GDP không phản ánh đúng đời sống người dân
Thứ tư, 25/12/2013 09:05

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 đạt 1.899 USD, các chuyên gia đều cho rằng chỉ số này chưa phản ánh đúng thực chất đời sống người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế suy giảm mà thu nhập bình quân của người dân tăng là điều không hợp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế suy giảm mà thu nhập bình quân của người dân tăng là điều không hợp lý.

GDP đầu người Việt Nam là bao nhiêu?

Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã áp dụng cách tính mới về GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và kết quả đưa ra GDP của Việt Nam năm nay tính theo giá hiện hành đạt 3.584.261 tỷ đồng, tương đương 170,4 tỷ USD, tính theo tỷ giá cùng ngày của Ngân hàng Nhà nước là 21.036 đồng/USD. Dựa trên quy mô dân số 89,71 triệu người của năm 2013 (cũng theo số liệu do cơ quan này công bố), GDP bình quân đầu người năm nay đạt 1.899 USD.

Nhiều người không khỏi băn khoăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của ta mới đạt khoảng 1.000 USD/người/năm, qua 3 năm suy giảm kinh tế, đến năm 2013 chỉ số này đã vọt lên gần 1.900 USD (?!). Ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, mức thu nhập bình quân 1.000USD năm 2010 là chưa bổ sung thu nhập của ngân hàng, nhà tự có, tự ở của dân vào GDP. Và thực tế tính toán lại, ông Tuyến khẳng định Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD từ năm 2008.

Phạm vi tính GDP trong thời gian trước đây đã chưa đầy đủ, bởi hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có, tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này”-ông Tuyến nói. Ông này cũng cho biết: “Theo cách tính này, thực ra GDP đầu người năm 2010 đã điều chỉnh lên tới 1.273 USD, như vậy chúng ta đã đạt được ngưỡng 1.000 USD năm 2008. Ước tính năm 2013, GDP đầu người đã đạt 1.899 USD/người, so với 2010 gấp 1,89 lần”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói: “Hiểu theo cách là do tính chưa hết thu nhập của người dân nên nay phải tính cho đủ khiến GDP đầu người tăng lên nghe có vẻ hợp lý. Song thực tế, những tính toán về GDP đầu người tại Việt Nam chưa chuẩn”. 

Theo lý giải của ông A, thường GDP được tính theo giá của một năm chuẩn nào đó, trước kia chúng ta lấy giá của năm 1994, thì GDP đã bị loại bỏ hết các yếu tố lạm phát. Từ năm 1994 đến nay, lạm phát đã tăng mạnh tới mấy chục phần trăm, nên dễ hiểu khi năm 2013, GDP được tính theo giá năm 2010 đã khiến GDP đầu người tăng vọt. 

Bởi lạm phát càng cao thì GDP tính theo giá hiện thời càng cao, thu nhập đầu người theo đó cũng càng cao. “Vậy GDP có ý nghĩa gì với nền kinh tế và đời sống người dân nếu được tính như thế?”-ông Quang A đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định những lý giải về GDP đầu người của Việt Nam tăng lên năm nay là “hơi cực đoan”. Bà Lan nói: "Nếu nói cần tính những cái chưa tính, ví như thu nhập của người bán rong, nhà tự dân xây, lợi nhuận của ngân hàng tính theo hệ số để tác động tới những lĩnh vực khác cần tính... vào GDP thì mới chỉ đúng chứ chưa chính xác”. 

Theo bà Chi Lan, tính như thế, chỉ có tác dụng cho ra một con số đẹp, hoặc ở khía cạnh khác là con số này không có nhiều ý nghĩa. Lạm phát tăng thì ắt con số GDP tính ra cũng sẽ tăng lên, còn thực sự với thu nhập thực của người dân lại không có ý nghĩa...

“Đừng lấy của người làm của mình”

Một ví dụ là hiện nay, Tập đoàn Samsung làm tăng GDP của Việt Nam rất nhiều bởi doanh nghiệp này xuất khẩu sản phẩm với giá trị rất lớn. Nhưng những của cải mà đơn vị này làm ra thực chất là của họ, còn Việt Nam chỉ được hưởng thù lao nhân công lao động. Tuy nhiên, theo cách tính GDP của Việt Nam thì tất cả vẫn được tính hết vào GDP và chia cho đầu người Việt Nam.

Ông Quang A nói thẳng: “Chúng ta không thể lấy cái của người làm của mình mà phải tính GDP đầu người từ những thứ người Việt Nam làm ra, quốc gia làm ra (hay còn gọi là chỉ số GNI-thu nhập nội địa). Nước ngoài họ làm ra, lợi nhuận thì họ mang về nước họ, ta đâu có hưởng mà tính làm của mình. GNI mới thực sự có ý nghĩa với đời sống người dân Việt Nam”. 

Nhận xét của ông Quang A có lý khi ngay số liệu công bố về GNI của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, GNI của ta đang ngày càng thấp xa so với GDP. Cụ thể, về chênh lệch giữa hai chỉ số GDP và GNI, ông Tuyến cho biết, mức chênh lệch là rất lớn. Trong các năm 2010 là 82.250 tỷ đồng, 2011 là 119.800 tỷ đồng, 2012 là 142.80 tỷ đồng và năm 2013 là 171.930 tỷ đồng.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cuộc sống của người dân những năm qua rõ ràng kém đi, thể hiện qua chi tiêu, mức sống của người dân 3 năm nay rất thấp. Lạm phát đã làm đồng tiền mất giá tới 30 lần nên tính theo giá lạm phát GDP đầu người tăng vọt là hoàn toàn có lý.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh còn nêu dẫn chứng: Năm 2013, lạm phát tăng 6,6% nhưng tiền Việt chỉ mất giá có 2% so với USD, như vậy đồng tiền của ta đã lên giá 4,6% so với USD. Lạm phát từ năm 2006 cộng lại đến nay đã lên 30%; do vậy GDP cao hơn thu nhập thực tế người dân và con số này chưa phản ánh đúng thực tế là chuẩn xác.

Ông Doanh bổ sung, năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 7,5 tỷ USD nhưng vẫn được tính vào đầu người Việt Nam, như vậy mỗi người dân phải trả 196 USD; nếu tính lại (tức loại bỏ số tiền người dân được tính nhưng không được hưởng này) thì thu nhập của người dân còn thấp hơn nhiều. 

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: GDP , Thu nhập bình quân đầu người , Thực tế đời sống , Đời sống khó khăn