Sáng ngày 7.8.2015, UBND Huyện Sóc Sơn có cuộc gặp gỡ với báo chí, thông báo chính thức “V/v chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non đang hợp đồng tại các trường mầm non công lập huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội”. Trong cuộc gặp gỡ này, phóng viên liên tiếp đặt ra các câu hỏi với Đại diện UBND huyện Sóc Sơn là ông Lê Hữu Mạnh (Phó Chủ tịch) và ông Hồ Việt Hùng (trưởng Phòng Nội vụ). Dưới đây, báo Trí Thức Trẻ xin trích lại một số câu hỏi và trả lời phỏng vấn được chúng tôi cho là trọng điểm.
PV: Thưa ông, vì sao có nhiều giáo viên không thi viên chức hoặc có thi nhưng bị trượt, huyện Sóc Sơn vẫn ký hợp đồng lao động?
Ông Lê Hữu Mạnh: Thi tuyển viên chức thành phố giao, các huyện căn cứ vào đó để cân đối. Thi tuyển xong, chúng tôi vẫn còn Quỹ tiền lương để trả lương, nên số hợp đồng đã được ký (185 giáo viên) vẫn được tiếp tục công việc.
Nhưng các bạn phải biết thế này, kỳ thi tuyển rơi vào Tháng 8 & 9, khi công bố kết quả xong ra quyết định tuyển dụng rơi vào tháng 9 &10. Thời gian này giũ ra (cắt hợp đồng –pv) rất phức tạp, không đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
Ông Lê Hữu Mạnh trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Tiếp nữa, nếu tôi cắt giáo viên, khi này họ mới đi dạy được 1, 2 tháng sẽ ảnh hưởng cuộc sống các cô, nên chúng tôi vẫn ký hợp đồng vì chúng tôi ảnh hưởng được chỉ tiêu của cả khối giáo dục rất lớn. Chúng tôi có thể cân bằng giữa giáo dục và mầm non và gia hạn cho các trường cuối năm 2014 là được ký thêm 6 tháng nữa, vì chúng tôi còn đủ đảm bảo quỹ lương 6 tháng nữa.
PV: Tại sao phía huyện không kéo dài hợp đồng lao động với các giáo viên này thêm 02 tháng, bởi họ đã có 34 tháng công tác. Khi tròn 36 tháng công tác, những giáo viên này sẽ được đặc cách theo Luật viên chức?
Ông Lê Hữu Mạnh: Sẽ không có xét đặc cách từ năm 2014 trở đi, nên có kéo dài đến 36 tháng cũng sẽ không có đặc cách, vì thành phố đã ra quyết định như vậy rồi. Năm 2014, trong cuộc họp với các giáo viên toàn huyện, tôi cũng đã tuyên bố đây là kỳ thi cuối cùng thành phố xét đặc cách.
PV: Lý do gì khiến UBND huyện Sóc Sơn quyết định dừng lao động của 185 giáo viên?
Ông Lê Hữu Mạnh: Số giáo viên này chúng tôi phải cắt hợp đồng vì hiện tại chỉ tiêu biên chế, ngân sách của huyện không thể cân đối việc này nữa. Năm nay, chúng tôi thi tuyển viên chức cả mầm mon, tiểu học, trung học cơ sở, để đảm bảo số lượng biên chế mà thành phố giao và số lượng biên chế hiện có để đảm bảo làm sao chúng tôi quản lý được, không vượt quỹ lương.
Năm tới, số giáo viên này có thể thi tuyển, 184 cô (Sự thực là 185 cô, nhưng một cô đã bỏ - theo lời ông Mạnh) thì thi không phải cô nào cũng đỗ mà số này may mắn khoảng vài chục cô thôi, khoảng 40%.
Năm nay, thi còn khó hơn, có khi chỉ được 30% vì các bạn biết rồi chế độ xét điểm còn khó hơn, kết quả học tập ở trường và nhiều tiêu chí khác sẽ rất ít người đỗ, nên phải thêm các tiêu chuẩn khác để đủ điểm đỗ, điều này là khách quan.
PV: Giải pháp của huyện Sóc Sơn đối với 185 giáo viên bị cắt hợp đồng này như thế nào?
Ông Lê Hữu Mạnh: Chúng tôi sẽ không ký hợp đồng với 184 giáo viên, trừ trường hợp các giáo viên đang mang thai, nuôi con nhỏ thì vẫn giữ hợp đồng. Còn các giáo viên trên đều tham gia viên chức, nếu trúng tuyển thì mới được ký hợp đồng.
Cạnh đó, huyện cũng đã họp và thống nhất phương án trước mắt hiện tại chúng tôi còn chỉ tiêu khoảng 100 cô nuôi, thì nếu số giáo viên này có đủ điều kiện chứng chỉ theo quy định và có nhu cầu, yêu cầu hẳn hoi làm cô nuôi. Các đồng chí có lương 1.68, chỉ thiệt thòi hơn giáo viên là không có phụ cấp đứng lớp, còn những năm tiếp theo thì chỉ có một con đường là thi tuyển.