Giữ nhịp khèn Mông

Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ly Seo Hồ, một người cao tuổi ở xã Bản Phố (Bắc Hà, Lào Cai) còn nắm giữ nhiều bí quyết về các loại nhạc cụ của dân tộc Mông, đặc biệt là cây khèn Mông.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ly Seo Hồ cho biết: Khèn là một nhạc cụ độc đáo của người Mông. Theo quan niệm của người Mông thì dù đi đến đâu cũng phải có cây khèn đi theo. Dù là ở nơi này, nơi khác hay đi làm ăn xa quê, người Mông cũng luôn mang cây khèn bên mình như một vật dụng tùy thân cần thiết. Nhưng bây giờ ở Bản Phố cũng như ở nhiều nơi khác ở Bắc Hà, những người am hiểu sâu sắc về cây khèn Mông không còn nhiều, vì cuộc sống ngày một đổi thay, nhiều người đã biết đến rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nên ít người còn dành thời gian để học thổi và múa khèn, bởi múa khèn bài bản rất khó. Ông Hồ cho biết: Khèn Mông được làm từ nhiều ống trúc nhỏ ghép lại với nhau, ống khèn Mông thường được làm từ cây trúc vàng và thân làm từ gỗ pơ-mu. Người Mông thường hay dùng khèn để múa trên những bãi cỏ hay bãi đất bằng phẳng vào những ngày lễ, tết, hội làng hay ngày vui của gia đình, dòng họ với những vũ điệu đẹp mắt, những bước nhún nhảy, quay người hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất để thể hiện được sự tinh tế, tài tình của người biểu diễn. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: Múa nhảy đan chân, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn và hàng loạt các động tác khó diễn ra trong mỗi điệu múa, khi múa, tiếng khèn vẫn được vang lên những âm điệu phù hợp với điệu múa, nhảy do người biểu diễn tự chọn lọc trong từng thời điểm.


Biểu diễn khèn Mông

Không chỉ là người am hiểu về khèn tại xã Bản Phố mà ông Hồ còn là người duy nhất dạy múa khèn, thổi khèn và cách sử dụng một số nhạc cụ khác như: Thổi sáo, múa sinh tiền… cho các bạn trẻ yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình ở xã Bản Phố. Anh Lý Seo Lềnh được ông Ly Seo Hồ dạy múa khèn cho biết: Múa khèn rất khó, đã học nhiều nhưng anh cũng chưa thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Học thổi khèn Mông rất khó, khi thổi phải kết hợp các vũ điệu như: Đan chân, nhảy tiến, nhảy lùi, nhào lộn, vặn người làm sao cho điệu múa phải phù hợp với tiếng khèn vang lên.

Cùng với những kinh nghiệm truyền thụ lại cho giới trẻ ở xã Bản Phố, ông Ly Seo Hồ còn phát triển được những nét độc đáo của cây khèn vào việc phục vụ cho khách du lịch tham quan tại nhà. Gia đình ông Hồ thường xuyên có du khách đến tham quan và xem ông cùng một số "đệ tử" biểu diễn những âm thanh, điệu múa khèn đặc sắc, nhẹ nhàng. Gia đình ông Hồ đã trở thành một nơi quen thuộc của mỗi du khách khi tới thăm Bản Phố. Sau khi được xem những màn múa đẹp và được ông Hồ giới thiệu những đặc trưng về cây khèn cùng với ý nghĩa của nó trong cuộc sống của người Mông, hầu hết du khách đều tỏ ra rất thích thú. Những người khó tính nhất cũng bị tiếng khèn của ông chinh phục bởi tiết tấu âm thanh dễ đi vào lòng người cùng các vũ điệu múa khèn rất điêu luyện. Ông Ly Seo Hồ cho biết thêm: Tiếng khèn khi ngân lên đi kèm theo các vũ điệu đều thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông. Thông qua tiếng khèn, qua từng động tác, người biểu diễn đều gửi gắm những ấn tượng khó quên đến với người nghe và người xem. Trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền Nhâm Thìn 2012, ông cùng các học trò đã có nhiều tiết mục múa khèn biểu diễn trong lễ hội xuống đồng được tổ chức tại xã.

Mặc dù, cuộc sống của đồng bào Mông ở Bản Phố đã có nhiều đổi thay, người dân đã biết đến nhiều loại nhạc cụ khác, nhưng chiếc khèn Mông và những điệu múa khèn vẫn sẽ được lưu giữ, truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác và rồi lại sẽ có những người lưu giữ bí quyết đặc biệt như ông Hồ để những giai điệu khèn còn được giữ mãi như một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên vùng cao Bản Phố.