Đi vào thế giới người điên (Kỳ 1): Bi hài ở nhà thương điên

Bệnh viện tâm thần hay còn gọi là nhà thương điên thường gợi lên trong nhiều người về một thế giới u tịch, có phần ghê rợn.

Lo sợ, xa lánh, những quan niệm lệch lạc về người bệnh tâm thần khiến khoảng cách giữa họ với xã hội ngày một xa hơn. Phóng viên vào vai một bệnh nhân tâm thần, sống chung với người bệnh để cố gắng mang lại cho bạn đọc một trải nghiệm khác bên trong thế giới ấy.

Nằm ở Tỉnh lộ 10, Q.Bình Chánh, cơ sở Lê Minh Xuân thuộc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM rộng gần 3ha là nơi tập trung đông nhất bệnh nhân tâm thần từ khắp nơi trong thành phố và ngoài tỉnh. Bên trong cánh cửa bệnh viện, hàng trăm con người đang cố vượt qua nỗi đau từ căn bệnh tâm thần quái ác. 

Nhập viện…

Sau khi thăm thú một vòng bệnh viện Lê Minh Xuân, ban giám đốc đồng ý cấp cho tôi một bộ đồng phục bệnh nhân mới toanh và bắt đầu vào vai một bệnh nhân. Tôi đi dọc những hành lang rộng của các khu điều trị trong bệnh viện. Những viên đá lát dưới chân mát rượi. Dọc các bức tường là nhằng nhịt tranh vẽ, câu chữ nguệch ngoạc. Những bài thơ có tựa đề “vì sao tôi điên” hoặc những công thức toán học như ma trận. Có người còn vẽ và tính toán cách đi từ trái đất đến mặt trăng bằng...ô tô. Cảm giác đầu tiên khi vào thế giới người điên là sự lạ lẫm, pha chút hiếu kỳ.

Những ánh mắt đầu tiên nhìn chằm chằm khiến tôi hơi lo sợ. Thi thoảng, từ trong một góc nào đó lại vang lên tiếng người nói hoặc hát một mình. Những ánh mắt vô hồn, giọng nói khàn đục càng làm sự hoang mang tăng lên gấp bội. Phải mất một thời gian dài tôi mới định thần và làm quen dần với không gian đó. “Anh Hai mới xuống hả? Trời! Xuống mà không cho em hay để em cho xe đón”- một bệnh nhân nam ngoài 40 tuổi chạy đến chụp lấy vai tôi lởi xởi- “Vào đây nhớ thận trọng, đừng để lộ mình là điệp viên nghe”. Anh tự giới thiệu tên anh là Thiệu, nhà ở Q.Tân Bình, vào đây đã được vài năm. Trước anh là sinh viên của trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã có vợ và một con gái. Anh khoe hiện đang nắm giữ phần lớn cổ phần của một công ty sữa quốc tế và được cử vào đây để làm một “điệp vụ” bí mật mà anh không thể chia sẻ với ai. Tôi chẳng biết nói gì, cứng người như bị thôi miên giữa những câu chuyện khi tỉnh khi mơ của người đàn ông hoạt bát, có giọng nói ấm trầm dễ mến. Sau này, các y tá bệnh viện cho tôi biết anh thật sự đã từng là sinh viên trường kinh tế.

Vài bệnh nhân khác bắt đầu xúm lại chỗ tôi và anh Thiệu “điệp viên” đang ngồi. Người hỏi thăm gia cảnh, người thì kể chuyện góp vui. Những câu chuyện không đầu không kết, hư hư thực thực. An, bệnh nhân trẻ nhất trong nhóm có gương mặt khôi ngô, đôi mắt trong veo hồn nhiên tay chống cằm chăm chú lắng từng câu chuyện. Nghe tôi hỏi vì sao phải vào đây, An ủ rủ: “Cháu nghiện game chú ạ”. An kể: Hồi đó cậu học giỏi, gia đình cho nhiều tiền nên cứ vùi đầu vào game nên học hành sa sút. Bị gia đình la mắng, thất vọng với bản thân cùng với chứng nghiện games nặng khiến đầu óc cậu không còn tỉnh táo, lâm bệnh lúc nào chẳng hay. “Vào đây rồi con thấy hối hận lắm, con nhớ cha mẹ và các bạn ở trường quá chú ơi”! An nói rồi gục mặt xuống khóc nức nở. Các bệnh nhân khác xúm lại chỗ cậu bé vỗ về như những người thân thiết.

 

Bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân

Thấy tôi trong bộ đồng phục mới cáu kỉnh, anh Huy, bệnh nhân ở khu T2 an ủi: “Mới vào hả. Bệnh có nặng không? Thôi gắng chữa cho hết bệnh rồi các cô thầy cho về sớm nhé”. Nói rồi anh dẫn tôi đi chào hỏi và giới thiệu với các y, bác sĩ trong bệnh viện mà anh gọi bằng cô, thầy. Anh nhớ mặt nhớ tên và chào hỏi từng người rất lễ phép. Anh kể: Năm nay anh 41 tuổi, vợ anh làm công nhân ở ngoài nuôi con gái của hai người đang học cấp hai. Gia đình vừa đón anh về ăn tết rồi đưa trở vào nên anh phải đi chào hỏi từng người cho phải phép. Tôi hỏi: “Vậy chừng nào anh về hẳn”? “Sớm thôi chú ơi, ở đây với mấy ông khùng riết mệt lắm!”-Anh nói tỉnh queo rồi gãi đầu cười khề. Rồi như chợt tỉnh lại sau một phút mê sảng, anh nói buồn buồn: “Mình quyết cố gắng trị hết bệnh về nhà sớm để lo cho vợ con”.

