Trong lịch sử qua những truyền thuyết và huyền tích, dù trí tưởng tượng dân gian vô cùng phong phú, nhưng chỉ tồn tại duy nhất một trường hợp là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tiền thân, ông là một nhà tu hành đắc đạo. Rồi khi thoát xác, ông lại đầu thai thành một vị vua. Dù những câu chuyện về vị thiền sư này mang đậm nét hư ảo, nhưng điều không thể phủ nhận, ông trở thành hình tượng thờ phụng chính, trong hai ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Hà Thành: chùa Láng và chùa Thầy. Sự gắn kết hai địa danh này, thân phận kỳ lạ của thiền sư, dù hàng ngàn năm qua vẫn khơi gợi trí tò mò của bao thế hệ người Việt.
Thân trước là sư, thân sau là vua
Thời nhà Lý, những sự kiện cầu đảo, cúng tế, thể hiện vai trò của các thế lực thần thánh, đều gắn với sự hiện diện của các vị thiền sư, đạo sĩ, luôn nhận được quan tâm rất lớn của triều đình cũng như dân chúng. Vì thế, thời Lý rồi sau đó là thời Trần, đều tượng trưng cho thời đại quân chủ Phật giáo, vương quyền và giáo quyền được kết hợp một cách tự nhiên.
Không ít các thiền sư có vai trò đặc biệt đối với vương triều từ việc giảng giải đạo lý đến việc cố vấn về các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao. Để bảo vệ nhà vua và nền quân chủ, các vị thiền sư không ngần ngại thi triển công năng của các loại sấm truyền, thần chú, phép thuật để trị bệnh, trừ tà, xua đuổi âm binh, cầu đảo… Trong bối cảnh ấy, thiền sư Từ Đạo Hạnh có thể được coi là một nhân vật độc đáo bậc nhất, khi tiền thân là người tu hành, hậu thận lại trở thành đấng quân vương.
Từ Đạo Hạnh (1072- 1116) tục gọi là Đức Thánh Láng. Khi chưa học đạo, thiền sư họ Từ tên Lộ, cha là Từ Vinh, làm chức tăng quan đô sát triều Lý; mẹ là Lỗ Loan người làng An Lãng. Tương truyền, thời niên thiếu, Từ Đạo Hạnh tính tình phóng khoáng thích du ngoạn song lại có chí lớn. Đến tuổi, ông dự kỳ thi hương, đỗ khoa Bạch Liên.
Tài liệu chép cha ông làm phật ý Diên Thành hầu, bị ông ta sai một người thần thông quyền phép là Đại Điên đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Quá đau đớn, Từ Lộ bỏ làm quan, tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật để trả thù nhà. Gặp duyên, ông bèn ẩn cư tại núi Phật Tích, luyện thành đạo phép. Sau đó, trong một trận đấu phép quyết liệt, Từ Lộ tiêu diệt được Đại Điên. Trả thù cha xong, hận xưa rửa sạch, lòng trần nguội lạnh, Từ Lộ bèn du ngoạn các miền rừng núi để tìm dấu Phật.
Đây là thời điểm ông trở thành thiền sư Từ Đạo Hạnh, tu tập, học đạo hóa thân ở chùa Thầy. Thiền sư thường thi triển phép thần thông, giúp người dân được an lành, vì thế được mọi người yêu kính. Bấy giờ, ông được ơn cứu mạng của Sùng Hiền hầu, một người em họ của vua Lý đương triều. Gặp lúc vợ Sùng Hiền hầu có mang, đến kỳ mà mãi không thể sinh, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Biết tin, thiền sư Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, tìm vào hang núi mà hóa. Thiền sư vừa qua đời, phu nhân Sùng Hiền hầu cũng trở dạ, sinh con trai đặt tên là Dương Hoán. Trong sự việc này, thực chất đã có một thỏa thuận giữa thiền sư và ân nhân cứu mạng. Từ Đạo Hạnh trút thân là để đầu thai thành Dương Hoán, sau này sẽ báo ơn trước đó của Sùng Hiền hầu.
