Hậu ly hôn, vợ chồng "dắt díu" ra tòa chia từng mét đất, từng nhà vệ sinh

Có với nhau hai con chung đều đã trưởng thành và lập gia thất, nhưng hai vợ chồng ông H. vẫn quyết làm đơn xin ly hôn và tự thỏa thuận về tài sản sau ly hôn.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, giữa hai vợ chồng vẫn không đồng nhất việc phân chia tài sản, thế rồi cả gia đình ‘dắt díu’ nhau ra tòa nhờ phân chia tài sản chung.

Đó là hoàn cảnh của gia đình ông Đàm Văn H. (SN 1965, trú tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị T. (SN 1966, ngụ cùng địa chỉ trên). Khi cưới nhau về tài sản chung của hai vợ chồng chỉ có một chiếc xe tàu rồi cùng nhau gây dựng kinh tế. Theo bà T., ông H. là người gia trưởng và ‘vũ phu’, bản thân bà đã bị ông đánh phải 3 lần phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Có lần ông đánh, bà phải khâu 9 mũi trên đầu, những trận chửi mắng của chồng diễn ra như… “cơm bữa”. Biết bản tính của chồng như vậy nhưng vì con cái nên bà T. cố chịu đựng.

Sau khi lấy nhau về, hai vợ chồng cùng nhau xây nhà, mở xưởng gỗ để kinh doanh và sinh được 2 người con chung là Đàm Quang S. (SN 1985) và Đàm Quang T. (SN 1988). Lúc khó khăn không sao, khi đã gây dựng được kinh tế ổn đinh, ông H. lại có mâu thuẫn với gia đình bên vợ và có một số mối quan hệ ngoài luồng nên tình cảm giữa hai vợ chồng ngày càng phai nhạt.

Mâu thuẫn với nhau từ năm 2008, nhưng mãi đến năm 2010, hai vợ chồng mới chính thức làm đơn ly hôn và tự thỏa thuận chia tài sản. Anh Đàm Quang S. sống chung với bố, Đàm Quang T. sống cùng mẹ. Và hiện tại, ông H. đã có vợ mới nên gây khó khăn nhất là chỗ ở cho vợ chồng anh S.

Mâu thuẫn xoay quanh việc phân chia tài sản sau ly hôn như sau:

Hai vợ chồng ông H. bà T. có 185 m2 đất thuộc số thửa 76 tại thôn Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, có nguồn gốc là do hai vợ chồng nhận chuyển nhượng của ông Trung (hàng xóm liền kề) từ năm 1988 với diện tích 151 m2 tương đương với số tiền là 1,5 chỉ vàng. Đến năm 1994, hai vợ chồng lại mua thêm 24m2 đất của một người hàng xóm liền kề với giá 1 chỉ vàng. Năm 2004, ông H. là người trực tiếp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện Đông Anh cấp ngày 21/6/2004 với toàn bộ diện tích đất là 185 m2. Ngoài ra hai vợ chồng còn có 1597 m2 đất sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, bà T. đề nghị Tòa án chia đều số đất sử dụng nêu trên cho 04 nhân khẩu (bà T., ông H. và 2 con), chia tài sản chung là quyền sử dụng đất bằng hiện vật để con cái và bà có chỗ ở.

Bố mẹ dắt nhau ra tòa chia nhà, chia đất

Bị đơn là ông H. trình bày rằng, toàn bộ 151 m2 đất nêu trên là của bố mẹ ông mua của ông Trung để lại cho riêng ông, không phải là tài sản chung của hai vợ chồng. Hai vợ chồng chỉ cùng nhau mua 24 m2 đất về sau. Ông H. chỉ đồng ý chia 24 m2 đất là tài sản chung của hai vợ chồng. Trong khi đó, bà T. một mực nói rằng 151 m2 đất đó bà đã đưa tiền nhờ bố mẹ chồng mua hộ.

Có mặt tại tòa, bà Đào Thị Bé (mẹ bị đơn Đàm Văn H.) khẳng định số đất đó là ông bà mua và cho H. để có chỗ ở, nay bà mong muốn lấy lại cho H. để xây dựng nhà thờ họ. Bà không hề nhận tiền của con dâu để mua đất.

Với mong muốn chia tài sản sau ly hôn, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Đông Anh đã quyết định cho bà T. được quyền sử dụng 104,3 m2 đất, bao gồm 01 nhà mái bằng, 1 nhà tắm, 1 nhà vệ sinh, 3 gian nhà cấp 4, 1 giếng khoan. Ông H. được quyền sử dụng 90,2 m2 đất bao gồm 3 gian nhà cấp 4, 1 tường đơn trước nhà mái bằng, toàn bộ phần cổng và sân trước nhà. Toàn bộ số đất nông nghiệp được chia đều cho 04 nhân khẩu.

