Vừa nói Lâm vừa chìa tay đưa lại khẩu súng cho đối thủ, thêm: - “Chó lửa” của các anh đây. Thử sức cho vui vậy thôi, chớ tôi biết các anh nói giỡn...
Lâm chín ngón - đại ca thứ thiệt 1 thời |
Tôi quen Lâm Chín ngón đã lâu, viết về nhân vật này đã khá nhiều, nhưng chưa bao giờ viết về những ngày cuối đời của Lâm, cũng như cái chết của anh ta. Nay, trước hương hồn người đã mất, xin viết lại chuyện chưa bao giờ viết này. Và để bạn đọc nắm được toàn bộ nội dung, xin lược qua lại những gì tôi biết về tay giang hồ cộm cán nổi tiếng từ thập niên 1960 này.
Tôi quen biết Lâm Chín ngón
Tôi biết Lâm Chín ngón khi ở tù tại khu C, trại 7, Côn Đảo - thường gọi Chuồng cọp. Thời gian ở tù ngoài Côn Đảo (tôi bị án tù chung thân năm 1972, ra đảo đầu năm 1973), tuy tôi là tù chính trị nhưng lại bị nhốt chung một khu với tù hình sự.
Riêng Lâm ra đảo khoảng đầu tháng 4/1975, được đưa ngay vào khu C, một mình một phòng. Thời gian này tôi mới ở bệnh xá về, thêm bị liệt chân phải đi lại khó khăn nên chỉ loáng thoáng biết có Lâm, tiếp đó là giải phóng 30/4, nên chưa thể nói quen Lâm.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều tù thường phạm bị nhốt trong khu C lợi dụng những ngày đầu giải phóng, công tác canh gác tù nhân còn sơ hở, trốn ra khỏi trại, phá kho tang vật, lấy cắp nhiều món đồ có giá trị trong kho như đồng hồ, nữ trang, tiền mặt… và bị trừng trị hết sức nghiêm khắc. Lâm Chín ngón không nằm trong số này, nhưng do án quá nặng (hai án chung thân về tội giết Vũ Định Cường, em Sơn Đảo; và Hoàng Đầu lâu) nên không được tha về hoặc lưu lại Côn Đảo như tất cả các tù thường phạm khác, mà tiếp tục chuyển về trại giam tại đất liền, mãi đến năm 1988 mới được tha.
Tha về chưa được bảo lâu, qua số tù hình sự ở khu C trại 7 Côn Đảo trước đây, Lâm Chín ngón hỏi thăm, tìm tới tôi, kể cho tôi nghe suốt thời gian từ sau 30/4/1975 đến giờ anh ta đã sống ra sao. Nhắc lại thời gian ở chuồng cọp Côn Đảo, Lâm bùi ngùi kể số phận không may của những “dân chơi” cũ.
Nói ngay, người em kết nghĩa này chưa khi nào nói dối, qua mắt tôi, luôn trước sau như một xưng hô cung kính anh em. Ngay cả đối với bà xã tôi, Lâm cũng luôn hễ gặp là vòng tay chào hỏi, nói chuyện thường chắp hai tay, gọi chị xưng em hết sức đàng hoàng. Nghe Lâm kể quãng thời gian ngồi tù, tôi chỉ biết an ủi Lâm, khuyên anh ta từ nay nên cố sống lương thiện.
Còn có một câu chuyện bây giờ tôi mới kể khi Lâm ở trong trại đã lừa đánh cán bộ cải huấn…
Theo lời Lâm, có một cán bộ trong trại cải tạo không hiểu sao luôn tìm đủ mọi cách gây khó dễ cho Lâm khiến Lâm rắp tâm trả thù, nhưng phải đợi thời cơ.
Thời cơ đến khi một sáng sớm nọ, trước giờ vác cuốc lên đường trồng cây, cán bộ từ phía sau Lâm bước đến, mà ánh mặt trời in rõ bóng ông ta chiếu dài theo bước chân. Lâm đang vác cuốc thấy vậy liền sửa lại thế, hơi kéo cán cuốc đang vác trên vai về phía trước, theo dõi bóng đối thủ. Đợi “nạn nhân” đến đúng tầm, Lâm bất ngờ làm như sửa lại thế vác, xô mạnh nguyên lưỡi cuốc ra phía sau, đúng vào mặt người vừa bước đến, khiến ông ta ngã khuỵu, gãy một hơi mấy chiếc răng cửa.
Tất nhiên Lâm chịu kỷ luật, nhưng đó Lâm khai “tôi đâu ngoảnh đầu lại mà biết cán bộ đang đi tới, chỉ vô tình sửa lại thế vác cuốc” và tại hiện trường quả đúng như vậy, nên kỷ luật tương đối nhẹ.