Sử cũ chép, năm Đinh Dậu (1117) vua Lý Nhân Tông xuống chiếu bố cáo muôn dân, đại ý nhà vua không có con trai nối ngôi, vì thế nuôi một số con trai của những người anh em ruột, sau này chọn người giỏi nhất lập làm Thái tử. Dương Hoán mới lên 2 tuổi cũng được chọn nuôi. Dương Hoán càng lớn càng thông minh lanh lợi, vua rất yêu nên lập làm Thái tử như lời đã hứa. Sau này Dương Hoán lên ngôi, chính là vua Lý Thần Tông. Quan niệm cổ nhân cho rằng vua Lý Thần Tông chính là hậu thân của Từ Đạo Hạnh. Vì thế, nhà vua tư chất thông minh, cai trị thuận hòa, khiến nước mạnh dân chúng an lành.
Sự tái sinh làm quân vương của Từ Đạo Hạnh đã đáp ứng được niềm tin của đa số triều thần về một vị vua anh minh xuất thế. Tuy nhiên, xét ở góc độ cá nhân, đây chỉ là sự báo ân cứu mạng của Từ Đạo Hạnh đối với Sùng Hiền hầu. Là người tu đạo, hơn ai hết, thiền sư hiểu rõ bản chất của sinh diệt, vinh nhục. Trước khi hóa thân đầu thai, ông đã căn dặn các học trò: “Nghiệp duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Nếu thấy chân thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết Bàn, không còn phải trụ trong vòng sinh diệt nữa”.
Những màu sắc huyền thoại chung quanh cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh nếu chỉ nhìn đơn giản ở góc độ “quyền năng” thì khó thấy hết những ảnh hưởng của Phật giáo. Sự kiện thiền sư “tái sinh” làm vua là sự kiện duy nhất trong lịch sử Việt Nam cho thấy vai trò ảnh hưởng của Phật giáo đối với vương quyền. Vương quyền và giáo quyền được kết hợp một cách tự nhiên. Xã hội thời Lý không chỉ là triều đại thịnh trị, mà còn mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí. Phật giáo giữ vai trò quan trọng, tạo nên những huyền thoại sống động, ăn sâu bám rễ vào dân chúng về mặt tâm linh.
Chùa Láng, thắng cảnh đất kinh kỳ
Được truyền tụng là đức thánh Láng bởi điểm xuất phát của thiền sư Đạo Hạnh chính ở nơi này. Chùa Láng xưa là làng Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Chùa còn có tên khác là chùa Cả, hàng năm, vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch, chùa là nơi đón nhận các kiệu rước từ các làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch xưa về chầu thánh. Theo lệ cũ, cứ 15 năm mới tổ chức hội lớn một lần, kéo dài hàng tháng.
Thuộc về đất ngoại thành Hà Nội xưa, chùa Láng tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, đi qua hai lớp tam quan là một con đường thần đạo dài. Chùa xây dựng theo lối nội công ngoại quốc, hướng mặt ra sông Tô Lịch. Hai bên có ao và giếng lớn, tạo cho khung cảnh chùa Láng một địa thế phong thủy đắc địa.
Đến nay, qua thời gian năm tháng, những dấu tích của kiến trúc thời Lý hầu như không còn. Ngôi chùa hiện nay phần lớn mang phong cách thời Nguyễn, qua nhiều lần trùng tu,thể hiện ở các văn bia tại chùa. Kiến trúc của chùa thể hiện tính hoàn chỉnh của dạng kiến trúc tiền Phật hậu thánh, đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo Bắc Bộ. Tiêu biểu cho hình thức này là dạng kết cấu chùa vừa có nghi môn thờ thánh vừa có tam quan thờ Phật. Với kiểu thức khá đặc biệt, bộ mái không phủ trùm trên các cột mà được thiết kế ở lưng chừng cột, nghi môn ngoài cùng của chùa Láng đã tạo ra một nét duyên dáng riêng biệt. Nó đồng thời cho thấy ý nghĩa kép lối cấu trúc tam quan nhưng cũng là dạng thức của những trụ biểu, mà trên đó có hình tượng nghê với ý nghĩa kiểm soát linh hồn của những kẻ hành hương. Phía dưới những bộ mái cong là tấm biển đề chữ Hán. Chính giữa là: Thiền thiên khải thánh, hai bên là Tuệ nhật và Từ vân, với ý nghĩa báo cho người đời biết rằng, đây là chốn linh thiêng, nơi hội tụ của ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi, là chốn thiền thờ Phật nhưng cũng lại là nơi bái thánh.
