Cô Ngô Thị Hiền Thúy, Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: “Các câu hỏi đề thi đã bám sát nội dung kiến thức SGK Lịch sử lớp 12. Những ý hỏi nhỏ có khả năng phân loại học sinh”.
16h ngày 3/6, học sinh lớp 12 kết thúc môn thi Lịch sử kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2012. Bước ra khỏi phòng thi các thí sinh người cười người lại thất vọng.
Thí sinh thở phào vì kết thúc môn thi thứ 4 (Ảnh: Hiểu Minh)
Lê Phương Thảo, học sinh lớp 12B6, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Đề ra năm nay cũng bình thường. Các câu hỏi em đã ôn nên không khó khăn khi làm bài.
Phần tự chọn rất hay, phân loại được kiến thức học sinh. Dù làm câu nào em ở phần tự chọn học sinh vẫn nêu được sự hiểu biết của bản thân về sự phát triển của nước Mỹ và 5 nước sáng lập ASEAN”.
Thảo cho biết mình chắc chắn nhất với câu hỏi “Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam”. Theo học khối D nhưng em tự tin mình được khoảng 7 đến 8 điểm cho bài làm môn thi này.
Nguyễn Thanh Thủy, bạn cùng lớp với Phương Thảo cũng cười tươi khi cho biết mình “trúng tủ” và chắc được khoảng 8 điểm với bài làm tốt nghiệp môn Lịch sử.
Trái ngược là tâm trạng thất vọng của Quách Bích Ngọc, một người bạn khác cùng lớp với Phương Thảo. Ngọc cho biết: “Dù đề thi không dài, không đánh đố nhưng câu hỏi về hiệp định Pari (4 điểm) em không làm được vì “lệch tủ” nên hy vọng được khoảng 5 đến 6 điểm”.
Tại cụm thi Trung tâm GDTX Ba Đình, thí sinh Bùi Quốc Việt (THPT Liễu Giai) cho biết em làm bài khá tốt và chỉ gặp khó khăn đôi chút ở ý hai của câu hỏi 2 cũng chính là câu hỏi Bích Ngọc “lệch tủ”.
TP. HCM: Nhiều thí sinh bị "tủ đè"
Theo ghi nhận của PV, tại một số Hội đồng thi như Q. 5, Q.10 các thí sinh đi thi khá đúng giờ. Tại Hội đồng thi THPT Nguyễn An Ninh (Q.10) chúng tôi ghi nhận được một trường hợp thí sinh bị sốt xuất huyết nhưng vẫn cố gắng vào phòng thi.
Không được thoải mái như môn Địa lý, đa số thí sinh và phụ huynh đều lo lắng cho môn Lịch sử. Nhiều bạn tranh thủ vừa ngồi sau xe của phụ huynh coi lại bài và tới sớm để có thêm thời gian đọc lại đề cương Lịch sử.
Nhiều thí sinh vui vẻ ra về
Sau 90 phút làm bài, các thí sinh ra khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Một số phụ huynh nóng lòng hỏi các thí sinh ra trước con mình :"Đề dễ không con?"_Đều nhận được câu trả lời là : "Dễ".
Đề thi Lịch sử năm nay làm nhiều thí sinh khá bất ngờ và nếu không học bài kỹ rất dễ bị "tủ đè". Bạn Thùy Dung (THPT Hùng Vương_Q. 5) tươi cười nói: "Khi đọc xong đề em rất bất ngờ, hầu như không có ra các chiến dịch chiến tranh ở Việt Nam và chiến tranh thế giới. Câu 1 và câu 2 vừa tâm với học sinh, riêng câu hỏi về kinh tế Mỹ em làm rất tốt vì tham khảo đề thi tốt nghiệp những năm trước".
Bạn Mỹ Duyên (THPT Chuyên Lê Hồng Phong_Q. 5) chia sẻ: "Em thấy đề thi năm nay khá nhẹ và vừa sức với học sinh, với đề này làm bài không tốn nhiều thời gian. Riêng câu 3a ở phần II không nằm trong sách vở, học sinh phải vận dụng kiến thức để suy luận mới làm được".
