Gần chục người nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ cắn ở Huế

Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, cách đây một thời gian, rộ lên phong trào dùng bào thai của rắn lục đuôi đỏ để chữa bệnh nên có hiện tượng nhập loại rắn này từ Trung Quốc về.

Sáng 30/11, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng- Trưởng khoa Hồi sức- Cấp cứu Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, 2 tháng trở lại đây, khoa  đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn Thừa Thiên- Huế bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Cụ thể, trong số 16 ca bị rắn cắn nhập viện trong tháng 10 và tháng 11, có 9 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Nhờ được chữa trị kịp thời nên hầu hết bệnh nhân trong số này đều đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện.

Vết cắn của rắn lục đuôi đỏ khiến cánh tay trái của anh Hoàng Mạnh Quang bị phù nề 

Hiện còn 2 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang được cấp cứu tại khoa, gồm anh Hoàng Mạnh Quang (quân nhân công tác tại kho đạn ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) và anh Võ Văn Đằng (ngụ tổ 16, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy).

Tiếp xúc với PV Dân Việt, bệnh nhân Hoàng Mạnh Quang cho biết, khoảng 7 giờ ngày 27.11, anh đang cùng các chiến sĩ trong đơn vị phát quang rừng để chống cháy thì bị một con rắn lục đuôi đỏ bò trên cây cắn vào tay trái. Vết cắn của con rắn khiến tay anh Quang chảy nhiều máu, đau nhức và được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy và sau đó được chuyển lên Bệnh viện T.Ư Huế.

Anh Hoàng Mạnh Quang đang được cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế vì rắn lục đuôi đỏ cắn. 

Bệnh nhân Võ Văn Đằng thì cho biết, sáng 27/11, anh đang phát vườn thì bị rắn lục đuôi đỏ nằm trên cây cắn vào tay. “Trước đây, tôi từng phát hiện nhiều rắn ở chỗ mình sinh sống nhưng chưa bao giờ thấy rắn lục đuôi đỏ. Việc loài rắn này xuất hiện nhiều thời gian gần đây là hiện tượng hết sức bất thường và khiến người dân quê tôi hoang mang”- anh Đằng kể.

Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, cả 9 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn nêu trên đều là người dân ngụ tại thị xã Hương Thủy và phần nhiều người trong số này sinh sống ở phường Thủy Dương.

Ông Hùng cho biết, bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần phải được cấp cứu kịp thời tại cơ sở y tế có đủ phương tiện điều trị. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm tính mạng do trong nọc độc của loài rắn này có một loại men khiến máu người không đông, dẫn tới bệnh nhân bị mất máu.

Cũng theo ông Hùng, trước đây ở nước ta chưa thấy có rắn lục đuôi đỏ và việc loài rắn này xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là hiện tượng không bình thường. Cách đây một thời gian, trong nước rộ lên phong trào dùng bào thai của rắn lục đuôi đỏ chữa bệnh yếu sinh lý ở đàn ông và các bệnh hen suyễn, ung thư. Vì vậy có hiện tượng người ta nhập loại rắn này từ Trung Quốc về để làm thuốc. “Có thể rắn được nhập về đã sinh sản và phát triển ra nhiều như hiện nay”- ông Hùng nhận định.