Rồi Lâm Chín ngón kể tiếp từ ngày được tha, anh ta buôn bán thuốc tây ở khu đường 3 tháng 2, quận 10; cuộc sống chỉ tạm đủ vá víu qua ngày. Sau Lâm hùn với một tay đàn em cũ là Mười đen ra chợ Huỳnh Thúc Kháng buôn bán hàng điện tử (nghe đâu do Năm Cam giúp đỡ). Thấy Mười đen phò Năm Cam, và không muốn mang tiếng nhờ vả núp bóng đàn em, Lâm tách ra toan trở lại nghề bảo kê cho một số quầy bar quanh khu vực Tân Sơn Nhất. Có lẽ đây là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng lại có nhiều kỷ niệm đối với Lâm Chín ngón cũng như một số dân chơi khác. Nào mấy ai ngờ một “ông tướng” nay lại lại phải kiếm sống qua ngày. Nhưng thôi, cuộc đời ai chẳng có lúc lên voi xuống chó.
Và Lâm kể cho tôi nghe một kỷ niệm “nhớ đời” của anh ta trong quãng thời gian ngắn ngủi này…
Đại ca thứ thiệt
Một tối nọ, có bọn thanh niên lực lưỡng, mặt mày bặm trợn, chỉ cần liếc qua tướng tá, quần áo, cử chỉ cũng biết ngay là dân giang hồ không phải loại tầm thường vô quán đòi ngồi ở phòng riêng, kêu bọn em gái bia ôm hầu bàn. Ăn đã đời từ hơn 7h tối gần 11h đêm, uống hết hơn một thùng bia, bọn họ mới gọi tính tiền. Nhưng khi giấy tính tiền đưa tới bàn, họ thậm chí không thèm liếc nhìn qua tờ giấy, mà một vị khách thọc tay vô bụng rút luôn ra… khẩu súng ngắn, dằn mạnh lên mặt bàn, buông thõng một câu xanh rờn:
- Không có tiền, trả bằng thứ này được không?
Các “em gái” hoảng hồn la oai oái, tranh nhau chạy ra khỏi phòng. Chủ quán nghe mấy em cấp báo, lính quýnh vừa run vừa kêu Lâm Chín ngón đến giải quyết. Lâm mở cửa bước vô phòng, việc đầu tiên là nhào đến chụp ngay khẩu súng, tất nhiên khôn ngoan cầm phía bá súng. Gã thanh niên hớt tóc ngắn to con nhất trong bọn, có vẻ là tay cầm đầu, cũng nhanh như chớp vung tay chộp súng, kéo lại, miệng quát:
- Ê, mày làm gì vậy?
Lâm bình tĩnh:
- Các anh nói trả thứ này thay cho tiền nên tôi lấy!
Nghe đối thủ trả lời cứng cựa, gã không thèm đáp mà ra sức giành lại vũ khí. Hai bên cùng nín thở thi triển 10 thành công lực, gồng hết cơ bắp, thử sức một phen cho rõ tài cao thấp. Kéo qua kéo lại, một lát sau Lâm Chín ngón dần dần thắng thế thấy rõ, có thể một phần do anh ta nắm ngay bá súng nên chiếm lợi thế nhờ có điểm tựa chắc chắn hơn. Dù sao, với dân chơi thứ thiệt, hễ thua thì nhận thua. Gã tóc ngắn đành buông súng ra, kêu:
- Khá lắm, khá lắm. Mày làm gì ở đây mà dám can thiệp vào chuyện của bọn tao?
- Đây là quán của người quen tôi, nhờ tôi coi giúp. Nuôi quân ba năm nhờ đến một giờ. Đây là nồi cơm của tôi nên tôi phải giựt. Nếu tôi tới quán mấy anh quấy, chắc chắn mấy anh cũng phải làm như tôi thôi.
Vừa nói Lâm vừa chìa tay đưa lại khẩu súng cho đối thủ, thêm: - “Chó lửa” của các anh đây. Thử sức cho vui vậy thôi, chớ tôi biết các anh nói giỡn, vì đây là đồ làm ăn, vật bất ly thân của các anh đời nào các anh trả cho quán; và lại nếu tính trị giá, nó hơn hẳn tiền ăn nhậu từ tối đến giờ.
Tên tóc ngắn dịu giọng:
- Nói nghe có lý lắm. Nếu vậy cũng là anh em trong nhà cả, không lẽ chơi quỵt nhau. Được rồi. Không nhận súng thì lấy thứ này vậy!
Nhanh hơn cả làm trò ảo thuật, hắn rút trong túi ra một trái lựu đạn đặt cái “cộp” lên mặt bàn.
Nhiều tiếng la oai oái nổi lên phía ngoài cửa phòng và tiếng chân chạy rầm rập. Thì ra nãy giờ chủ quán và mấy “em gái” thập thò ngoài cửa theo dõi diễn biến tình hình, nay hoảng quá tranh nhau co giò manh ai nấy chuồn cho lẹ.