Điểm độc đáo của kiến trúc chùa Láng ở chỗdọc theo con đường thần đạo xây tường hoa thấp hai bên, trước khi vào kiến trúc chính của chùa, phải qua một lớp cổng tam triều với hai trụ chính ở giữa và hai cổng phụ ở hai bên. Lớp cổng thứ ba này là một nét riêng không lẫn với bất cứ ngôi chùa nào. Việc xây ba lối đi riêng biệt, mà hai tam quan chỉ dẫn vào trục đường thần đạo chính đã cho thấy vị thế khác của chùa. Vị thánh được thờ ở chùa còn là vua Lý Thần Tông, do đó, toàn bộ không gian kiến trúc được dựng lên như kiến trúc cung đình mà cổng chính dành cho vua, cổng hai bên mới dành cho người dân, trăm họ. Cổng chính này lại được tuân thủ theo kiểu thức kiến trúc chung cho lối tiền Phật hậu thánh với hai lớp tam quan, nghi môn.
Bước qua lớp cổng tam triều, chính giữa sân, trước tòa bái đường, tả vu, hữu vu là lầu bát giác, được dựng theo lối chồng diêm hai tầng 16 mái mềm mại, thanh nhã. Đây không chỉ là một công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật nổi bật với hàng cột hiên bao quanh và tường bên trong đều bằng gạch nung già để trần. Đứng về mặt ý nghĩa thì đây còn là biểu tượng của hình bát quái và chồng quái hóa hóa, sinh sinh tạo ra vạn vật của vũ trụ, nói lên sự màu nhiệm của đạo pháp. Đây cũng là nơi dùng để đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày hội và làm lễ mộc dục.
Tiếp đến là đôi rồng đá dẫn lên bậc thềm của bái đường. Khác với đa phần các đôi rồng chầu tạo bậc thềm của các ngôi chùa thờ vua, đôi rồng này không hướng mặt ra phía ngoài một cách thông thường, mà quay hướng mặt vào phía trong, có lẽ cùng chung ý nghĩa với các thành phần kiến trúc kể trên và để nhấn mạnh cho vai trò đặc biệt của vị thánh được thờ nơi đây. Bái đường và tiền đường là hai nếp nhà song song mỗi tòa 9 gian, cách nhau chỉ hơn 1m, để tạo nên ánh sáng mờ ảo. Hai tòa đều được dựng theo lối chồng diêm và được nối với nhau bằng một nhà cầu ở giữa. Tiền đường thờ Phật nối với hậu cung 7 gian thờ thánh tạo thành hình chữ công. Sau hậu cung có hai lầu vuông cao hai bên, một bên treo quả chuông, một bên treo khánh đồng. Hai dãy hành lang hai bên, mỗi bên 18 gian, nhà tổ5 gian, hậu điện 9 gian, nhà hậu 10 gian, nhà khách 7 gian. Tính ra vừa đúng 100 gian. Tất cả tạo nên một kiến trúc bề thế và khép kín của hình thức nội công ngoại quốc.
Khuôn viên chùa rộng rãi, cõi tục và cõi thiền được phân chia bởi lớp tường gạch bao quanh cao vừa quá tầm mắt. Bố cục mặt bằng kiến trúc đối xứng theo một đường trục dọc từ cửa tam quan đến nhà tổ phía sau, tầng tầng lớp lớp với chức năng khác nhau, hòa hợp với sân vườn và cây xanh tạo nên một không gian hài hòa, sâu thẳm, tĩnh mịch, cổ kính và nghiêm trang.
