Học sinh chết sau khi bị công an bắt giữ: Chỉ đề nghị mức án treo

Nguyên công an viên Lê Minh Phát bị VKS đề nghị từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm 3 tháng tù, còn công an viên Lê Ngọc Tâm được đề nghị án treo.

Sáng 13/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật” xảy ra tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) bước sang phần tranh luận.

Kiểm sát viên Ngô Văn Phước đã trình bày kết luận nêu quan điểm của Viện KSND huyện Vạn Ninh đối với từng bị cáo.

Theo đó, bị cáo Lê Minh Phát (công an viên xã Vạn Long) dù không phải ngày trực, cũng không được lãnh đạo phân công, nhưng khi nghe có người nói nhóm của Tu Ngọc Thạch đi tìm đánh nhóm của Lê Tấn Khỏe, bị cáo không báo cáo cho lãnh đạo Công an xã Vạn Long mà tự ý đi truy bắt Thạch.

Đây là việc làm cá nhân, không vì mục đích công vụ, bởi Phát biết Khỏe là con của ông Lê Văn Dũng, là công an viên cùng làm chung với mình.

Khi gặp Thạch, bị cáo có các hành vi như còng tay, đánh, đá, đạp vào lưng, mặt, đầu nạn nhân. Khi đưa Thạch vào trụ sở công an xã, bị cáo còn tiếp tục dùng tay đánh vào ngực, sườn, đầu sau đó mới cho gia đình bảo lãnh về.

"Hành vi của bị cáo Phát thật sự nguy hiểm, không tuân thủ quy trình tố tụng hình sự. Bị cáo không có thẩm quyền bắt người và cũng không được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.. Bị cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cái chết của Tu Ngọc Thạch” - kiểm sát viên nêu.

Bị cáo Lê Tấn Khỏe có mâu thuẫn với Thạch nên khi thấy nạn nhân đã dùng vỏ chai bằng thủy tinh ném mạnh trúng đầu làm Thạch ngã xuống đường. Giám định pháp y kết luận nguyên nhân tử vong của Thạch là do chấn thương sọ não.

Còn bị cáo Lê Ngọc Tâm (cũng là công an viên xã Vạn Long), dù không phải ca trực, không được phân công, nhưng bị cáo vẫn tích cực "phối hợp" cùng bị cáo Phát bắt Thạch.

Tâm đã tiếp tay, giúp sức để Phát đuổi bắt Thạch, chở Phát và Thạch về trụ sở công an xã, là có hành vi “bắt người trái pháp luật”.

Theo công tố viên, các bị cáo đã khai nhận tội thành khẩn, thể hiện ăn năn hối cải, cái chết của nạn nhân là điều các bị cáo không mong muốn, là hậu quả mà các bị cáo không lường trước được do hành vi của mình gây ra.

Các bị cáo đều không có tiền án, tiền sự; bị cáo Phát đã đền bù cho một phần thiệt hại cho gia đình nạn nhân; bị cáo Khỏe phạm tội ở tuổi vị thành niên; bị cáo Tâm phạm tội ít nghiêm trọng.

Từ những phân tích trên, đại diện Viện KSND huyện Vạn Ninh đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt: 

Lê Minh Phát: 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”, 6-9 tháng tù về tội “bắt người trái pháp luật”, tổng hợp mức án đề nghị đối với bị cáo này là 5 năm 6 tháng đến 6 năm 3 tháng tù.

Lê Tấn Khỏe: từ 2 năm 6 tháng đến 2 năm 9 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Lê Ngọc Tâm: Từ 6-9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cha mẹ nạn nhân Tu Ngọc Thạch

Tranh luận tại tòa, luật sư Vũ Như Hảo (bào chữa cho bị cáo Phát) cho rằng kết luận giám định cái chết của Tu Ngọc Thạch là chấn thương sọ não do tác động của vật tày, trong khi Phát chỉ dùng tay, chân đánh nên không thể gây ra vết thương và hậu quả trên.

Từ đó, luật sư đề nghị tòa tuyên Phát không phạm tội “cố ý gây thương tích”, chỉ bị xem xét tội “bắt người trái pháp luật” và còn đề nghị xử ở khoản nhẹ.

Hai luật sư Trần Quốc Tuấn và Huỳnh Văn Thành (bào chữa cho bị cáo Khỏe) thì bào chữa rằng qua lời khai của Khỏe và nhiều nhân chứng khác thì thấy bị cáo Khỏe ném chai trúng vào vùng gáy, vùng ót của Thạch.

Trong khi kết luận giám định pháp y thì kết luận các vết thương trên đầu Thạch ở vùng đỉnh đầu, trán, thái dương và xảy ra hầu như cùng một thời điểm.

Các luật sư cho rằng không có cơ sở khẳng định chai thủy tinh do Khỏe ném trúng một lần vào đầu của Thạch gây một lúc các vết thương ở những vị trí khác nhau như vậy. Từ đó, các luật sư đề nghị tòa tuyên Khỏe không phạm tội “cố ý gây thương tích”.

Đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa tranh luận lại rằng hậu quả mà hai bị cáo Phát, Khỏe gây ra là sự tác động của họ vào vùng đầu làm Tu Ngọc Thạch chết, nên giữ nguyên quan điểm luận tội.

Sáng 14/11, tòa sẽ tuyên án.