Lâm vội quay người một vòng, đưa chân đá cánh cửa. “Sầm” một tiếng, cánh cửa khoá tự động đã đóng lại. Lâm Chín ngón cố giở giọng thản nhiên:
- Lỡ chơi thì chơi luôn! Một đổi bốn còn lời chán! Và lại đời tôi sống cũng đủ lắm rồi. Cứ cho nổ!
Tính dằn mặt đối thủ, ai dè gặp thứ thiệt, đám thực khách không còn cách nào khác hơn là chấp nhận xuống nước. “Trời không chịu đất thì đất đành phải chịu trời”. Tên có hàm râu quai nón trong bọn lên tiếng, đổi giọng:
- Thấy anh nãy giờ tôi nghĩ không phải thứ mới vào nghề chưa có số má gì. Anh nói thật cho tụi tôi biết anh là ai?
Lâm thở dài:
- Từ lâu lắm tôi đã cố quên tên của mình. Nay các bạn hỏi tôi cũng xin nói thiệt. Cách nay hơn mười năm tôi cũng tạm gọi là có chút danh vọng. Anh em trong giới giang hồ khi ấy quen gọi tôi là Lâm Chín ngón.
Cả bốn tên đều bất giác đứng bật dậy, gã tóc ngắn hỏi:
- Anh là Lâm Chín ngón? Đâu, anh cho xem bàn tay trái thử coi.
Lâm Chín ngón vốn là biệt danh của Lâm sau một trận đụng độ ác liệt giữa hai nhóm dân chơi của Đại Cathay và Tín Mã Nàm tại ngay trước khu Đại Thế Giới. Trong trận kịch chiến này, khi cố giải cứu Ba Thế, một trong “tứ đại ca” (Đại, Tỳ, Cái, Thế), Lâm bị một thanh mã tấu xớt mất ngón tay cái của bàn tay trái. Nãy giờ, khi thử sức Lâm dùng tay phải nên chưa ai thấy bàn tay trái của anh ta.
Khi Lâm vừa xoè bàn tay trái với bốn ngón ra thì cả bọn đưa đưa cả hai tay ôm vai anh ta, đứa cấm tay lắc lấy lắc để, đứa chắp hai tay xá lia lịa:
- Xin lỗi đại ca, xin lỗi. Nãy giờ tụi em không biết lỡ xúc phạm đến đại ca. Anh em trong nhà cả, đại ca không nói sớm. Đâu, chủ quán đâu?
Thì nãy giờ chủ quán nấp ngay sau cánh cửa chớ đâu. Vừa nghe gọi lập tức chủ quán bước vô phòng…
Tên hớt tóc ngắn bảo:
- Đưa hoá đơn tính tiền coi!
Chủ quán đã lấy lại bình tĩnh:
- Đã đưa khi nãy đưa rồi mà.
Tên râu quai nón cúi xuống gầm bàn lượm tờ giấy lên, đọc:
- Một triệu bốn trăm năm mươi ngàn. Tưởng nhiều, nhiêu đó nhằm gì!
Gã móc túi lấy ra chiếc khăn, mở ra, bỗng gói vội lại, kêu “Lộn rồi!”. Nhưng Lâm đã kịp nhìn thấy một đống nhẫn, dây chuyền, đồng hồ… trong khăn, đoán chừng bọn này vừa “ăn hàng” về, vô quán ăn mừng. Gã móc túi bên kia, phen này thì đúng là một bọc tiền. Tên hớt tóc ngắn giọng xởi lởi:
- Trả luôn một triệu năm trăm ngàn cho chẵn. Ủa, còn mấy em gái khi nãy đâu?
Thấy tình hình đã lắng dịu, “phe mình” thắng thế, mấy em gái bia ôm thập thò ngoài cửa phòng, chỉ chờ cơ hội là ăn theo, nhanh nhen bước vô. Một tên khác bảo:
- Bo mỗi em một trăm ngàn chịu không?
Thì mấy em chịu quá đi chớ! Tiền bạc xong xuôi, tên hớt tóc ngắn thân mật bắt tay Lâm Chín ngón:
- Tụi em khi nãy không biết, lỡ đắc tội, đại ca bỏ quá cho. Khi nào có dịp ra Hải Phòng, đến bến Sau Kho, đại ca cứ hỏi Thanh bếp là ai cũng biết, tụi em xin tiếp đón trọng thế.
Kể xong câu chuyện, Lâm Chín ngón thở dài tâm sự: “Anh ạ, từ sau tối hôm ấy em nghĩ cái mạng mình sống chết bất cứ lúc nào nếu còn theo cái nghề bảo kê ấy mà chết lãng xẹt. Nên em quyết bỏ bằng được”.
(Còn nữa)
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Chủ xe có thể bị xử phạt nặng nếu cho người khác mượn xe! Cập nhật ngay quy định mới tránh 'vạ lây' nghiêm trọng
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?