Trong nghiên cứu được công bố trên tờ American Journal of Public Health, GS Diane Feskanich tại ĐH Y khoa Harvard và cộng sự đề nghị 36.000 đàn ông trên 24 tuổi trả lời các câu hỏi về thói quen vận động thể dục - đặc biệt là việc đi bộ - 2 năm một lần trong suốt 24 năm. Trong thời gian này, có 546 người bị gãy cổ xương đùi. Không tính các trường hợp tai nạn xe hơi hoặc bị ung thư, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đi bộ ít nhất 4 giờ mỗi tuần có tỉ lệ bị gãy cổ xương đùi giảm 43% so với những người đi bộ ít hơn 1 giờ mỗi tuần.
GS Feskanich nhận xét: “Chúng ta biết rằng vận động thể lực có thể ngăn ngừa nguy cơ gãy cổ xương đùi vì nó giúp tăng cường trương lực cơ và xương, đồng thời giúp điều chỉnh thăng bằng. Nhiều nghiên cứu tập trung vào các dạng vận động cường độ cao nhưng chúng tôi nhận thấy việc đi bộ thường xuyên cũng đủ giúp ngăn ngừa nguy cơ gãy cổ xương đùi và vận động này thích hợp với người cao tuổi”.
Chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Lenox Hill ở TP New York, TS Neil Roth, giải thích rằng các tế bào xương luôn chết đi để hình thành tế bào mới và cách tốt nhất để giữ xương chắc khỏe là tăng áp lực lên nó thông qua vận động. Tuy nhiên, mức độ vận động không nên vượt quá sự chịu đựng của xương và bộ phận khác trong cơ thể.