Dạy thêm -"nồi cơm" của giáo viên nghèo

Nhiều phụ huynh cho rằng họ có nhu cầu cho con đi học thêm để bồi dưỡng thêm kiến thức. Và xã hội cũng không lên án việc dạy thêm - học thêm. Nhưng thời gian qua, việc dạy thêm - học thêm đã có những tiêu cực nên bị xã hội phản ứng.

Về phía giáo viên, không ít người cho rằng nguồn thu nhập từ việc dạy thêm đã phần nào cải thiện đời sống giáo viên. Nhiều giáo viên không thể dạy thêm nên đã phải làm nhiều việc khác mới đủ sống.

Học thêm mới đậu đại học

Minh Đăng, sinh viên ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM khẳng định nhờ đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa mà em đủ điểm đậu vào ĐH. Đăng nói: “Ở quê em không có trung tâm luyện thi, cũng không có internet để tụi em tìm tài liệu học thêm. Thời gian học ở trường chỉ tập trung cho học sinh học kiến thức để thi tốt nghiệp. Nếu không đi học thêm, tụi em sẽ không có cơ hội tiếp xúc với các bài tập nâng cao, không có cơ hội làm những bài tập nằm ngoài sách giáo khoa”.

Học thêm - nhu cầu có thực hiện nay.

Cũng quan điểm này, bạn Hoàng Trâm (học sinh lớp 12, Long Thành - Đồng Nai) cho biết: “Em đi học thêm 3 môn Văn, Toán, Anh để thi đại học. Em không chọn học thầy cô dạy trong trường mà học ở những thầy cô nổi tiếng. Có bạn học trường khác thì đi học thêm ở thầy cô của em. Em chọn thầy cô nào dạy dễ hiểu, ôn thi đại học có tiếng thì em học. Mục đích của tụi em là ôn thi đại học thôi”.

Hiện nay, không ít phụ huynh cho con đi học thêm như một thói quen. Nhiều trẻ em đang là lớp lá mầm non đã phải đi học chữ mỗi đêm, học sinh tiểu học thì luyện chữ đẹp, học thêm ngoại ngữ… Chị Bích Nga (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Ở nhà cháu không chịu viết chữ, làm toán để chuẩn bị vào lớp 1. Mỗi lần bắt con học là mỗi lần con bị ăn đòn. Vì thế tôi gửi cháu đến học thêm tại nhà một cô giáo để cháu đủ trình độ vào lớp 1”.

"Không dạy thêm lấy gì sống?"

Dạy thêm được là… mừng”, cô giáo Thu Hiền, giáo viên cấp 2 một trường ở Lâm Đồng chia sẻ như thế. Là giáo viên dạy văn, nên cô Hiền không thể dạy thêm. Vì thế, để kiếm thêm thu nhập, cô phải đánh máy thuê, biên tập bản thảo để kiếm thêm thu nhập. Với thâm niên gần 10 năm công tác, bao gồm cả phụ cấp chức vụ, thu nhập của cô Hiền khoảng 3 triệu đồng. Với số tiền này, cô Hiền chỉ đủ nuôi mình với mức sống tằn tiện. Cô cho biết: “Giáo viên chúng tôi, nếu không dạy thêm, không làm thêm thì không thể sống được bằng lương. Mặc dù đã xoay sở đủ cách, nhưng hiện nay rất nhiều giáo viên phải sống dưới mức tối thiểu. Nếu thu nhập khá, chúng tôi chả dại gì đi làm thêm, kể cả dạy thêm”.

Cô Phương Linh, giáo viên cấp 2 tại TP. HCM khẳng định: “Không dạy thêm thì lấy gì sống. Tổng thu nhập của tôi hiện nay khoảng 3.200.000 đồng; tôi dạy thêm cho 2 HS được thêm 500.000 đồng/tháng. Tổng thu nhập được 3.700.000 đồng, nhưng phải chi rất nhiều khoản: thuê nhà hết gần 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn khoảng 1 triệu đồng/tháng… Tháng nào có ma chay, cưới hỏi thì phải vay mượn thêm”.

Một giáo viên Trường THCS Ái Mộ, Hà Nội  than thở: “Tôi có 15 năm công chức trong nghề, mức lương trừ bảo hiểm mới được 3.565.000 đồng (gồm phụ cấp). Với mức lương này, sẽ duy trì cuộc sống như thế nào khi giá cả ngày một leo thang. Nếu không dạy thêm thì biết lấy gì mà sống!!!”.