"Hôm nay chỉ có máy bay An-26 và An-2 bay huấn luyện. Còn M-28 đang ở trong miền Nam làm nhiệm vụ. Chúng tôi đang tiếp nhận chiếc Casa-212, loại máy bay trinh sát biển đa năng hiện đại, đầu tiên" - thượng tá Lê Kiêm Toàn, trung đoàn trưởng trung đoàn 918, cho biết.
Nối đất liền với đảo xa
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, Trung đoàn 918 còn là đơn vị thực hiện các chuyến bay thông báo bão, bay vận chuyển hàng cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn... Trong các loại máy bay mà trung đoàn đang sở hữu, An-26 hiện vẫn là dòng chủ lực. An-26 là loại máy bay vận tải tầm trung do Liên Xô viện trợ.
Nhiệm vụ của phi đội An-26 là vận tải, trinh sát, cứu hộ cứu nạn, tham gia diễn tập, bay thông báo bão cho ngư dân... An-26 từng tham gia chiến dịch vận tải lớn nhất là cầu hàng không vận tải hàng hóa (Gia Lâm - Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng; Tân Sơn Nhất - Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài) trong trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 1999.
Phi đội An-2 được thành lập từ năm 1958, làm nhiệm vụ huấn luyện bay, huấn luyện chiến đấu. Đại úy Đỗ Văn Lành - phi đội phó phi đội An-2 - cho biết: “An-2 có tầm bay thấp, tốc độ trung bình 180km/giờ, được dùng để thả dù, đổ bộ đường không, bay trinh sát, cứu hộ cứu nạn, bay phục vụ dân sinh, nông - lâm nghiệp”.
Từ tháng 1/2009 đến nay, loại máy bay này thực hiện nhiệm vụ bay chụp quét ảnh lidar toàn bộ lãnh thổ Việt Nam theo dự án vẽ bản đồ địa hình Việt Nam cho công tác quy hoạch và bay nghiên cứu chống biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Phi đội M-28 - loại máy bay thế hệ mới - đã ghi dấu ấn với chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Trường Sa ngày 12/5/2005. "Đó là lần đầu tiên máy bay vận tải của không quân Việt Nam hạ cánh trực tiếp xuống Trường Sa, mở ra tương lai nối liền lục địa Tổ quốc với đảo xa" - Thượng tá Nguyễn Bá Sâm, chủ nhiệm chính trị trung đoàn, cho biết.
Máy bay trinh sát M-28 được trang bị rađa có tầm quét bán kính 160km, tìm kiếm đồng thời 30 mục tiêu trên mặt nước và mặt đất (chủ yếu là phát hiện tàu nổi, dò tìm tàu ngầm bằng các biện pháp dò từ trường phát ra từ vỏ tàu ngầm, dò bằng tia hồng ngoại...).
Với đặc điểm có khả năng bay rất chậm và cất hạ cánh trên đường băng rất ngắn, M-28 thích hợp để hoạt động tại các đường băng ngắn và dã chiến. Một số biến thể đặc biệt của nó đã được chế tạo để hoạt động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Đón Casa-212 đầu tiên
Phó chủ nhiệm Chính trị - Trung tá Nguyễn Quang Lâm cho biết: "Đầu tháng 5 này, một trong những chiếc Casa-212 đầu tiên từ Tây Ban Nha dự kiến sẽ có mặt ở Việt Nam để chuyển giao cho trung đoàn. Chúng tôi đang phối hợp với Cục Cảnh sát biển Việt Nam gấp rút hoàn thành các hangar (nhà để máy bay), kho xưởng...".
Trước khi chiếc Casa-212 đầu tiên chuyển về nước, đơn vị đã tổ chức ba đoàn đi học chuyển loại và kiểm tra khí tài tại các nước châu Âu. “Chúng tôi đã có hai đợt cử phi công đi học ở nước ngoài. Đợt thứ hai vừa mới về ngày 21/3" - Thượng tá Nguyễn Hoài Thủy, Phi đội trưởng Phi đội Casa-212, cho biết.
