Giá nước sạch tại Hà Nội tăng từ 1/10: Giá nước tăng theo... số lần ống nước vỡ

Giá nước sạch tại Hà Nội sẽ chính thức tăng từ ngày 1/10 tới đây. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khi tăng giá thì tình trạng bị cắt nước do vỡ đường ống.

Giá nước sạch tại Hà Nội sẽ chính thức tăng từ ngày 1/10 tới đây. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khi tăng giá thì tình trạng bị cắt nước do vỡ đường ống hay chất lượng dịch vụ có được cải thiện hay không thì vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) cho biết sẽ tăng giá nước sạch từ ngày 1/10.

Mức tăng trên 20% so với biểu giá cũ, từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/m3 tùy vào khối lượng nước sử dụng theo bậc thang lũy tiến.

Cụ thể, giá bán nước sinh hoạt của hộ dân sẽ tăng lên gần 6.000 đồng/m3 cho mức 10 m3 đầu tiên; từ 10-20 m3 sẽ có giá bán hơn 7.000 đồng/m3; và với mức trên 20-30 m3 sẽ có giá gần 8.700 đồng/m3. Còn mức trên 30 m3 sẽ tăng lên tới gần 16.000 đồng/m3.

Đối với nước sử dụng cho cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp sử dụng dịch vụ công cộng sẽ có giá bán là 9.955 đồng/m3. Nước sử dụng cho các đơn vị sản xuất sẽ có giá bán hơn 11.600 đồng/m3 và nước sử dụng cho kinh doanh dịch vụ có giá bán cao nhất là hơn 22.000 đồng/m3.

Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng (5%) và phí bảo vệ môi trường (10%) đối với nước thải sinh hoạt.

Đối với khách hàng sử dụng nước với nhiều mục đích khác nhau, VIWACO sẽ căn cứ tình hình sử dụng nước thực tế, thống nhất tỷ lệ nước sử dụng cụ thể cho mỗi loại mục đích để áp dụng giá nước phù hợp.

Do không thể chốt chỉ số đồng hồ nước của tất cả khách hàng vào ngày 31/9 nên VIWACO áp dụng phương pháp tính bình quân giá nước tháng 10 như sau: Tính số ngày thực tế sử dụng nước trong tháng 9 áp dụng giá cũ và số ngày thực tế sử dụng nước trong tháng 10 áp dụng giá mới. Số ngày sử dụng của mỗi tháng được tính căn cứ vào ngày đọc và chu kỳ ghi chỉ số đồng hồ. Lấy lượng nước ghi trong tháng 10 chia cho số ngày sử dụng cả chu kỳ, sau đó nhân với ngày sử dụng nước tháng 9 để áp giá cũ, lượng nước còn lại áp giá mới.

Khi tăng giá nước sạch thì liệu tình trạng bị cắt nước do vỡ đường ống hay chất lượng
dịch vụ có được cải thiện hay không thì vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng?

Từ tháng 11, hóa đơn nước tính hoàn toàn theo quyết định giá mới.

Theo dự báo của Công ty Nước sạch Hà Nội, năm 2015 nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm từ 1-3%, trong khi nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm nay tăng 7-10% so với năm trước. Do vậy, lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu thực tế là từ 40.000 - 60.000 m3/ngày-đêm.

Hà Nội vẫn có tới 60 điểm xảy ra thiếu nước cục bộ trong những ngày nắng nóng hoặc bị mất điện.

Lý giải về việc tăng giá nước, phía Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho rằng dù tăng tới gần 20% nhưng nếu trung bình mỗi gia đình sử dụng 15-16m3 mỗi tháng thì sau khi tăng giá, số tiền trả thêm của mỗi hộ gia đình chỉ là 15.000-20.000 đồng/tháng. “Đây là con số không cao và chấp nhận được” - một lãnh đạo công ty nước sạch cho biết.

Ngoài ra Cty Nước sạch HN cũng đưa ra hàng loạt lý do: Việc tăng trên được tính toán trên cơ sở các yếu tố thay đổi chi phí sản xuất kinh doanh. Trong đó có việc tăng do sự thay đổi cơ chế chính sách, biến động của thị trường như phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần; chi phí điện từ 2010-2015 tăng bình quân 10%/năm; chi phí tiền lương từ 2009-2015 tăng bình quân 30%/năm...

Giá nước tăng theo... số lần ống nước vỡ

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khi tăng giá thì tình trạng bị cắt nước do vỡ đường ống hay chất lượng dịch vụ có được cải thiện hay không thì vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Tin tức trên báo Lao động, ở thời điểm hiện tại, một khu vực rộng lớn của Hà Nội bao gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm… nơi người dân phụ thuộc vào đường ống nước sông Đà, lại đang ở trong thảm cảnh… mất nước.

Đường ống nước sông Đà là một trong những đường ống cấp nước chính của thủ đô liên tục xảy ra sự cố kể từ khi lắp đặt và đưa vào vận hành năm 2012. Ngay năm đầu tiên vỡ 1 lần, năm 2013 vỡ 3 lần, năm 2014 vỡ tới 5 lần và cho đến tháng 9.2015 là vỡ lần thứ 6, lần vỡ gần nhất là ngày 25.9 vừa qua. Tổng cộng trong 4 năm vỡ đường ống nước đến 15 lần. Mỗi lần vỡ ống là hàng vạn gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, nhất là những gia đình ở những khu tập thể cũ tại Hà Nội dùng đường nước này.

Khu tập thể cơ khí, ngõ 192 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) vừa trải qua những ngày “náo loạn” do mất nước 3 ngày. “Sau mỗi lần vỡ như vậy, giờ đầu nước chảy về đục như nước sông, bà con lại phải hì hục cọ rửa thau bể chứa” - một người dân ở đây than vãn. Ông Lâm Phương Đông (nhà A4 - Tập thể cơ khí) bức xúc: “Chất lượng nước sạch khó chấp nhận. Mất nước liên miên, giữa thủ đô mà có ngày phải dành từng chậu nước chỉ để đánh răng, rửa mặt”.

Thông tin về việc giá nước sẽ tăng thêm 19% từ 1.10, khiến người dân càng thêm bức xúc. “Giá nước tăng, không hiểu chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước có tăng lên. Liệu những thất thoát, tiêu cực trong đầu tư như vậy có được đưa vào giá thành để người dùng phải gánh?” - ông Đông nói và ao ước: “Giá mà họ - Cty kinh doanh nước - cải tiến chất lượng trước khi tăng giá thì người dân chẳng ai kêu ca”.

Chị Nguyễn Sao Mai và hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng chịu cảnh dở khóc, dở cười vì mất nước. Sống trong khu đô thị hiện đại nhưng có ngày mọi vật dụng từ xoong chậu, bình cốc đều được bầy la liệt trong nhà để trữ nước. Chị Sao Mai chia sẻ: Chúng tôi chấp nhận giá nước tăng, nhưng Cty kinh doanh nước sạch có dám cam kết giá tăng, chất lượng cấp nước sẽ phải tăng theo.

Cùng chung với chị Mai, nhiều hộ dân ở đây cho rằng: “Chúng tôi chỉ đồng ý về mức tăng mới khi Công ty Nước sach Hà Nội đảm bảo là sẽ không có những lần vỡ đường ống thêm nữa. Năm nào cũng tăng đến 20% nhưng số lần vỡ đường ống cũng tăng theo thế này, chúng tôi khổ lắm”.