Khóc cười chuyện sao Việt chạy sô sang Campuchia

Campuchia trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều nghệ sĩ Việt nhưng rồi lại "của thiên trả địa".

Háo hức không kém gì nghệ sĩ, chúng tôi theo chân các nghệ sĩ đến vùng “đất mới” này...

Vài năm trở lại đây, nước bạn Campuchia được xem là thị trường mới trong việc tổ chức biểu diễn các chương trình văn nghệ, từ hài kịch cho đến cải lương, ca nhạc. Ngày càng nhiều nghệ sĩ chạy sô sang vùng đất này để biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt sinh sống tại đây.

Ca nhạc tạp kỹ như nấm sau mưa

Háo hức không kém gì nghệ sĩ, chúng tôi đến Siem Reap bằng đường bộ, đi ngang qua những cánh đồng thốt nốt lặng lẽ như dáng những người đàn ông Khmer cởi trần, gân guốc và bền bỉ với đất đai. Khu dân cư đông đúc hiện dần lên và không xa là những nẻo đường dẫn đến sân bãi nơi tổ chức biểu diễn. Khu dân cư nằm gần đền Angkor nên rất đông khách du lịch. Ở đó, người Việt sinh sống đông nhất. Không khí điểm diễn nơi đây không khác mấy so với những hội chợ lô tô thường được tổ chức ở vùng ven TP HCM.

Nếu ở trung tâm TP Siem Reap, sân bãi hoặc hội trường của các trường học, trụ sở có kho chứa hàng còn trống đã được nhiều ông bà bầu thuê để tổ chức biểu diễn thì xung quanh các đường phố buôn bán sầm uất, hội chợ lô tô treo nhiều hình nghệ sĩ, ca sĩ. Những chiếc bàn nhỏ được xếp đầy sân cùng với ghế nhựa. Thay cho những con số trên tờ lô tô sẽ được xổ vào giờ chót là hình những con vật mà ở đất nước Chùa Tháp xem là vật tín ngưỡng như: voi, công, lạc đà…

Vòng xoay rơi đúng con vật nào thì khán giả sẽ là người sở hữu những vật phẩm giá trị, có khi là xe máy hoặc một lượng vàng 4 số 9. Hình thức này “câu” khá đông khán giả người Việt đến xem các chương trình hội chợ lô tô. Hình các ca sĩ, nghệ sĩ trong nước hầu như không thiếu một tên tuổi nào. Nghệ sĩ Châu Thanh kể: “Treo một rừng hình ảnh như thế nhưng suốt một tháng diễn ở đây, tôi chỉ thấy có mỗi tôi và một anh nghệ sĩ diễn xiếc, còn lại đều là ca sĩ trẻ từ TP HCM sang. Liên tiếp bán vé tham gia xổ số nhưng 7 đêm mới xổ một lần. Do vậy, ngày cuối tuần, lượng khán giả đến đông gấp nhiều lần các suất khác”.

Trao đổi với số đông khán giả kiều bào sống tại Siem Reap, tất cả đều cho biết rất thích xem ca nhạc tạp kỹ vì có đủ các bộ môn hơn là xem một vở cải lương được diễn miễn phí tại các chùa. Ở các sân bãi trung tâm cũng thu hút khán giả. Tuy nhiên ngoài việc mua vé vào cổng, người xem phải thuê một cái ghế nhựa giá 2 USD hoặc 50.000 đồng. Giá vé khu vực A (gần sân khấu) là 40 USD (hơn 800.000 đồng). Suất diễn hôm nay có nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi và danh hài của TP HCM. Nghệ sĩ xiếc Lý Bằng diễn môn kungfu được xem là đang ăn khách nhất ở nước bạn. Kế đến là nghệ sĩ Vũ Linh, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Vũ Luân, Tú Sương…

Danh hài Hoài Linh, Tấn Beo, Chí Tài, nghệ sĩ Hồng Nga, Anh Vũ, Việt Hương, Thúy Nga… là những tên tuổi đã tạo sức hút cho các đêm ca nhạc tạp kỹ ở đây. Một chị khán giả kiều bào sinh sống ở Campuchia hơn 20 năm, nói: “Xem các nghệ sĩ qua băng đĩa nhiều, bỏ ra 800.000 đồng mua 1 vé đi xem, được nhìn họ tận mặt trên sàn diễn, vậy cũng không đắt”.

Cải lương vào phòng trà

Người Việt định cư tại Campuchia đã đem nhiều mô hình giải trí tại TP HCM sang kinh doanh ở đây. Theo đường số 5, từ hướng Tây qua đường số 1 vào thủ đô Phnom Penh, hai bên đường có những ngôi nhà sàn cột bê-tông lênh khênh nhưng treo đèn màu rực rỡ. Nghệ sĩ Vũ Luân cho biết đó là phòng trà cải lương. Một số đại gia làm ăn khấm khá trên đất bạn đã mở những phòng trà này để mời nghệ sĩ ngôi sao sang biểu diễn. Phần đông họ là dân miền Tây nên rất mê cải lương.

