Ông Mukesh Ambani chứng minh nỗ lực trong tham vọng xây dựng đế chế thương mại điện tử, thách thức gã khổng lồ Mỹ Amazon và Walmart tại thị trường Ấn Độ.
|
Khi Ấn Độ trở thành thị trường thương mại điện tử béo bở nhưng chỉ có số ít tay chơi, tỷ phú Mukesh Ambani từ lâu đã ấp ủ ý định lấn sân sang lĩnh vực vốn được thống trị bởi Walmart và Amazon.
Trong tuần qua, khi Ấn Độ bước vào đỉnh điểm lễ hội Diwali, đợt mua sắm lớn nhất trong năm, các trang web bán lẻ thuộc sở hữu của ông Ambani (JioMart) thực hiện những đợt giảm giá kích cầu lớn. Đợt giảm giá khổng lồ là chiến lược của vị tỷ phú giúp công ty đuổi kịp hai ông lớn trên thị trường trong nước là Amazon và Flipkart - một công ty thương mại điện tử thuộc Walmart.
Các sàn thương mại điện tử của ông Ambani tung ra nhiều chương trình giảm giá bom tấn lên tới 50% cho các loại bánh kẹo và các mặt hàng chủ lực khác trong lễ Diwali như hỗn hợp gia vị cơm biryani. Bên cạnh đó, trang web Reliance Digital của ông kích cầu các sản phẩm điện thoại thông minh Samsung với giá rẻ hơn các đối thủ, có mức chiết khấu lên tới 40%.
Đối đầu tay chơi ngoại
Đây được xem là sự hậu thuẫn khổng lồ về tài chính từ tập đoàn Reliance Industries của ông Ambani dành cho mảng bán lẻ tiêu dùng. Cổ phiếu của Reliance Industries đã tăng 35% trong năm nay. Sau khi huy động được khoản đầu tư 20 tỷ USD đáng kinh ngạc, tập đoàn đã chuyển giao một phần quỹ sang bộ phận kinh doanh bán lẻ. Cách đây vài tuần, mảng bán lẻ của ông Ambani cũng giành được hơn 6 tỷ USD đầu tư từ KKR & và Silver Lake.
Mukesh Ambani là tỷ phú giàu nhất châu Á, điều hành đế chế tư nhân lớn nhất Ấn Độ
Reliance Industries. Ảnh: Reuters.
Ông Ambani từng vượt qua các đối thủ nặng ký bằng chiến lược giảm giá và tận dụng các thay đổi quy định một cách tài tình. Ngày nay, trong lĩnh vực bán lẻ, công ty của ông Ambani có nhiều lợi thế lớn, trong đó phải kể đến chính sách ưu ái doanh nghiệp trong nước của chính phủ.
Ông Siju Narayan, Giám đốc tại RexEmptor Consult (Mumbai), cho biết với chiến lược địa phương, giảm giá mua sắm kết hợp cùng chuỗi cửa hàng truyền thống, đế chế của Ambani có khả năng làm rung chuyển ngành bán lẻ trực tuyến.
“JioMart của Ambani có thể đánh bật nhiều ông lớn thương mại điện tử như Bigbasket & Grofers. Ngoài ra, JioMart sẽ tác động đến danh mục hàng tạp hóa, chăm sóc cá nhân và gia đình của các công ty như Amazon và Flipkart trong tương lai”, ông Narayan nói, nhấn mạnh đây là các trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Ấn Độ.
Để củng cố vị thế nhà bán lẻ hàng đầu quốc gia, ông Ambani đã mua lại đơn vị bán lẻ, hậu cần và kho bãi của tập đoàn bán lẻ Future Group với giá 3,4 tỷ USD vào tháng 8.
Devangshu Dutta, Giám đốc điều hành công ty tư vấn bán lẻ Third Eyesight, nói với Bloomberg: “Đó là cuộc cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến với kẻ thách thức mới là một tay chơi có tiềm lực mạnh và rất năng nổ".