Với bản án ở cấp sơ thẩm, tất cả các đương sự đều kháng cáo. Bà T. cho rằng tất cả phần đất nêu trên là của cả 2 vợ chồng. Ngoài ra, anh S. cũng là người có công sức chung với hai vợ chồng, bà mong muốn được chia chung kỉ phần của 3 mẹ con thành một khối. Về phía anh H. kháng cáo, theo anh 2 vợ chồng chỉ có tài sản chung là 24 m2 đất và đề nghị tòa chia số diện tích đất đó. Bên cạnh đó 2 vợ chồng còn có tài sản chung là xưởng gỗ và 6 bộ bàn ghế ở Tiên Dương (quê vợ) ông cũng mong muốn được tòa chia đều. Ngoài ra, trước khi đi lấy chồng, bà T. được  mẹ đẻ cho một mảnh đất ở quê nhà, giờ đây ông H. cũng yêu cầu được chia mảnh đất ấy.

Bà T. bức xúc “đó là mảnh đất riêng của mẹ đẻ tôi cho tôi, lúc hai vợ chồng khó khăn mẹ tôi đã cho mượn đất, mượn tiền để xây dựng xưởng. Hiện tại số nợ chung của hai vợ chồng còn hơn 50 triệu, ông H. không ‘đoái hoài’ gì đến công nợ chung mà còn đòi chia đất…”. Trong khi đó, ông H. nói rằng “số nợ đó là vợ tôi tự vay, tôi không hề biết…”.

Trong phiên tòa phúc thẩm, 3 mẹ con chị T. ngồi một góc, anh H. và bà Bé ngồi một góc biệt lập. Giường như sợi dây tình cảm của hai người đã thay bằng sự thù hằn, có chăng sự gắn kết còn sót lại chỉ vì 2 đứa con. Thật đau đớn khi chứng kiến cảnh cha mẹ tranh chấp với nhau từng m đất, từng cái nhà vệ sinh. Đấng sinh thành đã quá mải mê làm kinh tế mà bỏ bê suy  nghĩ của con cái. Cũng vì thế mà anh S. đã phải bỏ học từ năm 13 tuổi để đi học nghề, vốn là người thông minh nên từ năm 14 tuổi S. đã kiếm được số tiền 1,6 triệu đồng/tháng để phụ giúp bố mẹ xây nhà.

Và càng đau đớn hơn khi giờ đây, ông H. và bà T. đã có 5 đứa cháu chung. Con cháu sẽ nghĩ gì khi trên chính mảnh đất chúng đang sống, giờ đây ông bà lại đang chanh trấp, đay nghiến nhau để phân chia lại…?!

Trong suốt phiên xử án, ông H. luôn cho rằng “là phụ nữ đi lấy chồng, đã phụ thuộc nhà chồng mà giờ lại đòi chia tài sản của nhà chồng là điều không thể được…”. Bà T. ‘bật’ lại “tiền của, công sức thời trẻ của tôi, giờ ly hôn tôi nhờ pháp luật phân chia lại thì có gì là sai…”.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án cùng các lời khai của nguyên đơn, bị đơn tại tòa. Sau giờ nghị án, HĐXX trở lại làm việc. Trước khi tuyên án vị chủ tọa đã phải “rào” trước rằng cho dù bản án có thế nào thì các đương sự cũng không được to tiếng cãi vã hay xích mích gì trong tòa. Khép lại phiên xử HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, giao lại hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đông Anh xem xét lại một số tình tiết chưa được làm rõ như chưa đưa hai người con vào để phân chia chung tài sản. Vừa tuyên án xong, bà Bé liền lớn tiếng “không chấp nhận và sẽ nhờ pháp luật phân chia đúng sai đến cùng…”.

Rất có thể việc tranh chấp đất đai giữa hai vợ chồng cũng chỉ nhằm mục đích để lại cho con cháu sau này. Hiện tại, hai người con chung đang sống trên chính mảnh đất ấy thì cớ gì mà cha mẹ lại phải kiện tụng nhau ra tòa để chia chác lại? Thiết nghĩ, những bậc sinh thành đã quá ‘nông cạn’ khi đưa những hằn thù cá nhân vào việc phân chia tài sản. Một khi quyền lợi của cả hai bị ‘đụng chạm’ và sự ích kỷ của bản thân cứ mãi dồn ép người khác, thì chính bản thân mình cũng ắt gặp thương tổn.