Ở Phnom Penh có khoảng 20 đường mang tên các vị vua Khmer và danh nhân nước ngoài, còn lại đều đặt theo số. Trên những con đường số đó, có một đại gia tên Nghĩa - người Việt, gốc Trà Vinh đang sở hữu 3 phòng trà. Ban đầu, ông tổ chức phòng trà ca nhạc, mời ca sĩ Campuchia hát, sau đó luân phiên mời các ngôi sao nhạc trẻ từ TP HCM sang. Tại phòng trà của ông, Pich Sophea - cô ca sĩ nước Chùa Tháp hiện được xem là ngôi sao, xuất thân là một cô gái bán nước mía, đã từng hát. Sau vài năm kinh doanh lỗ vốn vì thị hiếu chuộng nhạc trẻ của kiều bào Việt bão hòa, ông Nghĩa chuyển sang đầu tư mô hình cải lương phòng trà.

Ông chi trả thù lao cho ngôi sao cải lương trong nước sang rất hậu hĩ. Một ngôi sao bao trọn một chương trình. “Thích nhất là được hát với ngôi sao vì bài ca cổ nào người dân Việt mê vọng cổ đều thuộc” - một khán giả trung niên kể cho chúng tôi nghe. Nhờ mô hình này, ông Nghĩa thắng đậm, cứ vài ba tuần lại mời NSƯT Vũ Linh, Trọng Phúc, Thoại Mỹ, Thanh Ngân hoặc ở hải ngoại có Phi Nhung, Thanh Hằng sang biểu diễn. Nghe đâu Tết này một vài ngôi sao sẽ làm live show mini tại phòng trà của ông và bắt đầu đưa trích đoạn tuồng cổ vào.

Không cho hát nhép

Một nghệ sĩ cải lương tên M. từng bị số đông khán giả kiều bào sống ở Siem Reap tẩy chay vì sang đây diễn tại sân bãi và phòng trà đều sử dụng đĩa thu sẵn giọng ca. Nghệ sĩ Vũ Luân nói: “Quy định ở Campuchia chưa đến độ chặt chẽ nên việc hát nhép vẫn tồn tại trong các sô diễn. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ hát ở phòng trà cải lương khu vực quanh Siem Reap hiện nay đều được yêu cầu phải có dàn nhạc cổ. Sử dụng đĩa thu sẵn nhạc đệm vẫn bị khán giả kiều bào phản ứng”.

Kỳ 2: Chạy sô sang Campuchia: Của thiên trả địa

Tiền thù lao và tiền khán giả tặng, một số nghệ sĩ có máu đỏ đen sẵn sàng nướng sạch vào các sòng bạc

Theo chân nghệ sĩ qua 5 tỉnh đồng bằng của Campuchia có đông dân Việt sinh sống: Svay Rieng, Kampong Cham, Kampong Chhnang, Kampong Thom, Seam Reap, chúng tôi nhận thấy nhu cầu hưởng thụ văn nghệ của người Việt những nơi này rất lớn bởi đời sống tinh thần quá thiếu thốn. Vì vậy, được xem nghệ sĩ trong nước biểu diễn là khát khao của kiều bào nơi đây.

Bầu sô ăn chặn đủ kiểu

Nghệ sĩ Vũ Luân cho biết chạy sô sang Campuchia “giá nào cũng bị hớ”. Theo anh, ban đầu các bầu sô sang Campuchia kết hợp với các chùa trong cộng đồng người Việt tổ chức biểu diễn văn nghệ gây quỹ cứu trợ đồng bào nghèo đang sống dọc biên giới nước này. Chương trình không bán vé nên số lượng khán giả có khi đông đến vài ngàn người. Các nhà sư lo việc tổ chức văn nghệ thường giao khoán cho bầu sô. Tiền tổ chức là của khách thập phương đóng góp để mời nghệ sĩ ngôi sao Việt Nam sang biểu diễn. “Giá thù lao của nghệ sĩ do các bầu sô đưa ra thường rất cao nhưng chi trả cho nghệ sĩ lại theo thỏa thuận. Trong khi đó, nghệ sĩ nghe nói hát từ thiện, giúp đồng bào người Việt mình thì ai dám lấy giá cao. Lợi dụng nghĩa cử này, các bầu sô thường “cắn” đến 2/3 thù lao của nghệ sĩ” - nghệ sĩ Vũ Luân nói.

