“Lạm phát tâm lý rất nguy hiểm và chúng ta đã từng chứng kiến” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
|
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2018 tăng 0,55% so với tháng trước - tháng có CPI tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây và tăng đến 3,86% so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu liên tục leo thang
Tăng giá xăng dầu liên tục được xem là một trong những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 5 vừa qua tăng mạnh. Ví dụ trong nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%. Giá giao thông tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần. Trong đó có bốn lần tăng khá mạnh. Hiện giá xăng A95 đứng ở mức 21.511 đồng/lít, cao hơn 1.221 đồng/lít so với đầu năm và giá xăng E5 ở mức 19.940 đồng/lít, tăng thêm 1.697 đồng/lít. Giá dầu mazut cũng nhảy lên mức 14.437 đồng/ kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với đầu năm.
Đáng lo nữa là sắp tới đây việc tăng thuế bảo vệmôi trường đối với xăng lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít nếu được chấp thuận và áp dụng từ ngày 1-7 sẽ tác động rất lớn đến cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng.
Ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam bộ, Tập đoàn Mai Linh, cho biết giá cước taxi hãng này đã tăng cách đây hai tuần với mức tăng thêm 1.100 đồng/km. “Với đà tăng liên tục của giá xăng, sắp tới còn tăng thuế môi trường có thể khiến giá xăng nhảy lên nữa. Trong khi hãng taxi truyền thống lại đang phải cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ và các loại hình vận tải khác nữa, giá xăng tăng sẽ khiến hãng thêm khó khăn” - ông Tuynh chia sẻ.
Các DN vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá xăng tăng liên tục. Đại diện một DN vận tải hàng hóa tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho hay đã tăng giá vận chuyển cứ 100 km thì tăng thêm 70.000 đồng vì giá xăng dầu tăng. Việc tăng này được áp dụng từ đầu tháng 6 dù nhiều khách hàng phản ứng, dọa chuyển sang đơn vị vận tải khác nhưng đành chấp nhận vì để mức giá vận chuyển như cũ sẽ lỗ.
Ông Bùi Danh Liên, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Thăng Long, phân tích: Giá xăng dầu chiếm tỉ lệ rất lớn, 30%-40%, trong cơ cấu giá thành của ngành vận tải nên sẽ tác động rất lớn đến chi phí, giá thành dịch vụ. “Hiện tại đơn vị vận tải rất khó khăn khi phải đóng rất nhiều loại thuế, phí, trong đó nặng nhất là phí BOT và phí bảo trì đường bộ hằng năm thu trên đầu xe. Cộng thêm thời gian gần đây giá xăng dầu liên tục leo dốc nhưng các đơn vị vận tải đang nhìn nhau để xem xét điều chỉnh tăng giá vì sợ mất khách hàng. Cước vận tải tăng thì người dân là người chịu thiệt cuối cùng” - ông Liên nói.
Bên cạnh giá xăng, giá gas cũng tăng gần 30.000 đồng/ bình 12 kg trong thời gian ngắn vừa qua khiến người tiêu dùng khóc ròng.
Giá xăng liên tục tăng được xem là thủ phạm chính đẩy giá hàng loạt hàng hóa,
dịch vụ tăng theo. Ảnh: TÚ UYÊN
Nguy cơ lạm phát rình rập
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng, cảnh báo: Không thể phủ nhận thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát xuất phát.
Đó là áp lực tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu, trong đó đáng chú ý là biến động phức tạp của giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Cộng với những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, khó lường. “Nhằm kiểm soát lạm phát, nếu giá dầu thô tăng vọt lên tới 30% thì cơ quan điều hành sẽ sử dụng quỹ bình ổn để hỗ trợ và cố gắng không tăng giá xăng dầu trong nước” - ông Tuấn cho hay.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay xăng dầu là một trong những mặt hàng hiện nay đã điều hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý và điều hành của Nhà nước. Do vậy, mua đắt thì bán đắt, mua rẻ bán rẻ nhưng rất ưu tiên sử dụng các biện pháp bình ổn.
“Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao là từ nay đến cuối năm phải tập trung dùng quỹ bình ổn và các biện pháp khác để cố gắng tăng giá xăng dầu ở mức thấp nhất nhằm đảm bảo CPI của năm 2018 tăng dưới 4%” - Thứ trưởng Hải nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để kiểm soát lạm phát ở mức 4% như mục tiêu đề ra, Quốc hội cần phải xem xét hết sức thận trọng việc Bộ Tài chính tiếp tục muốn tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức kịch khung. Bởi nếu tăng thuế môi trường sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế, làm tăng thêm gánh nặng cho người nghèo. Bên cạnh đó, với những mặt hàng do Nhà nước định giá, Chính phủ nên giãn hoặc lùi thời gian điều chỉnh tăng để tránh tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả.
Không tăng giá điện Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%. Theo đó, không tăng giá điện trong năm 2018 và chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó cần điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn. “Lạm phát tâm lý rất nguy hiểm và chúng ta đã từng chứng kiến. Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu cho nhân dân trong bất cứ tình huống nào” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Giá gas tăng sốc, chuyển sang sử dụng than Do giá gas chỉ trong thời gian ngắn tăng đến gần 30.000 đồng/bình 12 kg nên nhiều người dân đã chuyển sang sử dụng loại bếp từ, thậm chí bếp than. Ông Đình Đức (nhà trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, TP.HCM) cho biết giá gas đầu năm chỉ hơn 340.000-350.000 đồng/bình 12 kg giờ đã tăng lên 370.000-380.000 đồng. Giá xăng, giá gas… rủ nhau tăng khiến túi tiền tiêu dùng hằng tháng của người dân cạn dần, buộc phải thắt lưng buộc bụng. “Tiền điện, tiền nước mỗi tháng gần 1 triệu đồng, tiền gas gần 400.000 đồng nữa... Mấy hôm nay, nấu nước phải chuyển sang bếp củi hoặc bếp từ nấu cho đỡ tốn kém. Còn nấu buổi sáng nấu luôn cho bữa trưa để tiết kiệm gas” - ông Đức chia sẻ. Ông Xuân Trường (chủ quán ăn trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM) than thở giá gas tăng khiến chi phí đầu vào của quán tăng lên, buộc phải tăng giá bán thức ăn. Nếu mỗi món ăn ở đây khoảng 45.000 đồng/món thì nay phải tăng giá lên 50.000-55.000 đồng/món. Nhiều quán nhậu cũng cho biết tương tự. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Mức phạt nồng độ cồn tăng mạnh: Uống một cốc bia hay một ly rượu, mất bao lâu để nồng độ cồn về 0?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?
- Đi chợ đừng bỏ qua những loại quả này, vừa sạch vừa giàu dinh dưỡng, đặc biệt gần như không có thuốc trừ sâu
- Tết dương lịch 2025 phạt vi phạm giao thông đã thu về số tiền 'khủng' này
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?
- Tết dương lịch 2025 phạt vi phạm giao thông đã thu về số tiền 'khủng' này
- Sát Tết có 4 nghề 'hái' ra tiền, thu nhập cả trăm triệu/tháng mà không cần trình độ đại học
- Từ 1/1/2025, người dân ra đường vi phạm 2 lỗi này sẽ bị phạt nặng, tăng từ 30 lần đến 50 lần mức cũ
- Những chiêu trò lừa đảo mới dịp cận Tết, cần cảnh giác kẻo lại mất tiền oan
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?