Phi đội bay Casa-212 đã có quyết định thành lập hồi tháng 2 vừa qua. Nhưng trước đó hai năm, một cuộc tuyển chọn đã diễn ra trong toàn trung đoàn và nhiều trung đoàn khác, từ phi công đến nhân viên kỹ thuật, đội dẫn đường, tuần thám biển (lực lượng sử dụng các loại trang thiết bị trên máy bay, hệ thống rađa phát hiện các mục tiêu bay trên biển).
Những gương mặt được tuyển chọn đã gấp rút tham gia các khóa học tiếng Anh chuyên ngành ngay tại trung đoàn, Học viện Hàng không Việt Nam. Sau đó, phi đội đặc biệt này lại học tiếp một khóa sáu tháng về không lưu tại Học viện Phòng không - Không quân.
Máy bay Casa-212 là thế hệ mới nhất của dòng máy bay C212 do Hãng Airbus chế tạo, có khả năng bay tuần tra dài bảy giờ. Đặc điểm nổi bật của Casa-212 là khả năng bay tốc độ thấp, thao diễn ở tầm bay thấp, rất phù hợp cho hoạt động tuần thám ven biển.
Nó cũng có thể được điều chỉnh để hoạt động tầm cao trong điều kiện nền nhiệt độ lớn và có khả năng thả hàng tiếp tế bằng dù qua hệ thống thả hàng trên cao hay thả hàng bằng dù tầm thấp. Casa-212 thực thi các chuyến bay thám sát được trang bị hệ thống chuyển dữ liệu qua vệ tinh, máy ảnh đặc dụng tự động ghi vị trí, thời gian.
Thiết bị ghi hình ứng dụng hồng ngoại của máy bay có thể hoạt động ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Casa-212 có thể cất hạ cánh ở sân bay dã chiến, bãi đất, đường nhựa...
Các phi công Việt Nam chỉ có 20 ngày học lý thuyết và mười ban bay huấn luyện theo hợp đồng với đối tác. "Cứ hết lý thuyết là phải thi trả bài. Gần như mỗi ngày chúng tôi phải học hết một quyển sách lý thuyết dày 3-4cm!
Thời gian học với chuyên gia không nhiều nên chúng tôi tận dụng tối đa, nhất là lúc giảng bình anh em lại tranh thủ hỏi thêm chuyên gia. Đêm anh em phi công còn tranh thủ đọc nghiên cứu đến 12h đêm mới ngủ" - Thượng tá Thủy kể.
Không chỉ bay huấn luyện và bay biển ban ngày, các phi công Việt Nam còn học cả huấn luyện bay ra biển ban đêm. Chỉ sau mười ban bay kèm, giáo viên huấn luyện đã tự tin thả cho học trò bay đơn. Cơ trưởng và cơ phó phải tự mình thực hiện tất cả thao tác của một tổ bay năm người (như khi lái An-26).
Họ phải làm thêm công việc của người dẫn đường, cơ giới, thông tin. Chuyên gia huấn luyện chính vốn là một phi công kỳ cựu, được coi là "bậc thầy của thầy" với 12.000 giờ bay, kinh qua tất cả các loại máy bay ở nhiều nước.
Người thầy đã kèm phi công rất nhiều nước trên thế giới ấy phải bất ngờ trước một phi công VN khi nghe người học trò tự tin nói: 'Don’t worry' (Đừng lo lắng) dù lần đầu tiên cầm cần lái Casa-212. Ông bật cười sảng khoái và khen học trò bản lĩnh.
Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc
Một tổ bay An-2 trao đổi trước giờ bay huấn luyện.
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn Không quân 918 (ngày 5/7/1975), đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất, sử dụng máy bay vận tải thu được của đối phương làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và vận chuyển quân sự, phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh.
Trong chiến đấu bảo vệ biên giới và giải phóng hải đảo, trung đoàn 918 làm nhiệm vụ vận tải quân sự, chuyển quân, chở vũ khí, lương thực, thuốc men ra mặt trận và đón thương binh về hậu phương.