Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên vào lúc 7h39 sáng nay (giờ địa phương) đã tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho Reuters hay: “Tình báo của Hàn Quốc và Nhật Bản biết rằng tên lửa của Triều Tiên đã thất bại”. Tokyo, Washington và Seoul cho biết tên lửa đã rơi xuống biển nơi ngăn cách bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc sau khi bay được 120 km từ bệ phóng gần với biên giới Trung Quốc.
Sáng nay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp để bàn về vấn đề Triều Triều và những phản ứng của Triều Tiên sau vụ bắn tên lửa. Các thành viên chính của Hội đồng Bảo an, trong đó có Anh, đã cam kết sẽ “nỗ lực nhiều hơn” để cô lập Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã có động thái chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 3, một hành động tiếp tục làm căng cẳng thêm trong khu vực châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka, cho hay tên lửa của Bình Nhưỡng bị rơi khoảng một phút sau khi bay. Ông Osamu Fujimura, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, cho biết tên lửa không ảnh hưởng gì đến lãnh thổ Nhật Bản và Nhật sẽ họp an ninh khẩn cấp vào sáng nay lúc 8 giờ 40 (giờ địa phương).
Ông Lee Myung-bak, Tổng thống Hàn Quốc, cũng đã triệu họp khẩn cấp các bộ trưởng an ninh ở Seoul lúc 9 giờ sáng nay (giờ địa phương) để bàn về các vấn đề xung quanh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã cảnh báo rằng Triều Tiên đã có sự lựa chọn rõ ràng giữa 2 con đường, một là bị cô lập, hai là sẽ có mối quan hệ gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế.
Trước khi bắn tên lửa, Triều Tiên tuyên bố vụ bắn tên lửa phục vụ mục đích hòa bình, để phục vụ cho việc dự báo thời tiết có lợi cho sản xuất nông nghiệp và phát triển đất nước. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc lại cho rằng đó là tấm bình phong che chắn tham vọng tên lửa của Triều Tiên, rằng đây thực chất là một vụ bắn thử tên lửa mang đầu đạn tầm xa. Vụ bắn tên lửa của Triều Tiên trở thành chủ đề nóng quốc tế trong thời gian vừa rồi.
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc gọi đó là một hành động khiêu khích. Trong chuyến thăm Hàn Quốc 3 ngày của Tổng thống Mỹ Obama vừa rồi, ông Obama đã tranh thủ mọi thời cơ để đe dọa trừng phạt cô lập Triều Tiên, trong đó có việc xóa bỏ cam kết sẽ viện trợ lương thực cho nước này. Hàn Quốc và Nhật tuyên bố sẽ bắn chặn tên lửa của Triều Tiên nếu nó xâm phạm lãnh thổ của 2 nước này. Ngoại trưởng Đức Westerwelle cũng đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi Hội động Bảo an phản ứng “mạnh mẽ” trước hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Trung Quốc, một nước thân với Triều Tiên, thì lại đứng ở giữa thế bí khi bị các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc tạo sức ép có biện pháp can thiệp để Triều Tiên ngừng kế hoạch bắn tên lửa. Một mặt, Trung Quốc vừa phải hối thúc các bên không nên có hành động quá khích trong khi tìm cách “cầm chân” Triều Tiên, mặt khác phải chuẩn bị chọn cách phản ứng thích hợp sau khi Triều Tiên phóng tên lửa.