Gạo không độc tố, thực phẩm bẩn, độc vẫn tràn lan

Trong khi thực phẩm trên thị trường cứ đụng đâu bẩn, độc đó thì các cơ quan chức năng lại kết luận "không có độc tố","'vẫn an toàn".

Không có độc tố trong gạo

Trước thông tin báo chí phản ánh, nhiều nhà máy xay xát lúa, gạo tại TP. HCM đã sử dụng những loại hóa chất độc hại để tẩy trắng gạo và tạo mùi, ngày 2/8, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP. HCM, khẳng định đến thời điểm này ngành y tế chưa phát hiện trong gạo ở Việt Nam có chứa hóa chất độc hại.

Muốn gạo Tám Thơm, gạo Hương Lài... khi nấu thành cơm có mùi thơm nồng đặc trưng thì cần pha 1 muỗng bột tạo mùi với 5 lít nước cho 100kg gạo. Sau đó, tưới đều lên gạo ủ trong vòng 15 phút rồi cho vào máy đánh bóng gạo, từ đó sẽ được mùi hương như cũ.

Đó là quy trình tạo mùi cho gạo, còn nếu muốn tẩy trắng gạo thì bắt buộc phải dùng tới hóa chất, một chủ nhà máy xay xát tiết lộ.

Ông chủ này cho biết, "loại chất tẩy trắng này không có tên, chỉ biết là hàng của Trung Quốc. Gạo được xay xát xong sẽ cho vào máy đánh bóng. Nếu muốn gạo trắng tinh thì 100kg gạo sẽ cho 1kg bột này vào, sau 5 phút hạt gạo trắng tinh, còn muốn trắng đục thì chỉ cần 500g là được".

Ngoài việc tẩy trắng, người này còn tiết lộ, chất này còn có thể làm nở cơm hết cỡ khi nấu. Ví dụ, 10kg gạo làm trắng bằng bột này thì khi nấu sẽ nở bằng 20kg gạo không dùng chất tẩy trắng.

Theo thông tin của ông chủ này cung cấp, gạo được bán trên thị trường TP. HCM được tẩy trắng và tạo mùi 100%.

Giám đốc Trần Văn Thanh, Giám đốc Công ty Hóa chất Minh Thanh (chợ Bà Chiểu, Quận Bình Thạnh), những loại hóa chất được các chủ xay xát ở TP. HCM sử dụng là loại bột bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo và mì mà Trung Quốc đã cấm lưu hành trong chế biến thực phẩm vì dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, gây tử vong.

Loại chất chống mốc là chất deltamethrin chuyên sử dụng diệt côn trùng và khử trùng.

Calcium peroxide được rao bán với giá 200.000 đồng/kg, có xuất xứ Trung Quốc. Đây là loại hóa chất dạng bột trắng dùng để diệt nấm với bao đóng sẵn 25kg. Ngoài ra, nó có thể sử dụng trong việc giữ tươi trái cây và rau khi hòa tan vào nước rồi phun lên.

Tuy nhiên, loại chất cấm này vẫn được sử dụng cho nhiều loại thực phẩm tại Việt Nam.

Thực phẩm bẩn, độc... vẫn an toàn

Sau khoai tây, gừng nhiễm độc mới đây thị trường lại xuất hiện loại cá tầm Trung Quốc, rau ngót, mướp đắng, màng bọc nilong, đũa một lần đều nhiễm độc tố.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP. HCM, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục ATVSTP kiểm tra 81 mẫu thực phẩm, đồ gia dụng...Kết quả, 27 mẫu không đạt. Đặc biệt, có nhiều loại hoạt chất acid oxalic, tinopal được phát hiện trong bún bị cấm trong sử dụng theo quy định của Bộ Y tế.

Khoai tây nhiễm độc, Cục trưởng vẫn khuyên người dân dùng

Tuy nhiên, ông Huỳnh Lê Thái Hoà - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP. HCM - cho rằng đó chỉ là các mẫu đơn lẻ và không thể khẳng định tất cả bún đều bẩn.

Không bẩn, có nghĩa là sạch, theo lý giải của ông Hòa phải chăng cũng là quan điểm của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng đã ra sức bảo vệ củ khoai tây, rau ngót.

Dù khoai tây Trung Quốc được phát hiện nhiễm độc gấp 16 lần mức cho phép hay 1/50 mẫu gừng Trung Quốc lấy tại Hà Nội và TP. HCM có hàm lượng chất trừ sâu bị cấm Aldicarb cao hơn gấp 3 lần khuyến cáo, nhưng ông Hồng vẫn tuyên bố không có gì đáng ngại, người dân không nên hoang mang.

Theo lập luận của Cục trưởng này thì bẩn, độc là do người dân dùng không biết cách, như không rửa sạch, cạo vỏ, ngâm nước cho tan bớt độc tố trước khi ăn.

Điều này càng cho thấy việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải chỉ đạo hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch là có lý.

Bộ không ngần ngại chỉ rõ cách chọn măng khô không chứa chất lưu huỳnh, trứng, cá tươi, rau, thịt... thậm chí chi tiết hơn là cả cách xử lý măng trước khi chế biến.

Khuyên người dân ăn gừng độc, khoai tây bẩn, rau ngót, gạo nhiễm độc tố âu cũng là Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.

Có lẽ Cục trưởng cũng thấu hiểu, trên thị trường hiện nay có tránh thì cũng khó mà được, vì có cái gì sạch đâu.

Từ khoai tây, rau ngót, tới cá, gạo, trứng cứ đụng đâu là bẩn, độc đó thì thay vì tránh người dân nên biết "chấp nhận".

Trong khi chờ các cơ quan chức năng loay hoay tìm ra giải pháp xử lý triệt để để đảm bảo được cho người tiêu dùng một bữa ăn sạch thì người dân nên làm theo hướng dẫn của Bộ y tế để tự bảo vệ mình.