Đi xe máy qua vạch sơn, đèn chuyển vàng và đỏ có bị cảnh sát xử phạt không?
Thứ tư, 08/01/2025 11:34

Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1/2025.

Tại Nghị định 168, nhiều hành vi vi phạm sẽ có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao, trong đó có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (xe máy bị phạt 4-6 triệu đồng, ô tô bị phạt 18-20 triệu đồng).

Trong trường hợp người điều khiển xe máy khi đi qua vạch sơn tại ngã tư (đi đúng đèn tín hiệu đang còn xanh), nhưng tới ngã tư thì bị tắc đường, lúc này đèn đã chuyển sang vàng rồi đỏ, thì người điều khiển xe máy sẽ không vi phạm và không bị xử phạt.

vượt đèn vàng vi phạm giao thông 1

"Vượt đèn vàng" trong một số tình huống cũng bị tính là hành vi vi phạm luật giao thông. (Ảnh minh họa).

Bởi khi đèn tín hiệu bật xanh, người điều khiển xe máy đã chấp hành đúng luật và di chuyển vào ngã tư, nút giao. Kể cả khi đó có xảy ra tắc đường, đèn giao thông chuyển vàng hoặc đỏ thì họ cũng sẽ không vi phạm.

Nếu người điều khiển xe máy vượt đèn vàng thì theo Nghị định 168, hành vi này đã vi phạm về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, theo đó, tài xế xe máy sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Liên quan đến tín hiệu đèn, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Tín hiệu đèn giao thông gồm có ba màu. Trong đó, tín hiệu màu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi và tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường (khoản 3 Điều 10).

vượt đèn vàng vi phạm giao thông 0

(Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT Ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT cũng giải thích ý nghĩa của đèn tín hiệu. Cụ thể như sau:

- Tín hiệu xanh: cho phép đi.

- Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

- Tín hiệu đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Như vậy, căn cứ theo quy định, CSGT hoàn toàn có thể dừng xe và xử phạt người điều khiển phương tiện cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “vạch dừng xe” về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Nếu phương tiện vượt đèn vàng thì sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Thậm chí khi đèn chuyển xanh, các phương tiện không di chuyển cũng sẽ bị xử phạt với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Theo Thương Hiệu và Pháp Luật

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: đi qua vạch sơn đèn chuyển vàng , vi phạm luật giao thông