Dương Chí Dũng có thể thoát án tử nhờ tình tiết gia đình bồi thường?
Thứ năm, 24/04/2014 13:45

Trước phiên tòa, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng bất ngờ nộp số tiền thi hành án 4,7 tỉ đồng. Đây được coi là tình tiết có thể giúp bị cáo tai tiếng này thoát án tử.

Dương Chí Dũng có thể thoát án tử nhờ tình tiết gia đình bồi thường

Dương Chí Dũng có thể thoát án tử nhờ tình tiết gia đình bồi thường

Ý nghĩa của việc bị cáo tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả có ảnh hưởng như thế nào đến việc giảm nhẹ hình phạt? Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ trao đổi cùng bạn đọc.

Trực tiếp xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng

. Thưa ông, thế nào là trường hợp “người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

- Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự (BLHS), đây là trường hợp tội phạm đã gây ra thiệt hại, gây ra hậu quả. Bị cáo tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động (khuyên bảo) hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính tự nguyện; hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả; mức độ bồi thường thiệt hại…

“Sửa chữa” là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra.

“Bồi thường” là bồi thường bằng tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

“Khắc phục hậu quả” là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được.

. Nếu bị cáo không nộp mà thân nhân nộp, thì luật quy định ra sao?

- Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/5/2006 quy định như sau:

Cũng được coi là áp dụng tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

b. Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản;

c. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

d. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

đ. Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

e. Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu

 nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

. Như vậy, bị cáo hoặc thân nhân của bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho nạn nhân nhưng gia đình nạn nhân không nhận thì khi xét xử, vẫn được xem xét giảm nhẹ hình phạt?

- Đúng như vậy.

. Tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” có gì khác với tình tiết giảm nhẹ khác: “Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm” được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 46 BLHS?

- “Ngăn chặn tác hại của tội phạm” là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra.

“Làm giảm bớt tác hại của tội phạm” là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra lớn hơn.

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thái độ của người phạm tội (tự mình hay có sự tác động, bắt buộc của người khác…); thực tế tác hại của tội phạm đã được ngăn chặn, được làm giảm bớt…

. Ông có thể nói cụ thể hơn. Ví dụ như trường hợp của bị cáo Dương Chí Dũng làm thiệt hại 110 tỉ, mới bồi thường gần 5 tỉ, liệu có được giảm án?

- Nghị quyết nêu trên cũng đã nêu rõ: “Người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn”.

Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:

a. Đã bồi thường được ít nhất ½ giá trị tài sản bị chiếm đoạt;

b. Đã bồi thường được từ 1/3 đến dưới 1/12 giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).

. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hưng Hà (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Quy dinh giam hinh phat , Xet xu Duong Chi Dung , Xet xu phuc tham Duong Chi Dung , Dai an Vinalines , Duong Chi Dung , tham o , dai an tham o , tin , bao