“Reliance Retail là một công ty lớn với khả năng tài chính khổng lồ. Chỉ có họ mới đủ khả năng tài chính đưa ra những chiết khấu lớn như vậy so với những công ty khác", một đối tác bán hàng của Reliance tại thị trấn Nerul, ngoại ô Mumbai cho biết.
Alibaba của Ấn Độ
Thực tế, đế chế Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani cũng là một trong các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 và là tập đoàn tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Thành lập năm 1973, Reliance phân hóa mạng lưới khắp các lĩnh vực nhiên liệu, hóa dầu, viễn thông và bán lẻ.
Reliance là công ty lớn nhất Ấn Độ với vốn hóa thị trường lên tới 179 tỷ USD, xấp xỉ 6,4% GDP của quốc gia này. Ông Ambani đã đúng khi khẳng định bán lẻ và công nghệ sẽ là mục tiêu của Reliance trong tương lai. Nếu giành được chỗ đứng lớn hơn trong thị trường thương mại điện tử - lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng tại Ấn Độ, sức mạnh của ông trùm viễn thông sẽ ngày càng tăng.
Cuối năm 2019, ông Ambani mở cổng mua sắm trực tuyến JioMart. Công ty hiện tại có mặt tại 200 thành phố và thị trấn lớn nhỏ khắp Ấn Độ. Tỷ phú giàu nhất châu Á đổ tiền phát triển ngành thương mại điện tử trong thời điểm dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và kéo tụt doanh số bán hàng tại các đơn vị bán lẻ truyền thống.
Vị tỷ phú thể hiện tham vọng lớn khi lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử. Ảnh: Bloomberg.
“Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thể hiện quyết tâm tạo ra một hệ sinh thái tương đương với Alibaba hoặc Tencent của riêng Ấn Độ. Đồng thời, ông ấy cũng biết Reliance là ứng cử viên phù hợp duy nhất”, James Crabtree, phó giáo sư thực hành thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét về đế chế kinh doanh của vị tỷ phú.
Với hơn 1 tỷ dân, Ấn Độ là thị trường tiêu dùng khổng lồ thu hút nhiều ông lớn trên thế giới. Tỷ phú Jeff Bezos, CEO Amazon, đã cam kết đầu tư 6,5 tỷ USD vào đây. Gã khổng lồ bán lẻ Walmart từng chi 16 tỷ USD mua lại Flipkart vào năm 2018, trở thành thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay ở Ấn Độ. Trong năm nay, Walmart cũng đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Flipkart và công ty dịch vụ thanh toán PhonePe.
Lợi thế của công ty nội địa
Thành công của Ambani trong lĩnh vực viễn thông cho thấy khả năng điều khiển giá cả và chớp lấy lợi thế từ những thay đổi về chính sách. Năm 2013, chính phủ Ấn Độ đã điều chỉnh quy tắc cho các đơn vị viễn thông không dây cung cấp dịch vụ gọi thoại bằng cách trả phí một lần. Tại thời điểm ấy, chỉ có duy nhất Reliance Jio của ông Ambani là công ty có giấy phép hợp pháp trên toàn quốc. Điều này giúp vị tỷ phú nhanh chóng trở thành ông trùm nắm giữ lĩnh vực truyền thông Ấn Độ.
Các quy tắc đầu tư nước ngoài của Ấn Độ áp dụng từ cuối năm 2018 cấm Amazon và Flipkart quảng bá các sản phẩm độc quyền nhằm hạn chế khả năng thao túng giá bán hàng hóa của các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, công ty quốc tế không được phép sở hữu hơn 51% chuỗi siêu thị truyền thống tại địa phương và chỉ được thiết lập ở các thành phố có dân số dưới 1 triệu người.
Về lâu dài, các quy tắc định giá có lợi cho đối thủ nội địa sẽ cho phép JioMart của Ambani và các doanh nghiệp trong nước khác dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh chi phí, bởi những công ty này ít bị ràng buộc và hạn chế từ chính phủ Ấn Độ hơn các công ty quốc tế.
