Hoa hồng cho những người mẹ đơn thân

Mỗi khi nhìn thấy các chị em cùng phòng rộn ràng hoa quà vào những ngày lễ, cô lại chạnh lòng...

Dù đã chuẩn bị tâm lý rất nhiều trước khi quyết định làm bà mẹ đơn thân, nhưng mấy ai tránh mãi được những phút yếu lòng thế này.

Phụ nữ đơn thân không còn là một hiện tượng lạ trong xã hội. Ở Mỹ hiện nay, tỉ lệ các bà mẹ là đơn thân chiếm tới… gần một nửa! Trong số này, phần lớn là những phụ nữ mải theo đuổi sự nghiệp nên quyết định có con một mình và những người sinh con với bạn trai nhưng không kết hôn. Câu chuyện này dễ dàng được chấp nhận ở Mỹ, một đất nước phóng khoáng về tình dục cũng như tư tưởng.

Vài năm gần đây, cụm từ “single mom” (mẹ đơn thân) được nhiều cô gái trẻ Việt Nam coi như một thứ mốt. Gần như là một sự khẳng định, có phần nổi loạn của phụ nữ. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn sự thật, đằng sau các bà mẹ đơn thân ở nước ta đều là những câu chuyện buồn. Xã hội Việt Nam không tới mức cạo trọc bôi vôi như ngày xưa nhưng vẫn còn nhiều gièm pha. Tuy nhiên, đấy chẳng là điều khiến các bà mẹ đơn thân buồn phiền nhất.

 
Chuyện của cô cũng như bao câu chuyện của các bà mẹ đơn thân khác. Tình yêu lỡ dở, không nỡ bỏ con, cô quyết định làm mẹ đơn thân. Xác định trước tư tưởng, tham khảo nhiều nguồn thông tin, nhưng tới khi con chào đời, cô mới thật sự nếm trải nỗi cay đắng nhọc nhằn của việc sinh con một mình. Rồi con cũng cứng cáp, công việc ổn định, mọi việc tưởng chừng đi vào quỹ đạo, thì cô lại gục gã.

Suốt mấy năm chỉ biết tới chăm con, kiếm tiền, cô chẳng còn thời gian để nhìn lại chính mình. Bây giờ rảnh rang hơn, ngồi nhìn lại mình, thấy chua chát làm sao. Lần cuối cùng cô mặc đẹp, dạo phố cuối tuần, cười với một người khác giới là khi nào? Và lần cuối cùng, cô nhận được quà từ đàn ông là khi nào?

Cô thèm biết bao cảm giác được dựa vào một người đàn ông, nức nở khóc để được dỗ dành như trẻ nhỏ. Nhưng đó mãi chỉ là mơ ước. Từ lâu, cô đã mất niềm tin vào đàn ông, vào tình yêu. Nhất là bây giờ cô đã có con. Cô phải sống vì con, gánh vai trò của cả bố và mẹ. Cô không có quyền phiêu lưu nữa.
 
 
Còn người đàn ông rời bỏ cô, nay đã lập gia đình, làm bố của những đứa trẻ khác. Anh ta sống nhởn nhơ, sống viên mãn, được xã hội trọng vọng. Không ai lên án anh ta, có người còn coi đó là “thành tích”. Chỉ có phụ nữ, là cô, phải ôm bao tủi hờn, phải gồng mình nuôi con mà vẫn bị xã hội chê cười. Tại sao lại như vậy? Khi mà tình yêu (và tình dục) là tự nguyện từ hai phía? Cô nghĩ mãi mà vẫn không thể hiểu nổi. Nhất là nếu anh ta từ bỏ tất cả để quay lại với cô, có lẽ chính cô cũng mừng rỡ chào đón? Hay đây chính là câu trả lời? Phải chăng việc phụ nữ quá cam chịu chính là cái cớ cho nhiều gã đàn ông khốn nạn?
 
Cô không muốn hiểu nữa. Mùa lại mùa trôi qua, vẫn chẳng có hoa hồng cắm trong chiếc bình pha lê ở góc phòng. Có lẽ, nó phải đợi khi con trai cô lớn lên, biết mua hoa tặng mẹ. Nhưng trước hết, cô phải dạy cho cậu con trai mình biết cách yêu thương, trân trọng người khác và là một người đàn ông có trách nhiệm trong tương lai.