Kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Thú y cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu tại các trang trại chăn nuôi dương tính với nhóm B- Agonit. Còn với các loại thịt tại lò giết mổ, kết quả kiểm tra tới 26% số mẫu phát hiện các chất cấm tăng trọng, kích thích gốc B-Agonit.
Đầu độc người tiêu dùng
Con số này làm “chấn động” cả ngành chăn nuôi cũng như các chuyên gia an toàn thực phẩm. “Sử dụng chất cấm nguy hại trong chăn nuôi là một tội ác, không còn là vi phạm quy định nữa. Chỉ vì người chăn nuôi hám lợi mà đầu độc hàng chục triệu người”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nói.
Người tiêu dùng không thể phân biệt thịt heo dùng tăng trọng, kích nạc
Vì lợi nhuận, việc sử dụng các chất cấm này trong chăn nuôi ngày càng nhiều. Tỷ lệ phát hiện chất cấm trong thức ăn, trong thịt heo nhiều hơn trong thời gian gần đây. Các tỉnh bị phát hiện chủ yếu là phía Nam, mà trọng tâm là ở các trung tâm chăn nuôi như Đồng Nai, Bình Đương, TP.HCM.
Trên thế giới, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) đã loại bỏ chất này trong danh sách các chất được sử dụng trong chăn nuôi, bởi tính nguy hại nghiêm trọng của nó đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, qua 10 năm triển khai, tình hình lại ngày càng tệ hại. Các cơ quan chức năng cũng chưa tìm được giải pháp để thực thi hiệu quả. Bởi đặc điểm chăn nuôi nước ta là nhỏ lẻ, người bán cũng như người sử dụng đều lén lút, quản lý và phát hiện là rất khó. Trong khi đó, các ngành, các địa phương vẫn chưa nhận thức được tầm nguy hại của sự việc để truy quét đến cùng những hành vi này.
Bắt rồi thả!
Tại tỉnh Đồng Nai, đầu năm 2012, ngoài việc bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 5kg Salbutamol 98%, thì vừa tiếp tục phát hiện 3 hộ chăn nuôi tại đây đã sử dụng chất kích thích cấm gốc B- Agonit. Tuy nhiên, Công an Đồng Nai buộc phải thả đối tượng buôn bán loại chất cấm này, vì thiếu chế tài xử lý, các đối tượng chỉ bị phạt hành chính 6,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, rất khó để xử lý triệt để tình trạng này bởi chưa có chế tài cụ thể. Ngay việc đơn giản là xử lý tang vật có chất cấm phát hiện thời gian qua ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng bộc lộ nhiều lúng túng, mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến, là nên giữ lại một thời gian rồi cho tiêu dùng tiếp hay tiêu hủy. Ý kiến cho tiêu dùng tiếp cho rằng, cơ quan chức năng khi phát hiện yêu cầu các cơ sở giết mổ lưu giữ lại đàn lợn có chất cấm từ 7-10 ngày để đào thải, sau đó cho phép lưu thông giết mổ trở lại.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, với những con heo đã phát hiện chất cấm B- Agonit nên tiêu hủy 100%. Nếu cho phép đưa về trang trại nuôi tiếp một thời gian rồi cho giết thịt trở lại, chúng ta đã vô tình đồng ý cho phép sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc lưu lại 7 – 10 ngày cũng không thể đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, bởi B- Agonit sẽ đào thải hết trong nước tiểu và máu thời gian 7 – 10 ngày, nhưng suốt quá trình chăn nuôi, chất này đã tụ lại trong các mô cơ, mô thần kinh, không thể đào thải được, người tiêu dùng vẫn có nguy cơ nhiễm phải.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Cục Chăn nuôi, Thú y tiếp tục lấy mẫu rộng rãi trên cả nước để kiểm tra toàn diện tình hình sử dụng chất cấm. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Bộ Y tế loại khỏi danh mục một số hoạt chất nguy hại như các chất kích thích gốc B- Agonit. |