Nỗi đau không hồi kết

Chị Lệ, bệnh nhân ở khu điều trị dành cho nữ là một người trung niên trắng trẻo, phốp pháp và rất linh hoạt. Nếu không khoác lên mình bộ đồng phục xanh dành cho bệnh nhân thì không ai tin chị bị tâm thần. Chị cười rất tươi nhưng thỉnh thoảng lại ngắt quãng, đôi mắt buồn rười rượi. Cuộc đời chị là một nỗi đau vô cùng tận khiến không ít người ở bệnh viện này rơi nước mắt. Cả 4 chị em của chị đều mang bệnh tâm thần và trước đây ở cùng nhau trong bệnh viện. Mẹ mất sớm, cha chị ngày đêm đạp xe đi bán bò bía mấy chục năm thăm nuôi 4 chị em. Vài năm trước, ông lâm bệnh qua đời. Bốn chị em được bà con thương tình đem về nhà nuôi dưỡng. Được khoảng một năm thì người chị đầu chết, người thứ hai bỏ đi thất lạc. Chị Lệ được đưa vào lại bệnh viện còn người em út thì được đưa lên nhà thương điên ở Đà Lạt.

Câu chuyện của chị Lệ khiến tôi rưng rức. Chị cũng như nhiều người khác, đã mang trong mình căn bệnh này thì như vào mê cung không lối thoát. Ranh giới của điên loạn và người bình thường đôi lúc cũng quá mong manh. Trong trang phục của bệnh nhân, tôi lang thang khắp bệnh viện. Vừa ra đến cổng, bảo vệ tên Võ Văn Hùng quắc mắt: Đi đâu đó? Rồi ông cười sặc sụa khi tôi nói mình là nhà báo rồi dặn sắp đến giờ ăn cơm, uống thuốc mau trở về phòng. Bảo vệ càng ngạc nhiên hơn khi tôi lôi chiếc máy hình ra từ trong túi, ông không những không tin mà càng thêm nghi ngờ. Tôi buộc phải trở lại phòng lấy thẻ nhà báo cùng giấy giới thiệu, ông mới tin. “Ở đây riết rồi chẳng phân biệt được ai điên ai bình thường. Nghe người bệnh nói chuyện nhiều cũng rối, có lúc muốn điên theo”-ông Hùng tâm sự. Bệnh nhân rất quý ông, hay ra chỗ ông chơi. Lúc thì người này xưng giám đốc, lúc người kia xưng công an, nhà báo cũng không ngoại lệ. Ai cũng lan man trong những cơn ảo giác.

Gắn bó với nghề bảo vệ ở bệnh viện tâm thần 30 năm nay, anh Hùng chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh dở khóc dở cười. Nhiều trong đó là những trường hợp đau lòng, bất hạnh khiến người bình thường không ai cầm được nước mắt. Anh cho biết: Bệnh nhân đủ loại thành phần, nghèo khổ có, giàu có cũng có, thất học có mà học cao cũng nhiều. Trong thành phần bệnh nhân, có người từng là dược sĩ, công an, giám đốc doanh nghiệp thành đạt, thậm chí có cả kỹ sư máy tính tu nghiệp từ Mỹ về cũng không thoát khỏi căn bệnh quái ác. Có người đang khỏe mạnh bỗng dưng bị người say rượu đi xe đụng phải, chấn thương thần kinh. Có người làm công bị ông chủ nợ tiền, đòi mãi không được rồi bỗng phát điên. Anh kể: Có bà mẹ già gần 70 tuổi ở Q.Gò Vấp hơn 10 năm ròng bán vé số nuôi hai người con trai. Hai năm trước các con bà lần lượt qua đời. Anh theo chuyến xe chở người xấu số đến nhà an táng mà chẳng biết buồn hay vui cho bà cụ. Trong nỗi đau mất con, nhiều người vẫn mừng cho bà được sống nốt quảng đời còn lại bớt cơ cực, đau đớn.

Bác sĩ Đặng Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho tôi biết một con số cụ thể: Cơ sở Lê Minh Xuân đang điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân, trong đó 100 người là nữ. 70% bệnh nhân trong bệnh viện bị tâm thần phân liệt. Có đến 10% khác bị bệnh do nghiện rượu, còn lại là vì các lý do khác như di truyền, tai nạn... Cũng có trường hợp (dù không nhiều) con nghiện gia đình giàu có sẵn tiền cho con cái dùng ma túy trong thời gian quá dài, đến khi đổ bệnh thì không còn cứu vãn được. “Tâm thần là căn bệnh khó truy được nguyên căn nên khó có thể điều trị thành công”-bác sĩ Bình nói. Có người được điều trị lành bệnh về nhà có vợ con, cuộc sống ổn định nhưng vài chục năm sau lại tái phát nhập viện. Cũng có nhiều bệnh nhân gần như gắn bó cả cuộc đời bên trong bệnh viện, không thể nào chữa khỏi. “Cứ mỗi bệnh nhân vào đây là một câu chuyện xé lòng. Chỉ những người gắn bó với nơi này mới thấm thía được những nỗi đau của người bệnh và gia đình, có khi là những nỗi đau kéo dài qua hai ba thế hệ”-ông phó giám đốc trải lòng. Đáng buồn là vẫn có quá ít người hiểu và đồng cảm với bệnh nhân tâm thần. Bên ngoài cánh cửa bệnh viện, xã hội vẫn nhìn vào cái không gian ấy bằng sự lệch lạc, vô cảm và nhiều khi còn xa lánh.

Kỳ 2: Thân phận người điên