợ là hiếm lắm.
Tỷ lệ có thai trước khi cưới cũng phổ biến
Dù có truyền thống lập gia đình sớm, sinh nhiều con (trung bình 6-7 đứa con/cặp vợ chồng) nhưng từ nhiều năm nay, nhờ sự vận động, tuyên truyền của các cán bộ, ban ngành mà ở xã Rờ Cơi, vấn nạn tảo hôn đã có phần thuyên giảm. Số tuổi kết hôn ở các cặp trai gái đã tăng lên một vài tuổi, các cặp vợ chồng trẻ vài năm gần đây cũng sinh con ít hơn cha mẹ mình. Tuy vậy, tỷ lệ các cô gái có thai trước khi làm lễ cưới lại xuất hiện rất nhiều.
“Ở đây, cứ tối tối, các đôi nam nữ dù mới học lớp 6, lớp 7, tuổi còn nhỏ nhưng đã dắt nhau đi chơi rồi. Tỷ lệ tảo hôn đã giảm so với trước đây nhưng chuyện những cô bé có thai trước khi cưới lại xuất hiện và ngày càng nhiều”, anh Thìn cho biết.
Năm nay 44 tuổi, vợ chồng chị Y Kít và anh A Pum ở làng Gia Xiêng có đến 8 đứa con và anh chị đã lên ông bà từ 2 năm trước. Anh A Pum hồn nhiên kể: “Mình đâu có biết vì sao mình lấy vợ sớm, con mình lấy chồng sớm đâu. Đó là do trời. Cháu mình mấy tuổi mình cũng không biết, nhưng nó lớn gần bằng đứa con út của mình đang đứng đây này”.
Anh A Pum bên 3 đứa con nhỏ của mình
Ông A Thun, Trưởng thôn Đắc Đê, phân trần: Sở dĩ các đôi trai gái ở Rờ Cơi lập gia đình sớm là do thời xưa, các ông bà già thường đi uống rượu chung với nhau rồi hứa gả con cho nhau. Ngoài ra, do người dân ở đây ít tiếp xúc với cộng đồng nên họ không am hiểu về luật pháp. Con cái thoải mái yêu đường vì bố mẹ cũng động viên chứ không cấm cản. Họ cho rằng lấy chồng càng sớm càng tốt vì có thêm người đi làm rẫy.
Có một điều đáng mừng là dù kết hôn sớm, dù hôn nhân chưa được pháp luật công nhận, cuộc sống lại nghèo khổ nhưng hiếm có cặp vợ chồng nào ở Rờ Cơi bỏ nhau. Thương những cặp vợ chồng trẻ, cán bộ xã nơi đây đã làm giấy đăng ký kết hôn cho họ nhưng chỉ ghi tên vợ, còn để trống tên chồng; chờ khi nào cả 2 đủ tuổi thì mới ghi đầy đủ, nhằm giúp những đứa trẻ mới chào đời có được quyền lợi đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
“Vì hoàn cảnh nhiều gia đình ở đây còn khó khăn, cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn nên mình phải tạo điều kiện giúp họ để những đứa trẻ mới sinh được hưởng các chính sách về y tế”, anh Thìn chia sẻ.
Với tập quán thích là cưới, cưới nhau về để có người làm rẫy, học cũng chẳng để làm gì, lấy nhau và sinh con là chuyện của trời... cuộc sống của người dân Rờ Cơi cứ mãi xoay quanh vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học,...
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?