Như tất cả vận động viên khác, nhất là khi còn ít tuổi, VĐV nào cũng chỉ biết đến thầy “ruột” của mình. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về đạo đức thầy trò cũng chỉ hướng cho học trò luôn phải nghe lời thầy.
Câu chuyện của tôi xảy ra vào giải vô địch toàn quốc 1994, đường đua cá nhân tính giờ năm đó chạy trên quốc lộ 91 từ Ô Môn vào thành phố Cần Thơ.
Trước ngày đua, chúng tôi được nghe huấn luyện viên (HLV) nhắc nhở, căn dặn hết sức kỹ lưỡng: phải tranh thủ núp gió mỗi khi xe qua. Nếu gió từ bên trái đường thổi qua thì cũng phải chạy sát sang bên trái để tranh thủ tránh gió từ những bụi cây, nhà cửa bên đường. Khi đua, trọng tài sẽ dẹp đường, vì vậy đừng lo gì cả!
"Kình ngư" Hoàng Quý Phước. Ảnh: Internet
Thậm chí HLV còn dặn hờ là ra đua, người ta (ý nói bất kỳ ai khác đội mình, nhiều khi là cả trọng tài), cũng sẽ tìm cách gây khó khăn, cản trở mình. Vì vậy tôi đinh ninh trong dạ: ai cũng là đối thủ. Đường mình, mình đi!
Quãng đường 25km cá nhân hôm đó thật sự rất mệt. Gió lớn, tôi thở hổn hển nằm bẹp trên xe tránh gió, đầu cắm xuống đất, mắt vẫn cố nhướn lên nhìn đường qua làn mồ hôi chảy vào mắt. Đúng như thầy nói, gió thổi từ bên kia đường qua, vậy là phải tranh thủ “núp gió”.
Cứ thế tôi chỉ biết đi sát lề trái, kệ xe cộ ngược chiều, nhiều khi tôi nghe tiếng trọng tài la mắng, bấm còi ầm ĩ phía sau, tuy muốn nghe lắm nhưng tôi vẫn phải tập trung vào thi đấu. Tôi tin chắc mình đã thực hiện đúng chiến thuật của HLV.
Chiều hôm đó, vô tình tôi được ngồi với thầy và đột nhiên từ đâu chú trọng tài ban sáng xuất hiện, chỉ vào mặt tôi và nói những điều - với một đứa trẻ 16 như tôi - nghe khá là nặng lời. Tôi tủi thân chực khóc, chỉ biết nhìn vào thầy của mình, hi vọng nghe thầy thanh minh.
Nhưng các bạn biết không? Thầy tôi cũng nhìn tôi, rồi cười hùa theo chú trọng tài nói: “Ừ, con này nó bướng lắm!”, và nhiều câu nữa mà theo cách tôi hiểu tôi là một đứa ngốc nghếch và không biết nghe lời. Tôi thật sự “sốc”!
Sau đó, và nhiều năm sau nữa, năm nào tôi cũng gặp mặt chú trọng tài và bị chú nhắc lại. Không những thế, nhiều người khác trong “làng” xe đạp qua câu chuyện đó cũng biết “tiếng tăm” của tôi.
Dẫu rằng cuộc đời VĐV còn gặp nhiều vấn đề mệt mỏi hơn thế, nhưng cho đến giờ với tôi, câu chuyện đó vẫn là một vết thương lòng.
Trở lại câu chuyện của Phước, tôi hiểu rằng bất cứ lời bình nào về bất kỳ ai, lãnh đạo hay HLV, hay cá nhân Phước trong lúc này cũng dễ dàng trở thành “chụp mũ”.
Điều quan trọng là đừng trầm trọng hóa vấn đề, Phước sẽ càng thấy thêm áp lực bởi theo tôi nghĩ, ai cũng sẽ lấy Phước làm “khiên”, trong khi bản thân Phước không mong muốn một kết quả nào không hay từ những lời nói của mình.