Thực hiện quy định này, một số trạm y tế ở quận Thanh Xuân, huyện Mê Linh, Chương Mỹ đang phải hoãn tiêm chủng Quinvaxem, bởi giấy chứng nhận của nhiều nhân viên đã quá hạn.
Nhân viên y tế từ chối tiêm
Chị Lê Thị Hà (25 tuổi, phường Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân) đưa con 3 tháng tuổi đến trạm y tế phường để tiêm mũi viêm gan B thứ 2 theo lịch tiêm định kỳ.
Nhưng cán bộ y tế ở đây khất chị dịp khác với lý do hầu hết các cán bộ ở đây không đáp ứng được quy định 3029 mới của Bộ Y tế về quy trình tiêm chủng an toàn. Nếu cứ tiêm thì sẽ vi phạm, bởi “cán bộ tiêm chủng phải được tập huấn và cấp giấy chứng nhận trong vòng 3 năm, kể cả ở các bệnh viện T.Ư, mới được tiêm chủng cho trẻ.
Trên thực tế, giấy chứng nhận các cán bộ trạm y tế phường Thanh Xuân Bắc đều quá hạn... ít nhất 2 năm, thậm chí là 5 năm. Hiện chỉ 1 cán bộ y tế có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo quy định vì... mới được tuyển dụng và cũng mới được tập huấn. Như vậy, không chỉ Quinvaxem - loại vaccine mới được tiêm trở lại, mà các vaccine khác cũng tạm thời ách tắc không tiêm tại đây.
Theo ghi nhận của PV, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều trạm y tế ở huyện Mê Linh và huyện Chương Mỹ... Đã có hàng trăm cháu bé đi tiêm chủng theo lịch, nhưng phải quay về vì lý do trên.
Bộ Y tế đã yêu cầu phải tiêm hết cho các cháu cần tiêm Quinvaxem còn tồn đọng.
Nhiệm vụ bất khả thi
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, TP có khoảng 5.000 cán bộ y tế tham gia tiêm chủng an toàn đã có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giấy chứng nhận của rất nhiều cán bộ y tế đã quá 3 năm trở lên, kể cả của các trạm trưởng trạm y tế xã, phường. Lý do: Các văn bản trước đây của Bộ Y tế không quy định thời hạn sử dụng loại giấy này.
Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vẫn chưa thống kê chính xác số lượng cán bộ y tế cần được tập huấn và cấp lại giấy chứng nhận, trong đó tập trung nhiều ở 3 quận/ huyện là Thanh Xuân, Mê Linh và Chương Mỹ.
Mỗi buổi tập huấn về công tác an toàn tiêm chủng chỉ diễn ra trong 1 ngày. Nhưng theo ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 9 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội mới chỉ mở được 1 buổi tập huấn như vậy.
Ngày 18/11, trung tâm đã thông báo tới toàn thể nhân viên y tế có giấy chứng nhận quá hạn sử dụng 3 năm sẽ được tập huấn lại trong vòng 2,5 ngày, bắt đầu từ chiều 20/11. Tuy nhiên, vào phút cuối, lại có một thông báo “hoãn” cuộc tập huấn nói trên và chưa có lịch cụ thể cho lần tới.
Bộ Y tế đã yêu cầu đến hết tháng 11/2013, các tỉnh/thành phố phải tiêm hết cho các cháu cần tiêm Quinvaxem còn tồn đọng do 5 tháng tạm dừng vaccine này. Với thời hạn chỉ còn 10 ngày, liệu 3 quận/huyện nói trên có hoàn thành được cả việc tập huấn và cấp lại giấy chứng nhận tiêm chủng an toàn cho cán bộ y tế và tổ chức tiêm chủng đúng lịch cho các cháu?
Trao đổi với PV, GS-TS Nguyễn Trần Hiển - Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho rằng: Hà Nội cần tổ chức tập huấn ngay lại cho cán bộ y tế tiêm chủng có giấy chứng nhận an toàn. Nếu gặp khó khăn, Sở Y tế cần báo cáo trực tiếp UBND TP để chỉ đạo và hỗ trợ nhằm đảm bảo đến hết tháng 11/2013, 100% các điểm tiêm chủng đều có thể tiêm vaccine các loại, trong đó có vaccine Quinvaxem.
Bình Định: Quinvaxem trở lại, 2 trẻ nhập viện Hôm qua (20/11), ngày đầu tiên tiêm trở lại vaccine Quinvaxem, Bình Định đã có 6 trường hợp phản ứng sau tiêm. 2 trong số đó phải nhập viện theo dõi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Bình Định là Nguyễn Trần Nhật Nguyên (8 tháng tuổi ở phường Bùi Thị Xuân) và Phan Gia Huy (9 tháng tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn). Các cháu được ghi nhận triệu chứng sốt, phản ứng do tiêm chủng. Cả hai đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi ở Khoa Nhi sau khi hạ sốt, sức khỏe ổn định. Trong ngày 20/11, TP.Quy Nhơn có 843/953 trẻ đến khám phân loại được tiêm chủng. Đây là địa phương đầu tiên của Bình Định triển khai tiêm trở lại vaccine Quinvaxem. |