Chùa Thầy, điểm giao nhau của trời và đất
Bên cạnh chùa Láng được coi là trung tâm lại đã hình thành cả một vùng phật pháp với nhiều đền miếu, chùa chiền, trải dọc theo bờ sông Tô Lịch. Đó là chùa Nền tương truyền chính là nền nhà của Từ Đạo Hạnh, chùa Hoa Lăng là nơi thờ phụ mẫu vốn rất nổi tiếng. Đặc biệt, chùa Hoa Lăng chính là nơi mẹ Đạo Hạnh từng đến tu, dựng xây chùa và qua đời. Sau này, vua Lý Thần Tông cho tôn tạo, tạc tượng phối thờ cả cha mẹ và thiền sư Đạo Hạnh. Điều này càng khẳng định mối quan hệ giữa thân trước là Từ Đạo Hạnh và thân sau là Lý Thần Tông. Tiếp đó, triều vua sau còn cho mở mang chùa Láng, phối thờ cả Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Hàng năm, đến ngày giỗthánh 7 tháng 3 âm lịch, nhân dân mở hội Láng rước thánh từ chùa Láng qua sông Tô Lịch lên chùa Hoa Lăng thăm mẹ. Người xưa có câu: “Hạn hán xuống thăm cha, mùng 7 tháng ba lên thăm mẹ” chính là nói về sự kiện này.
Tuy nhiên, mối liên kết rõ nhất với chùa Láng chính là chùa Thầy, nơi hóa thân của thiền sư Đạo Hạnh. Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá. Tiêu biểu là hai tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 4m nặng 3 tấn làm từ đất sét và giấy bản, có tuổi thọ hơn 400 năm tuổi. Ngoài ra còn có bức phù điêu Thập điện Diêm Vương nói về cảnh địa ngục, khuyên răn con người sống tốt nếu không muốn bị đẩy xuống địa ngục. Tuy nhiên, có giá trị nhất, phải kể đến bệ đá kép “Bách hoa đài” với những nét điêu khắc tinh tế.
Chùa Thầy độc đáo bao nhiêu thì núi Sài Sơn hay còn gọi là núi Thầy kỳ bí bấy nhiêu. Ngọn núi được chọn để chùa Thầy tựa lưng ấy lại mang trong mình nhiều điều huyền bí. Núi Sài Sơn có hình con rồng. Và trong lòng ngọn núi đó lại là một cái hang tưởng chừng như không đáy, người xưa cho rằng đó bụng rồng và còn là nơi giao nhau của đất trời. Từ chân núi nơi chùa Thầy tọa lạc, con đường 251 bậc thang dẫn lên chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Hai bên đường vô số cây đại cổthụ thân gộc gạc góc cạnh sần sùi nằm ngả nghiêng có tuổi đời hàng trăm năm.
Từ chùa Cao đi ngược lên núi là đến đền Thượng, gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò, đến hang Gió, chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái. Có tên như vậy vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Ở nơi cao nhất là miệng hang Cắc Cớ, đường dẫn tới nơi sâu nhất. Người xưa truyền rằng miệng hang Cắc Cớ hay còn gọi là “Thần Quang Tự” là nơi khởi đầu để xuống 9 tầng địa ngục, nơi có con quỷ án ngữ cổng trời, làm công việc “tuyển” các linh hồn trước khi cho lên cõi Niết bàn đầu thai làm kiếp khác hay đày xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu. Ngày nay, dân gian vẫn nhớ câu ca người xưa truyền lại: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Người ta tin rằng hàng Cắc Cớ là chốn linh thiêng để se duyên đôi lứa. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người đã tạo lập và xác định vững chắc mối quan hệ chùa Láng- chùa Thầy, góp phần mở mang, phát triển vùng văn hóa phía Tây Hà Nội. Hai tiểu vùng văn hóa chùa Láng, chùa Thầy qua huyền tích thiền sư Đạo Hạnh mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh, khiến bao nhiêu thế hệ vẫn say mê tìm hiểu và nghiên cứu.