Ấp nào trong xã cũng có hàng chục người bị mắc căn bệnh thế kỉ. PV đã đến xã Vĩnh Trạch Đông dể tìm hiểu căn nguyên gây ra “dịch” bệnh chết người này.
Nhiễm HIV vì nghèo
16 năm trước, vợ chồng anh Thạch Khởi (nhân vật đã được đổi tên), ngụ ấp Biển Đông A, vui mừng khi nghe tiếng khóc chào đời của thằng Út - thằng con trai sẽ nối dõi tông đường. Vợ chồng anh đặt cho nó cái tên Thạch Minh Tới.
Vợ chồng anh vốn nghèo, bấy lâu chỉ biết đãi nghêu trên bãi biển kiếm sống. Tối về, căn nhà nhỏ gần chân đê là chốn nương thân. Nhưng việc đãi nghêu ngày trúng, ngày thất, nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Từ ngày thằng Tới ra đời anh chị có vẻ ăn nên làm ra. Nghêu bắt được đều đều, trừ tiền cơm gạo cũng có chút lận lưng. Sau vài năm, hai vợ chồng gom góp, thay mái lá mục nát bằng mấy tấm tôn xi măng, lót được cái nền gạch bông, gần như oách nhất xóm.
Ác nghiệt thay, lúc thằng Tới vừa tròn 8 tuổi, nó đi học về cứ than bị đau đầu, rồi tiêu chảy, sốt. Bao nhiêu tiền dành dụm thang thuốc mãi mà chẳng khỏi. Mất đứt gần 50 triệu, anh chị mới biết rằnh Tới bị… AIDS, anh chị choáng váng không hiểu nổi tại sao thằng con trai mới 8 tuổi đầu mà đã dính AIDS. Điều kì lạ là anh chị Thạch Khởi và đứa con gái lớn hoàn toàn khỏe mạnh. Vậy lí do nào khiến thằng bé mới 8 tuổi - chưa biết ăn chơi đàn đúm và chưa đi truyền máu bao giờ lại mắc bệnh?
Đến lúc này, anh Khởi ngậm ngùi nhớ lại, khi sinh thằng Tới được 1 tháng vợ anh phải bấm bụng gửi con để… đi biển. Mẹ đi biển với cha mang theo cả 2 bầu sữa. Thế nên anh Khởi mới nhờ đứa em dâu cũng vừa mới sinh cho thằng Tới bú nhờ.
Đến khi Tới phát bệnh, thì đứa bé con của em dâu bú chung bầu sữa với thằng Tới bỗng dưng lăn ra chết. Bất ngờ, anh chị Khởi hỏi chuyện đứa em dâu, thì mới hay đứa em mình đã mắc AIDS và đứa bé ấy chết vì căn bệnh mà mẹ nó truyền sang. “Âu cũng là số phận thằng Tới nó quá nghiệt ngã. Cũng vì nghèo nên tôi mới phải gửi con để con để “bươi quào” kiếm ăn nên thằng Tới mới bị như vậy…”, anh Khởi than thầm.
Ông Lê Minh Tuấn - Trưởng trạm y tế xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) khẳng định rằng, Tới bị nhiễm căn bệnh thế kỉ theo… đường sữa của người bệnh. “Tỷ lệ lây nhiễm qua đường này rất nhỏ và hiếm gặp, nhưng không phải không xảy ra. Tới là minh chứng”, ông Tuấn nói. Theo bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, đúng là vẫn có khả năng dù rất nhỏ, bệnh AIDS có thể truyền qua đường sữa. Dù vậy ghi nhận cho đến nay, chưa có trường hợp cụ thể nào xác nhận 1 đứa trẻ khỏe mạnh bị nhiễm HIV từ sữa, mà đứa bé ấy lại không phải là con của người bệnh! Tới là một trong những trường hợp đầu tiên?
Tư vấn cho phụ nữ nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh
Chàng trai lấy 2 vợ đều mang căn bệnh thế kỉ
Đó là anh Kim Val (SN 1976) - ngụ ấp Giồng Giữa B. Khoảng 10 năm trước, trong dịp đi lễ hội của người Khơ Me, anh Kim Val đã gặp và yêu cô H - cùng ấp và nhỏ hơn anh 2 tuổi. Sau đó không lâu anh và H nên vợ nên chồng rồi đứa con trai kháu khỉnh ra đời.
