Gia Lai: “Cánh đồng lịch sử” đang rơi vào quên lãng
Thứ năm, 16/02/2012 13:53

“Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu” thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, là căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn. Thế nhưng Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia này đang dần đi vào quên lãng.

Cánh đồng của người vợ bok Nhạc

Từ trung tâm thị trấn Kbang (huyện Kbang) chạy dọc theo tỉnh lộ 669 hướng ra An Khê tới con đường dẫn vào cánh đồng này. Cánh đồng Cô Hầu nằm ẩn mình sau một ngọn núi cao. Qua được cái chót vót của núi sẽ là một thung lũng bạt ngàn màu mỡ, quanh năm những mạch nước ngầm không bao giờ thôi tuôn chảy…

Theo truyền thuyết, trong vùng An Khê, ở làng Cổ Yêm, gần Tú Thủy nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang, có người Bana sống ở rừng Mộ Điểu. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ không quản khó nhọc tìm lên rừng Mộ Điểu, thuyết phục tộc trưởng Bana cùng Tây Sơn tham gia khởi nghĩa. Tộc trưởng rất cảm kích người “thay trời hành đạo”, ông gả cô con gái yêu cho “Vua Trời”. Nàng tên là Yă Đố nhưng từ khi làm vợ thứ ba của “Vua Trời”, nàng được gọi là Cô Hầu.

Tấm bia đá ghi lại vài dòng lịch sử nằm giữa hoang dại. Ảnh: Nguyễn Giang

Hiểu được chí lớn của “Vua Trời”, Cô Hầu là một trong những cộng sự đắc lực của Nguyễn Nhạc trong những ngày lên miền Thượng xây dựng căn cứ khởi nghĩa. Cô Hầu không chỉ cùng Nguyễn Nhạc đi kết giao với một số tù trưởng người Sê Đăng, Jrai, Bana ở Cheo Reo, Pleiku, Kon Tum và người Hrê ở phía Tây Quảng Ngãi mà còn cầm đầu một số dân binh người miền núi khai khẩn đất hoang.

Từ khai khẩn, quản lý, sản xuất, thu hoạch từ cánh đồng này đều do Cô Hầu đảm nhiệm. Sức lao động mạnh mẽ, bền bỉ của các tộc người trong vùng, kết hợp với tài chỉ huy kinh tế của người Kinh do “Vua Trời” rút từ Tây Sơn Hạ lên điều khiển, cộng với đất đai màu mỡ, chẳng bao lâu rừng Mộ Điểu đã có được cánh đồng phì nhiêu rộng hàng chục mẫu. Đây là vùng đất màu mỡ nằm lọt giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ, có đường lên tận Kon Tum, xuống đồng bằng Bình Định qua đèo Vạn Tuế.

Rừng Mộ Điểu trở thành một hậu cứ của nghĩa quân Tây Sơn, sản xuất lương thực, tích trữ vũ khí, tuyển mộ và rèn quân. Nơi đây sau này được gọi là “Cánh đồng Cô Hầu”. Cũng chính Cô Hầu đã cho trồng một vườn mít bên cạnh cánh đồng để làm nguồn lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân. Người đời cũng ưu ái gọi bằng cái tên “ Vườn mít Cô Hầu”.

Sắp đặt lại hậu cung là một trong những việc quan trọng của những ông vua ngay sau khi lên ngôi. Từ rừng Mộ Điểu, Cô Hầu, được vua rước về thành Hoàng Đế, phong Thứ phi. Dù được vua Thái Đức ( niên hiệu của Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi vua) hết mực sủng ái, được Chánh cung hoàng hậu đối đãi thân tình như chị em ruột thịt nhưng cuộc sống chốn cung cấm với ngôi thứ, nghi lễ ràng buộc không phù hợp với người sơn nữ. Cô Hầu thấy luôn cô đơn, lạc lõng. Nàng xa lạ với ngôi Thứ phi, không quen cảnh phù hoa, tràn ngập lụa là gấm vóc, người hầu kẻ hạ, miệng không quen nếm các món ăn sơn hào hải vị. Cô Hầu nhớ da diết cánh đồng mênh mông trên rừng Mộ Điểu đã từng thấm mồ hôi, nước mắt những mộ dân khẩn hoang. Lưu lại một thời gian ở hoàng cung, Cô Hầu xin trở về với núi rừng yêu dấu của mình.

Các già làng kể rằng khi Yă Đố mất, dân làng đã chôn bà trên một đỉnh núi cao. Trong các lễ cúng Yang, tên bà được khấn sau tên Yang Kông-Yang Đak (thần Núi-thần Nước) là hai vị Yang cao nhất của người Bahnar…

Di tích bị chìm vào quên lãng

Cảm kích trước câu chuyện của nàng Ya Đố, tôi tìm về thăm “Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu”. Con đường dẫn vào khu di tích với lớp đá khô khốc dưới cái nắng gay gắt đầu mùa. Từ tỉnh lộ 669 chỉ có một biển chỉ dẫn duy nhất. Ai không quen đường, chỉ còn cách tìm người hỏi hoặc tự mò mẫm, phán đoán vì con đường có vô số đường nhánh, ngã rẽ to nhỏ đủ loại.

Biết tôi đang dò hỏi đường vào “Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu”, một bác nông dân vẫy tay: “Trong đó còn gì đâu mà vào, quay lại đi. Đường khó đi lắm”. Không thể bỏ cuộc giữa chừng, tôi cho xe lộc cộc trên con đường đá và những rãnh nước sâu hoáy đang dần khô. Con đường dẫn vào Khu Di tích cấp quốc gia lẽ ra phải đẹp đẽ thì nay trở thành con đường khập khễnh cho người dân lên rừng lên rẫy.

Vào đến “Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu”, nếu không có tấm bia đá ghi vài dòng lịch sử thì có lẽ không ai còn nhận ra nơi đây là một di tích. Tấm bia đá đứng trơ trọi giữa hoang dại, giờ đây ngổn ngang cây rừng nghiêng ngả. Một không gian vắng lặng, không một bóng người.

Theo lời của cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, trung tâm của vườn xưa rộng tới 20 ha với mật độ cây khá dày. Trước đây, dân làng Quao đã phá một phần để lấy đất làm rẫy. Sau khi được công nhận di tích, do công tác bảo vệ kém, họ đã ngấm ngầm phá nốt những cây còn lại. Bây giờ có tìm mỏi mắt cũng khó mà thấy được một cây mít lịch sử.

Rời “Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu” mà lòng nặng trĩu một nỗi buồn. Có lẽ nào, một “đóa hoa pơ lang” đẹp, làm nên lịch sử giữa đại ngàn lại bị chìm vào lãng quên bởi sự vô tâm của người đời sau?

Báo Gia Lai
Tag: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo , Cánh đồng Cô Hầu , Di tích lịch sử , Văn hóa , Gia Lai