“Nếu tiếp tục thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp ở Đà Nẵng, Vicoland sẽ lỗ và cũng không có vốn để triển khai. Vì vậy, Vicoland đành phải viết đơn xin dừng cuộc chơi”.
|
Nhà giá rẻ cho Vicoland đầu tư xây dựng.
Ông Bùi Đức Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tài chính và Bất động sản Vicoland cho biết như vậy.
Xin tự rút lui!
Gần 1 tháng qua, thông tin Vicoland không tiếp tục thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp tại Đà Nẵng đã được nhiều báo chí đăng tải.
Theo đó, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng ngày 3-1 cho hay, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã chính thức yêu cầu các cơ quan hữu quan không giao thêm cho Công ty cổ phần đầu tư Tài chính và Bất động sản Vicoland đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn do năng lực tài chính của đơn vị này không đảm bảo.
Đối với các dự án mà Vicoland đã triển khai, UBND TP Đà Nẵng đồng ý mua lại 100 căn hộ chung cư tại khối nhà A2, A3 thuộc khu chung cư thu nhập thấp 7 tầng cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông với giá 5 triệu đồng/m2 để bố trí cho cán bộ, công chức của thành phố. Đồng thời cho phép Vicoland tiếp tục được bán 178 căn hộ còn lại theo danh sách đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Ông Bùi Đức Long, Tổng Giám đốc Vicoland cho biết, việc Vicoland không thực hiện các dự án nhà ở xã hội ở Đà Nẵng là do đơn vị này chủ động viết đơn cho UBND tỉnh Đà Nẵng, xin rút lui khỏi giai đoạn 2 của các dự án.
“Tôi có nghe thông tin này trên báo, nhưng là do chúng tôi đề nghị không thực hiện, chứ không phải tỉnh không cho làm. Đến nay, UBND tỉnh Đà Nẵng cũng chưa có văn bản nào về vấn đề này”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, lý do Vicoland không thể tiếp tục thực hiện các dự án là do không tiếp cận được với chính sách ưu đãi cho vay vốn của ngân hàng.
Trước đây, các dự án nhà thu nhập thấp là giao cho Ngân hàng Phát triển (VDB) cho vay. Sau đó, khi triển khai đồng loạt các dự án, thì ngân hàng này chỉ cho vay 5 dự án và cũng chưa có cơ chế chính sách, cũng như chưa có nguồn tiền.
Bên cạnh đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có chủ trương nào cụ thể đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nên rất nhiều các chủ đầu tư nhà thu nhập thấp không làm nữa.
“Ngân hàng không cho vay vốn thì chúng tôi cũng đành phải rút khỏi dự án”, ông Long nhấn mạnh.
Trước đây, Đà Nẵng giao cho Vicoland khoảng 7 ha đất làm nhà thu nhập thấp, hiện Vicoland mới triển khai 2,4 ha và trả lại Đà Nẵng hơn 4 ha đất.
“Không làm nữa thì chúng tôi phải làm đơn xin rút để hợp thức hóa, chứ không nên không triển khai mà chiếm dụng đất thì rất vô lý”, ông Long bày tỏ.
1001 lý do không được vay vốn
Việc Vicoland rút khỏi các dự án nhà thu nhập thấp tại Đà Nẵng không phải là câu chuyện mới. Cách đây khoảng 1 năm, đơn vị này cùng một số doanh nghiệp làm nhà ở xã hội khác cũng đã từng kêu khó và lên tiếng về việc trả lại các dự án nếu không vay được vốn.
Cũng tại thời điểm đó, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển (VDB) hiện trong tổng số 44 dự án nhà ở giá rẻ trên cả nước với tổng mức đầu tư 6.600 tỉ đồng, chưa có bất kỳ dự án nào vay được vốn từ VDB theo chính sách ưu đãi của chương trình.
Do không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, rất nhiều chủ đầu tư dự án đã tự đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó có vay tại các ngân hàng thương mại với lãi suất cao.
Đó là lý do, nhiều dự án đang rơi vào khả năng thua lỗ, phá sản và chương trình xây dựng nhà ở giá rẻ của Chính phủ có nguy cơ dừng lại dù mới đang trong giai đoạn thí điểm đợt 1.
Tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai cho vay đối với dự án nhà ở cho người thu nhập thấp diễn ra vào tháng 11-2010 tại Hà Nội, rất nhiều các doanh nghiệp đã nêu lên hàng loạt các lý do mà ngân hàng đưa ra để từ chối việc cho vay.
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB, vướng mắc lớn nhất là chủ đầu tư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên không thể dùng làm tài sản thế chấp để cho vay, không đăng ký được giao dịch đảm bảo.
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Sơn An, chủ đầu tư 408 căn hộ tại Đồng Nai (336 tỉ đồng) lập tức phản biện, dự án Sơn An của công ty có sổ đỏ, được Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai cho đăng ký giao dịch đảm bảo, muốn vay 100 tỉ đồng, nhưng VDB họp đi họp lại và không cho vay. Vì quá bế tắc, công ty phải đi vay của ngân hàng thương mại với lãi suất cao.
Còn theo ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Công ty Vincon (đã đổi tên thành Vicoland), VDB không cho vay vốn với lý do dự án không khả thi nhưng không giải thích rõ với doanh nghiệp vì sao không khả thi, mà đưa ra nguyên nhân vốn chủ sở hữu của Vincon không đủ để triển khai dự án.
Các vướng mắc này đã được đưa ra “mổ xẻ” từ cách đây hơn 1 năm, tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn không thể vay vốn để thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp.
“Làm nhà thu nhập thấp là tâm huyết của tôi cũng như là hướng đi chiến lược mà Vicoland đã chọn. Tuy nhiên, với cơ chế chính sách như hiện nay, thì khó có doanh nghiệp nào có thể theo đuổi lĩnh vực này được”, ông Long nhấn mạnh.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?