Hà Nội là một trong hai địa phương trong cả nước cuối cùng thực hiện việc tăng giá viện phí.
Mức viện phí dự kiến tăng chưa thể giải quyết hết khó khăn của ngành y tế hiện nay |
Một lãnh đạo ngành y tế cho biết, viện phí mới không ảnh hưởng đến những người có thẻ BHYT và được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh
Ai… sợ nhất tăng viện phí?
Nếu được HĐND TP thông qua, từ ngày 1-8 tới, Hà Nội sẽ tăng viện phí thêm 75%. Mức tăng 75% so với khung giá trần của Bộ Y tế quy định sẽ kéo dài tới hết năm 2014 và dự kiến, đến năm 2015, Hà Nội sẽ nâng lên bằng với mức giá trần của Bộ Y tế. Để chuẩn bị cho việc này, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển về cộng đồng tổ chức khảo sát ý kiến bệnh nhân và người nhà tại tất cả các BV về tăng viện phí. Kết quả cho thấy, 80% số người được hỏi đều đồng ý với tăng viện phí để cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Trao đổi với PV, bà Lưu Thị Liên, PGĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong chi phí khám chữa bệnh thì thuốc chữa bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất. Trước đây, các BV thường thanh toán tiền thuốc cho doanh nghiệp cung cấp thuốc trong thời gian từ 30 - 50 ngày, nhưng do chi phí phục vụ ngày càng cao, viện phí chậm tăng nên nhiều BV ở Hà Nội lâm vào nợ nần, chậm thanh toán tiền thuốc tới 4 - 5 tháng. Bà Liên khẳng định, nếu không tăng giá viện phí, nhiều BV không đủ tiền mua thuốc, vật tư, thiết bị. Mức viện phí dự kiến tăng chỉ “tháo gỡ” bớt một phần khó khăn cho các BV, chứ chưa thể giải quyết hết khó khăn hiện nay.
Giá viện phí bao gồm 7 yếu tố, nhưng hiện nay, viện phí mới tính 3 yếu tố: Thứ nhất là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư phục vụ trực tiếp cho người bệnh; thứ hai là tiền điện, nước, các chi phí về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; thứ ba là chi phí về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế, mua sắm thay thế công cụ, dụng cụ khám chữa bệnh. Nghĩa là, phần tăng của viện phí chưa tính đến tiền lương, phụ cấp, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí không nhằm mục đích tăng thu nhập cho cán bộ y tế. Đồng thời, giá viện phí mới điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng đến giá thuốc (vì giá thuốc được mua theo đấu thầu và chiếm 65% cơ cấu giá viện phí).
Hà Nội là một trong hai địa phương trong cả nước cuối cùng thực hiện việc tăng giá viện phí. Một lãnh đạo ngành y tế cho biết, viện phí mới không ảnh hưởng đến những người có thẻ BHYT và được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Với những người có BHYT và phải cùng chi trả 20% (chiếm phần lớn số người tham gia BHYT hiện tại), thì chi phí tăng thêm cho mỗi lần khám chữa bệnh cũng không đáng lo ngại lắm. Riêng với người nghèo (được cấp sổ hộ nghèo) thì khi khám chữa bệnh đã được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí. Đồng thời, Nhà nước cũng đã nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo từ 50% lên 70% từ năm 2012.
Như vậy, người nghèo đã được cấp thẻ BHYT miễn phí, người cận nghèo đã được hỗ trợ tối thiểu 70% để mua thẻ BHYT. Do vậy, gánh nặng viện phí tăng sắp tới chủ yếu ảnh hưởng đến những người có thu nhập ở mức “trên nghèo” và chưa tham gia BHYT.
Nhiều người bệnh hy vọng viện phí tăng sẽ được hưởng điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn.
Nỗi lòng người bệnh….
Bỗng dưng thấy mệt đến rã rời sau chuyến công tác Hà Giang, anh Nguyễn Ngọc S, quê Vĩnh Phúc không thể ngờ mình lại bị đột quỵ, dẫn đến vỡ mạch máu não. Trải qua hơn 1 tháng điều trị tại khoa Thần kinh của BV Bạch Mai, anh S ra viện với chi phí hết hơn 21 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền nằm phòng dịch vụ. 21 triệu đồng là số tiền mà anh S “cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh” với cơ quan bảo hiểm. Còn nếu không có bảo hiểm, số tiền anh S phải thanh toán sẽ là hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, đây mới là “phần nổi” của chi phí điều trị. Trong hơn 1 tháng nằm viện, gia đình anh S còn phải chi phí các “khoản khác” cả chục triệu đồng. Tiếp tục chuỗi ngày điều trị phục hồi chức năng tại một viện châm cứu, gia đình anh S đã huy động anh em hỗ trợ nhau, bởi chồng nằm viện, kéo theo vợ phải nghỉ việc để chăm sóc, và ngoài chi phí chữa bệnh “chính thức”, các khoản ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ và phí “cảm ơn” cũng đã khiến một gia đình cả vợ chồng đều là viên chức như anh S lao đao.
Trước đây, khi chồng chưa nghỉ hưu, bà Phương, ở phường Đồng Xuân được “ăn theo” chế độ BHYT dành cho bố mẹ, vợ chồng và con của cán bộ, chiến sĩ CA. Tuy nhiên, chế độ ấy chỉ dành cho người đang công tác, khi nghỉ hưu thì những người “ăn theo” không được hưởng nữa. Với việc gan bị nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, và kiểm soát nguy cơ bị tiểu đường, mỗi lần bà Phương đi khám và mua thuốc chỉ hết khoảng ba trăm nghìn đồng (chủ yếu là khoản thuốc ngoài danh mục được cấp). Nhưng từ ngày chồng nghỉ chế độ, mỗi lần khám và mua thuốc, bà Phương phải chi trả đến tiền triệu. “Nghe nói viện phí tăng đến 75%, tôi lo lắm, vì ốm yếu luôn, không làm được gì, mà hai vợ chồng lại chỉ có mỗi suất lương hưu. Bệnh của tôi, tháng nào cũng phải đi khám và lấy thuốc 1 lần. Thế này chắc tôi phải mua ngay BHYT tự nguyện, chứ mỗi tháng mất gần 2 triệu đồng tiền chữa bệnh thì lấy gì mà ăn”, bà Phương cho biết.
Đưa con nhỏ đến khám tai tại BV Việt Nam – Cu Ba, chị Hoài trú tại phường Chương Dương cho hay, hai vợ chồng chị tiếng là đã có công ăn việc làm (vợ làm nhân viên văn phòng, chồng làm bảo vệ), nhưng hai vợ chồng chị đều mới được ký hợp đồng, chưa được Cty đóng bảo hiểm, nên mỗi khi ốm đau, chi phí khám chữa bệnh luôn là gánh nặng. Hai con nhỏ, đứa 2 tuổi thì “yên tâm” được miễn phí, nhưng đứa lớn đã 7 tuổi mỗi lúc ốm đau là hết luôn suất lương 3,5 triệu đồng của mẹ. “Cháu bị viêm tai giữa, bệnh này điều trị kéo dài cả tháng. Thường mỗi lần đi khám (vào thứ 7, chủ nhật và hết một đợt thuốc 5- 7 ngày phải khám lại 1 lần) hết 200 nghìn đồng tiền khám, thêm các dịch vụ chấm họng, hút mũi và rửa tai 60 nghìn đồng nữa. Tiền thuốc kèm theo mỗi lần khám có “nhẹ nhàng” cũng 400 - 500 nghìn đồng. Tôi chưa biết nếu viện phí tăng lên 75% nữa thì sẽ xoay xở thế nào”, chị Hoài lo lắng.
Tăng viện phí, người bệnh có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào y đức của bác sĩ?
Làm gì để “chống chọi” với viện phí?
Lo lắng của chị Hoài cũng là lo lắng của hàng nghìn bệnh nhân không có BHYT, bởi họ phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị. Viện phí tăng 75%, tuy không có nghĩa tất cả các khâu khám, chiếu, chụp… đều tăng 75% như nhau mà có khoản tăng nhiều, khoản ít, nhưng cứ tính bình quân thì người bệnh sẽ phải chi trả thêm 75% chi phí nữa cho mỗi lần điều trị. Đó là một con số không hề nhỏ, dù rằng việc tăng viện phí là tất yếu để có thể tăng chất lượng khám chữa bệnh!
Thực tế cho thấy, để tự “cứu” mình khi giá viện phí tăng, những người không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc nên mua BHYT tự nguyện, để được chi trả phần lớn viện phí khi ốm đau. Việc tham gia BHYT tự nguyện cũng là thực hiện lộ trình bảo hiểm toàn dân theo chủ trương của Nhà nước. Khi hầu hết người dân đã tham gia BHYT thì viện phí tăng sẽ không còn là vấn đề người dân phải băn khoăn.
Luật sư Nguyễn Minh Long, GĐ Cty Luật Dragon: Khó qui kết bác sĩ nhận phong bì là hành vi nhận hối lộ! Nhận hối lộ là hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào của người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc gì đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi nhận hối lộ có thể là nhận trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới). Hành vi nhận hối lộ bao gồm cả hành vi đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất. Hành vi nhận phong bì (được hiểu là nhận tiền) của bác sĩ (đây là người có chức vụ, quyền hạn) chỉ có thể là hành vi nhận hối lộ khi bác sĩ nhận và hứa hẹn sẽ làm hoặc không làm một việc gì đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của bệnh nhân. Đối với những hành vi nhận hối lộ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý theo Luật Cán bộ công chức. Tuy nhiên, rất ít hành vi nhận tiền, quà của bệnh nhân của bác sĩ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý hành chính bởi hành vi này được diễn ra rất bí mật (chỉ có người nhận và người đưa hối lộ biết - nếu 1 trong 2 người này không nói ra thì các cơ quan có thẩm quyền không thể biết để xử lý). Đồng thời, hành vi nhận hối lộ hiện tại bị biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau mà khó có thể xác định là hành vi nhận hối lộ, vì thực tế hầu như không có sự hứa hẹn, cam kết nào của bác sĩ về việc sẽ làm hoặc không làm một việc nhất định vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà hai bên tự ngầm hiểu với nhau. Hiện tại, có nhiều biện pháp được áp dụng để hạn chế tình trạng nhận hối lộ ở các BV, phòng khám như: Lập đường dây nóng, hòm thư góp ý, thậm chí là đặt máy quay camera… Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng, cần thay đổi nhận thức của bệnh nhân, cũng như nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, y đức của các bác sĩ, đồng thời với việc giảm tải cho các bệnh viện thì mới có thể xóa bỏ dần tiền lệ đưa và nhận phong bì. Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, khoa Xã hội học trường ĐH KHXH&NV, sở dĩ xuất phát việc đưa và nhận phong bì một phần là do mức lương của các y, bác sĩ chưa thực sự phù hợp, đảm bảo cuộc sống của họ. Phần nữa là do tâm lý của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Trước đây, hiện tượng này không hề xảy ra, những người làm công tác y tế không hề đòi hỏi việc đó. Tuy nhiên, từ việc làm tình cảm của người bệnh và gia đình người bệnh là có quả cam, quả quýt,.... biếu cảm ơn y, bác sĩ. Một số người đã chuyển sang hình thức đưa phong bì cho nhanh và tiện. Từ đó, thói quen đưa và nhận phong bì mới xuất hiện và trở nên phổ biến như hiện nay. Nó là hiện tượng xuất phát từ quan hệ xã hội nên khó có thể dẹp bỏ một cách hoàn toàn khi chúng ta chưa hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?