Còn trao đổi với Phóng viên, Tiến sỹ Ngô Quang Toàn, Trưởng đoàn Địa chất Hà Nội nhận định: nguyên nhân gây sụt lún, nứt đường Lê Văn Lương kéo dài là nguyên nhân nhân tạo.
“Nguyên nhân nhân tạo!”
Trong khi các cơ quan chức năng đang vào cuộc để truy tìm nguyên nhân thật sự gây sụt lún, nứt đôi đường Lê Văn Lương kéo dài xảy ra vào sáng ngày 19/8 vừa qua, T.S Ngô Quang Toàn, trưởng đoàn Địa chất Hà Nội: “Nói gì thì nói, nguyên nhân sạt lở là nguyên nhân nhân tạo!”.
Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, TS Ngô Quang Toàn cho biết: Vụ sạt lở đường Lê Văn Lương kéo dài vừa xảy ra, đó là nguyên nhân nhân tạo, kết hợp với thời tiết trời mưa lớn đã gây ra hiện tượng cộng hưởng.
“Từ những thông tin báo chí nêu, với những hình ảnh ở hiện trường, chắc chắn phần dưới của đoạn sụt lún, nứt gãy bị rỗng, do đó nó đã kéo theo lớp bề mặt đường bị sụt xuống theo".
Tiến sỹ Toàn cũng cho hay: những ống cống ngổn ngang tại hiện trường, trong kết cấu của mặt cắt đường, nó là đường ống cống thoát nước ra hồ sinh thái của tập đoàn Nam Cường. Đường ống cống này cũng là “nạn nhân” của sự sụt lún bề mặt đáy nêu trên.
Ông Toàn phỏng đoán: có thể là do lớp cọc ở độ sâu vài chục mét khi nhà thi công rút đi. Thông tin về dự án U Silk City của chủ thầu Sông Đà Thăng Long đang thi công hai tòa cao tầng 104, 105 như báo chí nêu, ông Toàn cho biết: nếu bên xây dựng họ rút đi hệ thống mố tường hay hệ thống cọc sắt, nó cũng sẽ là nguyên nhân gây cộng hưởng.
Vị trí đoạn đường bị sụt lún, đứt gãy, TS Toàn khẳng định: khu vực này thuộc địa hình ổn định, không phải là địa hình đá vôi, caxto nên không có nguyên nhân đứt gãy do sụt lún bên trong bề mặt tự nhiên. Nếu đoạn đường này đi qua địa bàn Quốc Oai thì may ra mới dám nghĩ đến nguyên nhân này.
"Trước mắt, hai bên SĐTL và Nam Cường vẫn tranh cãi về trách nhiệm, nhưng tôi thấy gì thì gì cũng cần phải khắc phục sớm để ổn định lại đời sống người dân!” - ông Toàn nói.
“Hố tử thần”: Nước là nguyên nhân!
Ông Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên – Môi trường) phân tích về nguyên nhân gây ra các hiện tượng “hố tử thần” xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo ông Văn, nước luôn là thủ phạm trong các vụ sụt sập, sụt lún nền đất, tạo nên các khoảng trống ngầm trong nền đất. Điều này đúng cả trong trường hợp các “hố tử thần” ở các đô thị lớn nằm trên nền đất yếu như TP. HCM và Hà Nội.
Các “hố tử thần” thường xuất hiện dọc theo và bên trên các tuyến cống ngầm. Dọc theo đó có thể thấy rằng ở rất nhiều đoạn, mặt đường sau khi thi công, mặc dù đã được đầm nén, lu phẳng nhưng sau một thời gian vẫn thấy lồi lõm và sụt sập có thể xảy ra bấy cứ lúc nào, nhiều khi không có dấu hiện báo trước.
Điểm sụt lún tại đường Lê Văn Lương kéo dài
Về câu hỏi: tại sao “hố tử thần” dường như chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây và chủ yếu liên quan đến các dự án cải tạp, lắp đặt hệ thống đường ống cấp thoát nước, ông Văn giải thích: Áp lực của cuộc sống hiện đại làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong thi công như làm ẩu, làm vội, rút ruột công trình, sử dụng nhân công, kỹ thuật… chưa thích hợp.
Việc thi công các hệ thống cống, công trình ngầm ở các đô thị lớn, đông dân như Hà Nội, TP. HCM rất khó, nhiều khi buộc phải làm vội, đốt cháy giai đoạn, không tuân thủ quy trình, quy phạm, không áp dụng được ác giải pháp giữ ổn định cần thiết… làm rò rỉ nước ngầm.
Sông Đà Thăng Long, Tập đoàn Nam Cường – hai đơn vị đang tranh cãi về việc đơn vị nào gây sụt lún đường Lê Văn Lương vừa xảy ra, vẫn chưa đứng ra nhận trách nhiệm.
Trong khi Tập đoàn Nam Cường khẳng định, nguyên nhân gây sụt đường do Sông Đà Thăng Long mới rút cọc chống mép vệ đường nên mặt đất phía dưới bị rỗng chân, kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường đã tác động bẻ gãy đường ống cấp, thoát nước, chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long ngay lập tức đã bác bỏ.
Theo Sông Đà Thăng Long, hệ thống cọc chống mép vệ đường trên phần đất do đơn vị này đang triển khai dự án có chiều dài hàng trăm mét, trong đó gồm có hệ thống cọc sắt dài hàng chục mét, chôn ở độ sâu 5-6 mét và hệ thống tường bê-tông chống mép đường. SĐTL chưa rút bất kỳ cọc móng mép đường nào.
Cách địa điểm xảy ra sự kiện sụt lún, nứt đường Lê Văn Lương vừa qua chừng hơn 100 mét, một hố sụt lún khác cũng đã xuất hiện với độ sâu vài mét. Một mảng bê-tông trên bề mặt đã bị kéo xuống. Hố sụt lún tương tự như một hố bị hở hàm ếch, kết cấu khá lỏng lẻo và không bền chắc.