Vùng biên giới Tây Nguyên sôi động hẳn lên so với ngày thường nhờ có sự "góp sức" của sòng bạc bên kia huyện Ozadao, tỉnh Ratanakiri (Campuchia).
Casino ở Ozadao gần biên giới Đức Cơ |
Cùng với bài bạc, tình trạng săn lùng gỗ quý, hàng gỗ “độc”... bên kia biên giới cũng không kém phần hấp dẫn...
Đi tìm hàng “độc”
Mang tiếng ở Tây Nguyên gần 20 năm, xứ sở của gỗ quý nổi tiếng khắp thế giới nhưng trong nhà lại không có một thứ hàng gỗ gì có giá. Anh bạn “chỉ trích” tôi nhiều lần và rủ: Muốn tìm hàng “độc” phải đi “săn” với các thương gia sành điệu hàng ở biên giới. Biết không đủ tiền để chơi những thứ hàng gỗ “độc” nhưng tôi cũng quyết theo chân các “đại ca” để tham thú một vòng biên giới.
Sáng sớm Tây Nguyên mùa này mang hơi lạnh nhè nhẹ, nhưng chưa trưa thì nắng vùng biên giới lại cứ như thiêu đốt. Cách đây chục năm, gỗ quý ở vùng biên giới Đức Cơ, Gia Lai nhiều như củi. Gỗ rừng tự nhiên, gỗ nhập bên kia Campuchia toàn những loại thượng hạng như trắc, cẩm lai... giá rẻ như bèo. Còn bây giờ tìm hàng trắc, cẩm lai khó như tìm kim đáy biển. Đi khắp vùng biên, anh bạn chỉ điểm vài bộ đồ gỗ cẩm hoặc hương không mấy bắt mắt nhưng giá “trên trời”. Còn gỗ trắc thì tuyệt đối không có ai bán ở đây.
Luồn theo một thợ gỗ săn lùng hàng “độc” tuyến Gia Lai (Việt Nam) - Ban Lung (Campuchia), qua cửa khẩu Lệ Thanh, băng rừng cao su bạt ngàn giữa thị trấn Ozadao về thành phố Ban Lung để tìm hàng quý. Qua những con đường lòng vòng khó tả, nhìn bên ngoài căn nhà cấp bốn đơn giản nhưng khi được lọt vào trong toàn hàng gỗ “độc”. Những tấm hương mặt to 1,5m, dài hàng chục mét, mặt nu, vân đẹp đến tuyệt vời. Một thông dịch chuyên “săn” gỗ ở đây giới thiệu từ lời ông chủ hàng giá từ 3 đến 5 ngàn USD, tùy tấm. Chủ hàng chịu vận chuyển gỗ từ Ban Lung về đến biên giới Việt Nam.
Đi tham quan những cửa hàng gỗ ở xung quanh thành phố Ban Lung và huyện Ozadao nhiều người còn phải ngỡ ngàng trước hàng loạt đồ gỗ đẹp như cẩm, trắc, hương. Nhiều mặt bàn, ghế, phản rộng đến 1,8m như cắt ngang từ thân cây hương cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Gỗ đẹp, nhưng thứ gì cũng đắt và được tính bằng USD mà những người dân bình thường ở Việt Nam thì khó đủ sức để mua. Ông chủ người Campuchia giải thích, để chuyển được hàng về Việt Nam phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, nhiều khi gặp “ông lớn” là mất tiền, còn mất hàng “trắng tay”. Vì thế, giá bán ở Ban Lung khác, khi chuyển về biên giới Việt Nam phải tính tiền chi phí lên tới 1/3 giá trị sản phẩm...
Hàng gỗ "độc" ở Ban Lung.
Ném tiền ở casino gần biên giới
Chúng tôi theo chân các con bạc được một tài xế chuyên đưa đón “đội quân” ăn chơi ở khu vực biên giới Đức Cơ, Gia Lai (Việt Nam) với huyện Ozadao, tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Trên đường vượt biên giới vào sòng bạc, những người lạ đều thót tim, nhưng đối với các con bạc nhẵn mặt ở casino bên kia biên giới thì xem như chuyện đi chợ.
Theo cơ chế mở đã ký kết, chuyện đi lại giữa các nước trong khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia dễ dàng như cơm bữa. Buổi sáng xe từ Pleiku đưa đón đến casino Ozadao chừng vài giờ đồng hồ. Khi vào hoặc ra khỏi điểm bài bạc tuy được kiểm soát khá chặt của đám bảo kê, canh chủ ở đây nhưng khi đã ra vào một vài lần quen mặt thì xem như chuyện bình thường. Sòng bạc có đủ thứ hạng người, nhiều đối tượng từ Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang... vào dưới nhiều hình thức bài bạc, ma túy, bảo kê...
Thực tế, casino gần biên giới bên phía nước bạn là những khu nhà xưởng thấp lè tè, mái lợp tôn cũ kỹ chứa những sòng bài bạc tạm thời, phục vụ phần lớn những nhóm người Việt Nam sang ăn chơi. Còn khu nhà cao tầng casino thì chưa hoàn thiện để đi vào hoạt động. Sòng bạc gồm các trò chơi như: long hổ, bài cào, tài xỉu, xóc đĩa. Hai món tài xỉu và xóc đĩa chiếm hầu hết người chơi, còn long hổ, bài cào thì ít hơn. Có lúc còn tổ chức đá gà nhưng thưa người độ nên thôi. Mùa ăn chơi cao điểm có lúc ở khu bài bạc lên tới gần ngàn người, ít thì vài chục đến vài trăm người tham gia đánh bạc, chủ yếu khách Việt Nam. Mỗi triệu đồng tiền thắng được nhà cái lấy 50.000 đồng tiền xâu. Nhưng phần lớn những con bạc đến đây đều cay cú vì bị lột sạch tiền…
Có anh bạn kể về đại gia chuyên kiếm tiền bằng việc mua bán gỗ lậu nhưng sau mỗi chuyến đánh bạc lại đi đứt bạc tỷ nên về mất ăn mất ngủ, nhưng sau khi kiếm lại được tiền thì tiếp tục lao vào chốn ăn chơi thỏa thích. Nhiều con bạc “khát nước” vay tiền nhà cái để “gỡ” nhưng càng say thì lại càng thua. Đội quân “bảo kê”, vận chuyển đưa đón con bạc nắm khá chắc lai lịch tài chính của các con bạc nên khi nhà cái cần cho “lệnh” đi đòi tiền, xiết nợ thì rất nhanh.
Ngoài ra “đội quân” lưu động cầm đồ, cho vay tiền lấy lãi cũng sẵn sàng phục vụ các con bạc khi có yêu cầu. Cứ vay “nóng” trong ngày 1 triệu đồng, con bạc phải trả 50.000 đồng tiền lãi... Cuộc chơi ở đây phần lớn là thỏa mãn máu đỏ đen của những con bạc nhưng đã phải trả giá đắt, làm cho gia đình tan nát. Có người bệnh tiểu đường, suy tim, thận... nhưng vì máu đỏ đen mà vẫn bán hết gia sản để cờ bạc rồi nhận cảnh bi thương.
Biên giới Đức Cơ mùa này cúc quỳ đã vàng rực. Một chuyến tham du vùng biên đã mang đậm cái nắng của rừng biên giới với bao câu chuyện vui buồn đi vào ký ức khó quên.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?