Nỗ lực thúc đẩy và ưu tiên sản phẩm trong nước của Ấn Độ đã nhen nhóm từ lâu. Trước đó đầu tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quy định mua hàng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Theo đó các công ty buộc phải kê khai xuất xứ hàng hóa để thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa nội địa và giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Website mua sắm trực tuyến của chính phủ Ấn Độ cũng khuyến khích tiêu dùng nội địa và yêu cầu người bán đăng ký nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 50% nguồn gốc nội địa, hoặc sẽ bị xóa khỏi website.
Thách thức lớn hơn trong ngành bán lẻ
Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn cuối cùng vẫn đang phát triển trên thế giới. Morgan Stanley ước tính doanh thu thương mại điện tử tại Ấn Độ sẽ cán mốc 200 tỷ USD vào năm 2026. Thành tích đáng nể của vị tỷ phú trong lĩnh vực viễn thông và câu chuyện khởi nghiệp từ những bước đầu tiên là dấu hiệu đáng gờm cho những đối thủ Mỹ tại thị trường này.
Theo Bloomberg, năm 2016, tỷ phú Mukesh Ambani từng đánh bại các đối thủ và trở thành ông trùm lĩnh vực viễn thông Ấn Độ nhờ chiến lược gọi thoại miễn phí và bán các gói dữ liệu giá rẻ trị giá 2 USD. Ngày nay, khi lấn sân vào lĩnh lực mới, ông tiếp tục triển khai chiến thuật định giá thấp tương tự để lần nữa chiếm lĩnh lợi thế trong thị trường thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh tại đất nước 1,3 tỷ dân.
Đối mặt với hai đối thủ lớn Amazon và Flipkart, nền tảng mua sắm của ông Ambani
có nhiều thách thức trong ngành bán lẻ trực tuyến. Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, với vị tỷ phú 63 tuổi, tham vọng chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử có thể khó khăn hơn so với lĩnh vực viễn thông mà ông từng thành công trước đây. Ông sẽ phải đối đầu với những đối thủ đáng gờm quốc tế như Amazon và Walmart. Ngoài ra, các trang thương mại điện tử của ông Ambani còn khá mới đối với người tiêu dùng Ấn Độ so với các đối thủ.
Theo Ankur Bisen, Phó chủ tịch cấp cao của Technopak, hiện nay JioMart và Reliance Retail chiếm khoảng 12 tỷ USD trong thị trường bán lẻ của Ấn Độ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và trực tuyến. Trong khi đó, Amazon và Flipkart, chỉ tập trung vào mảng mua sắm trực tuyến, chiếm khoảng 14 tỷ USD mỗi bên.
JioMart của Reliance Industries chỉ vừa ra mắt từ năm nay và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Mặt khác, nhiều người dùng chia sẻ kênh bán lẻ của ông Ambani còn chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý tình trạng hỗn loạn phân phối và chậm trễ trong việc hoàn tiền. Có thể phải mất một thời gian dài để JioMart thật sự đủ khả năng cạnh tranh cùng các đối thủ vốn đã đứng vững vị trí trên thị trường.
Nguồn: https://zingnews.vn/de-che-cua-ty-phu-giau-nhat-chau-a-co-the-tro-thanh-alibaba-thu-hai-post1151972...
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Dọn nhà cuối năm, muốn tránh bị mất tài lộc và giữ trọn may mắn thì không nên bỏ 5 món đồ này dù cũ đến đâu
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- 7 điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
- Ai là người có lương hưu cao nhất Việt Nam? Con số 'khủng' đến mức nào mà khiến nhiều người giật mình
- Ăn lẩu vào mùa đông cực ngon, nhưng ăn sai cách thì 'độc khủng khiếp', chẳng khác nào tự rước ung thư vào người
- Từ 15/1/2025: Đi xe máy mới mua chưa có đăng ký xe và chưa có biển số sẽ bị CSGT tịch thu, đúng không?
- 230 triệu năm trước, có một trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm, đưa loài khủng long lên vị trí thống trị
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước