Grand Prix Malaysia 2012: Có những thứ không mua được bằng tiền

Hơn một tuần sau khi Grand Prix Malaysia 2012 khép lại, những ký ức về một chiều mưa trắng xóa ở Sepang vẫn chưa thể nhạt nhòa...

Mưa từ trên nền trời xám xịt, trĩu nặng bởi gồng gánh một lượng hơi nước chỉ chờ có dịp trút xuống. Mưa từ những góc khán đài, từ những đợt sóng người và tiếng hò reo cổ vũ cho 24 chiếc xe đã sẵn sàng vào vạch xuất phát.

Khoái cảm từ âm thanh

Sấm và sét đã rền vang nhưng hoàn toàn bị át đi bởi tiếng những động cơ F1 đang gầm rú như trút mọi cơn thịnh nộ và háo hức của mình cho ngày đua chính thức. Ferrari, Mclaren, Red Bull, Mercedes..., tất cả họ đã được chào đón bằng những tiếng hò reo phấn khích đến tột độ. Hãy thử tưởng tượng xem khả năng chịu đựng của một người tới đâu nếu anh ta phải ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ và lắng nghe “bản giao hưởng” của 24 chiếc F1 gầm rú liên tục?

Sự thật là sẽ rất khó tìm được một người ở Sepang hôm ấy không cần đến sự trợ giúp của các thiết bị giảm thanh hoặc chính ngón trỏ của họ. Ở gần khu vực tiếp giáp giữa khán đài K1 và Hillstand (khu ngồi trên đồi), toàn bộ khán giả đều sử dụng nút bịt tai mà họ mua được trước khi vào xem. Một số ít thì đã đứng bịt tai trong khoảng thời gian khá lâu trước áp lực kinh khủng của F1. Kinh nghiệm đi xem F1 cho thấy nhiều người đã bị ù tai đến vài ngày sau mỗi cuộc đua, nhưng không thể nào quên được cảm giác phấn khích đến tột độ ấy.

Nhóm người hâm mộ F1 Việt Nam có mặt trên các khán đài của trường đua Sepang nơi diễn ra Grand Prix Malaysia. (Ảnh: Y.N) 

Đoàn người hâm mộ F1 Việt Nam sang Malaysia lần này có 20 người. Trước giờ đua hơn 2 tiếng, cả nhóm tham gia đua “Go cart”, một trò chơi trải nghiệm cảm giác mạnh như F1 trên những chiếc xe thu nhỏ của nhà tổ chức. Tuy nhiên, khi chỉ vừa nghe thấy tiếng rít của GP2 (chứ chưa phải F1) vọng ra từ trường đua, một số người đã chảy thẳng về hướng cửa soát vé, chỉ kịp để lại một tuyên bố xanh rờn: “Thôi, không đua nữa đâu. Động cơ rít rồi tâm trí đâu mà đua nữa. Bọn tôi vào xem trước đây”.

Sepang đã có mưa và cuộc đua bị gián đoạn gần một tiếng. Ba năm về trước, kịch bản này đã từng diễn ra. Xe an toàn đã phải làm việc hết công suất nhưng cũng chẳng thể ngăn nổi việc hủy bỏ cuộc đua của nhà tổ chức. Thời điểm ấy, Jenson Button - đang khoác áo Brawn Mercedes - vô hình trung đã có được chiến thắng khi anh đang là người dẫn đầu cuộc đua trước khi nó bị hủy bỏ. Những người hâm mộ luôn F1 e ngại Malaysia về tình hình thời tiết thất thường, nhưng phần nào lại mong ngóng và trông chờ vào những màn thủy chiến hấp dẫn có thể đem lại những cảm giác mới lạ.

Khác với những gì được xem qua truyền hình mà người xem luôn nắm rõ được mọi tình hình, diễn biến của chặng đua qua các chỉ số kỹ thuật và hàng chục loại máy quay phát sóng, thì khi trực tiếp có mặt ở trường đua, thị lực không còn có thể giúp bạn theo dõi sát sao toàn bộ chặng đường. F1 là môn thể thao xa xỉ về mọi mặt, từ kinh phí, lợi nhuận, giá trị tinh thần và đôi khi là cả cảm xúc. Không ít người đến trường đua chỉ để thỏa mãn trí tò mò, muốn trải nghiệm cảm giác mới lạ hơn là thỏa mãn đam mê thực sự.

Khi đội tuyển Đức thất bại năm lần bảy lượt một cách nghiệt ngã trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu và thế giới, hàng triệu người có thể khóc vì họ. Còn khi Sebastian Vettel, cũng là một người Đức, vấp ngã một cách đáng thất vọng ở Sepang, người ta chỉ có thể cảm thấy hơi luyến tiếc và buồn cho anh. Ít ai có thể tự tin nói rằng mình hiểu được tâm trạng thất bại của một nhà vô địch thế giới, vì có mấy ai hiểu được cảm giác mà thần kinh thép của anh ta phải chịu đựng trong suốt 2 tiếng đua không ngừng nghỉ?

Nói vậy không có nghĩa là niềm đam mê của người hâm mộ F1 kém hơn bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào khác. Đằng sau những nỗi buồn thoáng qua, những niềm luyến tiếc ấy là cả một trời hy vọng ở những chặng đua sau. Sẽ vẫn là những xúc cảm cháy bỏng ấy khi 24 tiếng rít cùng “hòa âm” vang lên, sẽ vẫn là niềm thích thú khi chiếc xe mình yêu thích vượt qua hay ngáng đường một tay đua nào khác. Và thậm chí, sẽ vẫn là những đêm trắng ngồi tranh luận cùng những người khác về động cơ, về tình hình kỹ thuật của các đội. Mọi so sánh chỉ là tương đối, nhất là với F1 - một bộ môn có riêng một bầu trời không cần thiết phải đem ra cân đo với bất kỳ môn thể thao nào khác.

Đằng sau sự xa xỉ

Để xây dựng được một trường đua F1, người ta cần hàng trăm triệu USD. Để giành quyền đăng cai tổ chức, đó lại là một vấn đề khác. Không phải tự nhiên mà Malaysia - một đất nước Hồi giáo đã từng ở vào thời kỳ 50% số hộ gia đình thuộc loại nghèo - lại có được chiều dài lịch sử cùng F1 kéo dài tới 5 thập kỷ từ những năm 1960. Cũng không phải tự nhiên mà Sepang luôn là đường đua được mong chờ nhất và đông đúc nhất trên lịch thi đấu hàng năm của F1.

Kỷ luật, hành vi ứng xử, giao thông, con người, chất lượng phục vụ đã khiến Malaysia là một trong những điểm đến được mong chờ nhất hàng năm. Trên đoạn đường từ trung tâm Kuala Lumpur dẫn ra Sepang dài 70km, những đoàn ô tô nối đuôi nhau. Đường sá đông đúc nhưng nhanh chóng trở nên thông thoáng nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát của cảnh sát giao thông. Dù trời mưa to và hàng trăm nghìn người đã đổ về Malaysia đợt F1 này nhưng văn hóa xếp hàng vẫn luôn được tôn trọng. Người ta có thể xếp hàng dài tới vài trăm mét để mua một chiếc bánh hamburger trong bữa trưa, mặc cho sự sốt ruột đang thôi thúc từ tiếng rít vọng lại của động cơ GP2 trong đường đua.

Hình ảnh những cô gái đạo Hồi quấn khăn kín đầu cũng trở nên đẹp hơn khi có mặt ở Sepang. Những cô gái mà thường ngày luôn phải đi sau đàn ông, không được nói cười với người lạ, không được để lộ dù chỉ là một sợi tóc, lại có mặt ở đây để chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của bộ môn vẫn xếp tốp về mức độ nguy hiểm. Mọi rào cản về tôn giáo, sắc tộc đều được gỡ bỏ khi người ta cần tiếng nói chung cho ngày hội này. Người ta bắn pháo hoa ở trung tâm tòa Tháp Đôi, bỏ ra cả tháng lương (đối với những người Việt Nam có thể là 4 hay 5 tháng lương) để kiếm cho mình một chỗ ngồi tương đối mà thậm chí không thể theo dõi đủ 100% chặng đua. Vậy thì ai có thể phủ nhận sự đam mê dành cho F1 là không lớn?

Chi phí để trải nghiệm tại các đường đua F1 là không nhỏ, nhưng quan trọng hơn là niềm đam mê, tình yêu dành cho môn thể thao tốc độ và cả những ước mơ một lần trong đời được gặp thần tượng. Tiền có thể mua được rất nhiều thứ, nhưng hẳn không thể mua được những cảm xúc và đam mê đối với một môn thể thao mà giá trị tinh thần thật sự xa xỉ như F1.