Đầu năm, du xuân trảy hội Phủ Dầy
Thứ năm, 02/02/2012 00:08

Mặc dù chưa đến ngày giỗ Mẹ - Thánh Mẫu Liễn Hạnh, nhưng du khách thập phương đã nô nức trảy hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định).

Du khách thập phương vào thắp hương Phủ Dầy - Ảnh Thu Bình

Lễ hội Phủ Dầy được diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm, nhưng từ nhiều năm nay, ngay từ đầu năm du khách thập phương đã tấp nập du xuân, trảy hội Phủ Dầy. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh mẫu Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác ở Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.

Cổng đền phủ Chính - Ảnh Thu Bình

Người Việt Nam ta có câu tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ. Đức Thánh Trần và mẫu Liễu Hạnh đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh hướng về cái cao cả: chân, thiện, mỹ với việc cứu giúp con người trong những khó khăn thường ngày. Nơi giỗ mẹ ở Việt Nam được nhiều người biết nhất là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thờ thánh mẫu Liễu Hạnh. Mẫu Liễu Hạnh vừa là thần tiên sống ở trên trời vừa là người sống ở dưới trần gian chu du khắp nơi trừ ác, ban lộc khiến chúng ta kính trọng tôn vinh là vị thánh tồn tại cho tới ngày nay thường gọi là tín ngưỡng thờ mẫu, thờ người mẹ. Tín ngưỡng thờ mẫu được dân gian chuẩn hóa thanh hầu bóng hay còn gọi là lên đồng. Loại hình sinh hoạt thờ mẫu khẳng định sự sáng tạo riêng mang đậm đà bản sắc VIệt Nam thờ cúng để mong: phúc, lộc, thọ. Hầu bóng cũng còn là một loại hình sân khấu tâm linh trong đó có sự kết hợp diễn xướng, âm nhạc, hát văn và múa thiên, nó ra đời cùng tín ngưỡng thờ mẫu.

Dịch vụ đổi tiền lẻ "một ăn tám" xuất hiện nhiều tại các đền của Phủ Dầy - Ảnh Thu Bình

Phủ Dầy (có khi ghi là Phủ Giầy, Phủ Giày) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống đầy tính nghệ thuật, mỹ thuật của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tương truyền đây là nơi Thánh mẫu Liễu Hạnh giáng sinh, bà là người sáng lập nên Đạo Mẫu và trở thành Mẫu Đệ nhất Thượng Thiên - người đứng đầu và có quyền uy tối cao nhất trong hệ thống tín ngướng Điện Thần Việt Nam. Quần thể Phủ Dầy gồm 21 công trình kiến trúc nhưng quan trọng nhất là hệ thống đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh và tứ phủ công đồng như phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh.

 Dịch vụ viết sớ xuất hiện cả một dãy dài tại đền Phủ Chính - Ảnh Thu Bình

Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh- (Mẫu Địa) là một trong 4 vị thánh bất tử ( Tản Viên sơn thánh- Thánh Gióng- Chử Đồng tử- Mẫu Liễu). Tương truyền Liễu Hạnh, con gái Ngọc hoàng vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc phải đày xuống trần gian. Có đến 2 lần giáng thế. Lần đầu sinh làm con Lý Thái công ở Vân Cát, Phủ Giầy, Nam Định, tên là Giáng Tiên lấy Đào Lang được 2 con một trai, một gái, làm trọn  nghĩa vợ thảo dâu hiền. Lần thứ hai giáng trần khuyến khích bảo vệ chồng con, bênh vực kẻ hèn yếu, trừng trị gian tham, chu du khắp đó đây làm thơ ngắm cảnh khi ở Đèo Ngang, Lạng Sơn, lúc ở Tây Hồ. Mẫu hiện thân tài đức đoan chính của "Mẫu nghi Thiên hạ".

Cành lộc được bày bán với giá từ 3-5 nghìn đồng/cành

Đền thờ chính ở làng Vân Cát-Tiên Hương xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định.( Còn có đền Sòng - Thanh Hoá, Tam Thanh - Lạng Sơn; Phủ Tây Hồ - Hà Nội và nhiều nơi khác phối thờ trong điện Mẫu ).

Du khách về lễ hội thăm quan quần thể di tích thắng cảnh : Phủ Vân Cát, Phủ chính Tiên Hương, lăng Chúa Liễu, đền Khâm sai, đền Thượng, đền ông Khổng, đền Vua cha, Chùa, Đền Quan,…

Dọc hai bên đường dẫn tới các đền, hàng loạt các quầy hàng đã được dựng lên để phục vụ du khách. Hàng hóa tại hội Phủ Dầy chủ yếu là các mặt hàng thờ cúng như: Khăn áo hầu bóng, tràng hạt, gương bắt quái, đặc biệt là các cành lộc với đủ loại màu sắc như: vàng óng, xanh mướt,… được bày bán la liệt tại các cổng đền như phủ Chính, Công Đồng, Đền Cô Chín, đền Thượng,… với giá từ 2-5 nghìn đồng du khách có được một cành lộc ưng í vào đặt lễ thánh mẫu. Chị Hoa ở Thanh Hóa cho biết, năm nào chị cũng đi hội Phủ Dầy vào đầu năm, đầu năm hướng về nguồn, mua một cành lộc vào dâng lễ Mẹ, xin tài lộc, bình an cả năm cho cả nhà.

Các loại sách cũng được bày bán công khai - Ảnh Thu Bình

Không chỉ có cành lộc mà ngay cả những cây cảnh như sung, khế,… cũng được du khách chọn mua vào dâng Mẹ. Nét mặt tương cười với cây sung vừa mua được trên tay, anh Nguyễn Ngọc Thành ở Hà Nội cho biết, anh đi hội Phủ Dầy trước là lễ mẫu Liễu Hạnh, sau là kết hợp đi chơi chợ Viềng. Đầu năm đi xin tài lộc, sức khỏe may mắn, làm ăn thuận lợi trong năm mới.

Hàng quán được bày bán dọc đường dẫn vào Phủ - Ảnh Thu Bình

Ngày hội giỗ Mẹ với nghi lễ hầu bóng (lên đồng) của Đạo Mẫu, từ lâu là nhu cầu tâm linh không thể thiếu của người Việt Nam. Các nhà nghiên cứu khẳng định Đạo Mẫu là sự tích hợp các giá trị văn hóa - nghệ thuật dân gian qua các bài văn chầu, truyện thơ kể sự tích các Thánh, diễn xướng, hát chầu văn, hầu bóng...Vì thế, ngày nay, nghi lễ hầu đồng còn có mặt ở nhiều cộng đồng người Việt sống ở các nước trên thế giới như một hành trang kết nối cùng tổ tiên, nguồn cội.

Hàng năm, đến ngày huý của bà, du khách khắp nơi lại đổ về Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định) trẩy hội. Dù chính hội được mở từ ngày 3-8/3 âm lịch nhưng khách thập phương vẫn đổ về nơi đây trong suốt cả tháng để cầu sức khỏe, cầu bình an trong suốt một năm.

Uyển San
Tag: Nam Định , Văn hóa - Xã hội , Lễ hội , Phủ Dầy