Nhưng chào đời đúng 3 tháng, thằng bé đột nhiên chết. Anh Val phát bện ngay sau đó! Căn bệnh lạ khiến anh cứ mệt trong người rồi tiêu chảy, nôn mửa,…
Năm 2010, nghe người quen tư vấn anh quyết định đi xét nghiệm, thì mới vỡ lẽ, mình mang căn bệnh AIDS! “Lúc đó tôi gần như nằm bẹp gí, suy sụp hẳn. Mình bệnh rồi, chỉ sợ lây vợ. Mà lúc ấy tôi nghĩ mãi cũng không hiểu sao mình lại mắc bệnh?”, anh Val tâm sự.
Nguyên nhân gây bệnh cho anh Val đúng là không ngờ tới. Vợ anh thú thật, cô đã mắc bệnh và chính cô là người lây bệnh cho anh chồng hiền lành. Cô khóc hết nước mắt chỉ xin anh trừng phạt. Trước khi gặp anh, cô đã bị lừa bán sang Campuchia và căn bệnh đã thấm vào người cô lúc nào không biết. Khi thấu hiểu mọi lẽ, anh không hề oán trách vợ mình một câu. Không lâu sau vợ anh mất vì AIDS. Số phận run rủi sau khi góa vợ, có cô gái thầm mến anh cũng chưa từng phải lưu lạc xứ người và phải mang trong người căn bệnh… giống như anh. Vậy là, họ nguyện những ngày cuối đời sẽ cùng sống chết có nhau.
Ngày ngày, anh vẫn ra rẫy, vẫn chăm gà để bán. Tính ra, bình quân hai năm gần đây, thu nhập của anh đạt 20 tiệu đồng, chỉ với 1000m2 đất. Anh đang là ứng cử viên trong chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng đẳng của xã Vĩnh Trạch Đông, dự kiến thành lập nay mai, là nơi trao đổi, sinh hoạt cho những người cùng mắc căn bệnh thế kỉ.
Anh Val tâm sự: “Tôi mong được sự quan tâm ủng hộ của mọi người, nếu có điều kiện thì hỗ trợ cho Câu lạc bộ để tụi tôi có được những ngày thanh thản”. (Mọi đóng góp ủng hộ xin liên hệ Kim Val - Trạm y tế xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. ĐT: 01682480671).
Ấp nào cũng có người dính “ết”
Ông Lê Minh Tuấn - trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), cho biết: “Lũy kế đến thời điểm này, toàn xã đã phát hiện 101 người mắc bệnh thế kỉ và có 57 người tử vong, còn 44 người đang sống. Trong đó hiện có 1 trẻ em dưới 6 tuổi, 7 trẻ em dưới 15 tuổi”. Hồi năm 2010, khi ông mới về đây nhận công tác, số bệnh nhân chỉ là 74.
Ông Tuấn nói, đó chỉ là phần “nổi” , còn “tảng băng chìm” thì chẳng ai khẳng định được chính xác, bởi không ít người mắc bện nhưng không xét nghiệm... “Thậm chí, có những người trước đây tự nguyện đi xét nghiệm, hoặc nằm viện phải xét nghiệm máu nên vô tình phát hiện… Chúng tôi đã có danh sách những người mắc bệnh, nhưng khi đến nhà thăm hỏi thì họ vẫn từ chối tiếp xúc, cho rằng mình không bệnh”, ông Tuấn nói.
Như tháng 5/2013 vừa qua, một thanh niên mới hơn 20 tuổi đã qua đời. Trước đó, cán bộ trạm y tế đã đến thăm hỏi và động viên đi nhận thuốc, nhưng người nhà khăng khăng từ chối tiếp xúc cho rằng họ vẫn khỏe…
Ông Tuấn cho biết trên danh sách của phần “nổi” thì cả 6 ấp của xã đều có người mắc bệnh. Những người mắc căn bệnh thế kỉ thì đa phần là người Khơ Me, nam, nữ đều có và có điểm chung là đều… nghèo. Đáng lo nhất, theo ông Tuấn, đó là một số trường hợp mắc bệnh, nhưng tiếp tục đi làm ăn xa và địa phương không thể quản lí.
Vì sao lại có nhiều trường hợp mắc bệnh AIDS dở khóc, dở cười, vì sao căn bệnh lan tràn trong xã như cơn đại dịch? Chúng tôi sẽ giải thích những thắc mắc này trong bài viết tới.
Còn nữa…