Nghệ sĩ tập trung chờ biểu diễn tại một điểm diễn ở Campuchia

Tại các chợ lớn như: Thmây, Cha, Olympic..., từ 17h, thức ăn đủ món Tây, Hoa, Việt, Khmer đã được bày bán chung quanh sân bãi. Khi đã dứt ra khỏi chương trình văn nghệ do các chùa Việt tổ chức, một số bầu sô thuê sân bãi để dựng rạp hát. Vì vậy, chẳng lạ gì khi chủ các hàng quán ở đây đều là người thân thích của bầu sô. Họ bán thức ăn, nước giải khát và cả vé chợ đen. “Giá thù lao hát cho bầu sô trong hội chợ và sân bãi có phần minh bạch hơn hát cho các chùa. Tuy nhiên, nếu không nhận trước số tiền tạm ứng thì khả năng bị bớt thù lao khi sang diễn tại đây là khó tránh khỏi. Bầu sô ở đây bày đủ trò để lừa nghệ sĩ trong nước sang. Một đêm họ tổ chức diễn tại 3 sân bãi cách nhau vài chục cây số. Khi đã thương lượng giá thù lao với nghệ sĩ trong nước, họ gửi tạm ứng trước thù lao của 1 điểm diễn, còn thù lao 2 điểm kia sẽ được trả khi kết thúc điểm diễn cuối. Trên thực tế, mặc dù nghệ sĩ diễn 3 điểm nhưng bao giờ giới bầu sô cũng chỉ trả thù lao 2 điểm. Tuy nhiên, khi đến điểm diễn thứ ba, tôi và một vài đồng nghiệp hát xong, đứng chờ mãi chẳng thấy bầu sô đâu. Hỏi nhân viên của sân bãi, họ bảo hãy quay về điểm diễn đầu. Vòng vo khắp các chợ mới biết mình bị quỵt. Tài xế người Campuchia nên hết giờ là mời nghệ sĩ chúng tôi xuống xe, dù chưa về đến nhà nghỉ” - một nghệ sĩ bức xúc.

Một nghệ sĩ cải lương cho biết hát ở hội chợ cũng bị “cắn” bớt thù lao khi người quản lý chương trình dụ nghệ sĩ mua vé số với chiêu “nhờ anh chị mua giùm vài tờ để câu khán giả, họ sẽ đổ xô theo anh chị mua số lượng nhiều”. Thế nhưng, sau 7 suất diễn, khi lĩnh lương thì nghệ sĩ mới biết mình bị trừ tiền vé số mua “mồi”. “Chúng tôi thắc mắc thì người quản lý bảo có dự xổ số, lãnh quà tặng nên phải trừ tiền. Trên thực tế, tôi chỉ trúng được gói xà bông bột” - nghệ sĩ này kể.

Con đường đến sạt nghiệp

Dập dìu sang Campuchia hát sô đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho một số nghệ sĩ cải lương, hài kịch. Thế nhưng, nguy cơ mất trắng tiền đã được một số nghệ sĩ cảnh báo. Naga Casino tại Phnom Penh là sòng bạc lớn và ngày càng nhiều người Việt đến đây. Một số nghệ sĩ ngôi sao được giới bầu sô ở đây chiêu đãi những bữa ăn trong casino, đồng thời cung cấp cả dịch vụ khách sạn miễn phí. Vì vậy, khi sang đây biểu diễn, một số nghệ sĩ đã vướng vào trò đỏ đen dẫn đến tiêu tan sự nghiệp.

Nghệ sĩ Châu Thanh kể: “Cộng đồng người Việt sống tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang thích xem ca nhạc tạp kỹ và cải lương ở sân bãi và các phòng trà, sân khấu nằm trong casino. Vì vậy, hoạt động biểu diễn tại đây rất sôi nổi”.

Còn phía Đông Bắc Campuchia, các vùng Mondolkiri, Katanakiri, Stung Treng, ngày nay đã mọc lên nhiều casino bên bờ sông Sêrêpôk. Người Việt ra vào các sòng bạc này không ít. Một khán giả chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh chân dung của một phụ nữ Việt rất quen, đó là vợ cũ của một nghệ sĩ cải lương rất nổi tiếng, theo chồng lưu diễn sang đây rồi thành con nợ của các sòng bài. “Người này bị treo hình ở các sòng bạc để khuyến cáo nhân viên an ninh không cho vào” - khán giả này cho biết. Không ít nghệ sĩ cải lương sang Campuchia biểu diễn đã “tạm trú dài hạn” tại các sòng bạc từ cửa khẩu Mộc Bài cho đến các casino ở Phnom Penh, Seam Reap. Tiền thù lao và tiền khán giả tặng khi hát ở phòng trà cải lương, họ sẵn sàng nướng sạch vào các sòng bạc.

Một số nghệ sĩ hài cũng vướng chân vào con đường dẫn đến sạt nghiệp này. Nghệ sĩ Tấn Beo kể: “Tôi đã từng chứng kiến đồng nghiệp mình bị vây nợ nên rất khó chịu khi nghe nói đi hát ở Campuchia. Thực tế, một số nghệ sĩ lợi dụng việc đi hát để mượn đường sang nước bạn chơi trò đỏ đen”.