Cách đây không lâu, một số “đại gia” xăng dầu đã gây xôn xao dư luận khi kiến nghị cho phép doanh nghiệp được tự quyết giá định kỳ, nhằm thoát khỏi “vòng cương tỏa” của Nhà nước như hiện nay. Mặc dù bị dư luận “phản pháo” kịch liệt nhưng mới đây, Bộ Công thương đã ngỏ ý “bật đèn xanh” cho “phát kiến” này.
Thị trường xăng dầu sẽ được thả nổi. (Ảnh Bảo Lâm)
Theo quan điểm của Bộ Công thương, đã đến lúc Nhà nước không nên định giá điện, xăng dầu mà để cho doanh nghiệp tự chèo lái. Cụ thể, mặt hàng điện đã có chủ trương rõ ràng, theo cơ chế thị trường.
Do đó Nhà nước chỉ nên kiểm soát khung giá phát điện, bán buôn, truyền tải, phân phối, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện... Đây cũng là những nội dung đã đề cập đến trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Cũng theo lý giải của Bộ Công thương, giá bán điện bình quân chỉ phù hợp với giai đoạn hiện tại, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là đơn vị mua và bán lẻ duy nhất.
Đến khi cấu trúc thị trường thay đổi theo các cấp độ, các quy định về giá điện cũng phải được thay đổi cho thích hợp. Ví dụ, khi có thị trường bán buôn điện và thị trường bán lẻ điện, sẽ có nhiều đơn vị kinh doanh mua bán điện. Lúc đó, giá bán lẻ điện sẽ chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường ở nhiều khâu hơn và có sự khách nhau giữa các vùng.
Trên cơ sở đó, giá bán lẻ điện nên do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ vào cơ chế quản lý, điều chỉnh giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với xăng dầu, nếu Nhà nước kiểm soát giá, Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu sẽ trở nên vô hiệu. Vì vậy, Bộ chủ quản cũng đề nghị không đưa xăng dầu thành phẩm vào diện Nhà nước định giá.
Trước kiến nghị táo bạo này, một số chuyên gia cho rằng, cơ quan chủ quản đang quá “nuông chiều” doanh nghiệp “con đẻ” của mình. Thay vì xem xét ở phương diện quản lý, Bộ Công thương lại đang “kêu thay”, đòi quyền lợi cho doanh nghiệp?.
Trao đổi với Phóng viên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tỏ vẻ hoài nghi: “Bộ Công thương kiến nghị để doanh nghiệp định giá điện và xăng dầu theo thị trường nhưng vấn đề ở đây là thị trường ở đâu?.
Thực tế, chúng ta làm gì có thị trường cạnh tranh. EVN vẫn độc quyền, một mình một chợ. Cơ quan chủ quản để cho các nhà độc quyền tự tung tự tác định giá, chẳng khác gì “ức hiếp” người tiêu dùng. Tôi có cảm giác, Bộ này đang ngày càng “nuông chiêu”, “bật đèn xanh” cho mục đích của nhà độc quyền”.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng ở Việt Nam bây giờ, dù có chui xuống đất cũng vẫn phải dùng điện của EVN. Dù có bay trên trời cũng phải dùng đến xăng dầu, mà Petrolimex vẫn chiếm vị thế thống lĩnh thị trường.
“Cần phải kiến nghị này ra thảo luận để người tiêu dùng, các chuyên gia được góp ý. Nếu để giá điện, xăng dầu, máy bay... tự “chạy nhảy” sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Làm gì có thị trường mà cạnh tranh!
Cũng theo TS Doanh, Luật cạnh tranh quy định phải có sự kiểm soát chặt chẽ các nhà độc quyền nhưng thực tế hiện nay, việc kiểm soát ở nước ta hầu như không hoạt động.
Một điểm khác, vị thế pháp lý của Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ giới hạn là một Cục trong Bộ, trong khi đó Tập đoàn lại trực thuộc Chính phủ. Như vậy, họ sẽ rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của mình, khó tránh khỏi chuyện nể nang, thậm chí “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Đâu phải rau dưa mà đòi tự quyết giá
Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cũng đánh giá: “Chúng ta đang bàn tới mặt hàng trọng điểm quốc gia, chứ không phải mớ rau mớ dưa mà để cho đơn vị tự định giá. Nhà nước không thể thả nổi giá điện để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm.
Không có nước nào trên thế giới làm như thế.. Phải có quy chế về định giá điện thế nào cho phù hợp để nhà đầu tư chung tay góp sức và EVN có thể mua lại với giá hợp lý. Việc này cần Chính phủ đứng ra dàn xếp, làm trọng tài.