Tuy đề thi năm nay không quá nặng với các thí sinh, thậm chí dư thời gian khá nhiều nhưng vẫn có nhiều thí sinh không làm được bài vì lỡ học "sai tủ". Minh Đạt (THPT Hùng Vương_Q. 5) cười buồn nói: "Đề không khó nhưng em học không trúng tủ, chắc chỉ đạt 50% thôi".
Riêng câu 3b ở phần II dành cho chương trình nâng cao vẫn tỏ ra sức nặng của mình vì khá khó ngay cả đối với các thí sinh học chuyên khối C. Có thể nói các đề thi năm nay khá nhẹ đối với các thí sinh, với cách ra đề này học sinh trung bình sẽ có cơ hội đậu tốt nghiệp cao hơn những năm trước.
(Ảnh Hiểu Minh)
Hà Tĩnh: Học sinh ‘kêu’ đề sử khó, dài
Tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đình Phùng (TP. Hà Tĩnh), ghi nhận nhanh của phóng viên VietNamNet, nhiều thí sinh đều có chung ý kiến, đề thi môn sử năm nay dài và khó so với mọi năm nên nhiều thí sinh không thể làm hết trong thời gian 90 phút.
Đề thi có hai phần đề dành cho thí sinh tự chọn. Tuy nhiên, theo đánh giá của em Nguyễn Hữu A., hai đề đều có mức độ khó như nhau nên khó có thể làm hết bài.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Ischool, một giáo viên trong hội đồng coi thi cho biết, kết thúc môn thi sử, nhiều học sinh tại điểm thi này hài lòng với mức độ của đề thi.
Băn khoăn về câu hỏi “Hiệp định Pari”
Cô Ngô Thị Hiền Thúy, Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: “Các câu hỏi đề thi đã bám sát nội dung kiến thức SGK Lịch sử lớp 12. Những ý hỏi nhỏ có khả năng phân loại học sinh như ý thứ 2 câu hỏi 2, hai ý nhỏ trong câu 3.a và câu 3.b ở phần tự chọn.
Ngón con thi tốt nghiệp (Ảnh: Duy Tuấn)
Khác với mọi năm đề năm nay ít bắt học sinh phải nhớ số liệu và sự kiện. Học sinh phải có kiến thức thực sự mới làm được bài”. Theo cô Hiền Thúy với đề thi này, học sinh khá có thể đạt từ 7 đến 8 điểm.
Không chỉ học sinh kêu khó với câu hỏi về “Hiệp định Pari”, trao đổi với PV, một số thầy cô dạy Lịch sử tỏ ý băn khoăn: Câu này đòi hỏi trí nhớ theo văn bản. Học sinh chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, câu hỏi này năm ngoái cũng vừa ra trong đề thi đại học và còn gây tranh cãi. Do vậy sẽ khó có học sinh đạt điểm cao, điểm 5 và 6 sẽ nhiều.
ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2012 Môn thi: LỊCH SỬ - Giáo dục trung học phổ thông Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm) Câu 1 (3 điểm)Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Câu 2 (4 điểm)Nêu nội dung cơ bản của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định trên đã tạo điều kiện thuận lợi gì để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam? II. PHẦN RIÊNG - PHẦN TỰ CHỌN (3,0 điểm)Thí sinh được chọn làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b) Câu 3.a Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)Nêu tình hình kinh tế, khoa học - kĩ thuật của nước Mỹ trong giai đoạn 1945 - 1973. Việc áp dụng những thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại có tác dụng gì đối với sự phát triển của nền kinh tế Mĩ? Câu 3.b Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)Trình bày nội dung các chiến lược phát triển kinh tế của nhóm năm nước sáng lập ASEAN sau khi giành được độc lập đến năm 2000. Vì sao từ những năm 60-70 của thế kỉ XX, các nước này có sự chuyển hướng trong chiến lược phát triển kinh tế?. |