Sau 9 tháng bầu bí và hồi hộp chờ đón giây phút gặp mặt bé yêu, mẹ bầu vẫn không tránh khỏi lo lắng khi đối mặt với cơn đau đẻ. Hãy soi các dấu hiệu chuyển dạ sau để giúp chị em chủ động hơn nhé!
Bụng tụt xuống
Sau khi thai nhi quay đầu thì chị em dễ dàng nhận thấy bụng bầu tụt sâu xuống dưới. Bởi thông thường khoảng 1-2 tuần cuối thai kỳ, đầu em bé sẽ tụt sâu xuống cổ tử cung và mẹ dễ dàng nhận thấy cảm giác thai nhi đè lên khu vực vùng chậu. Việc đi lại của chị em càng trở nên nặng nề hơn.
Thai ít máy hơn
Mẹ có thể nhận thấy vào đến giai đoạn cuối của thai kỳ, em bé không đủ không gian để xoay trở nhiều và máy nhiều như trước. Tử cung của mẹ đã không còn chỗ cho bé quẫy đạp. Nếu mẹ không cử động trong nhiều giờ liên tục và đã dùng nhiều cách để kích thích sự trả lời của bé thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ.
Giảm cân trước khi sinh
Những tháng đầu mang thai, bạn tăng cân rất nhiều, đặc biết là 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên đến tuần gần sinh, đột nhiên cân nặng bạn không tăng nữa. Thậm chí một vài thai phụ còn bị giảm cân. Thực ra đây là chuyện bình thường không có gì đáng lo ngại. Bởi gần sinh, cơ thể mẹ tiết ra nội tiết tố làm giảm lượng chất lỏng.
Đau lưng khủng khiếp
Chị em sẽ thấy lưng của mình dường như quá tải bởi sức nặng của bụng bầu. Mẹ cảm thấy lưng đau khủng khiếp kèm với chứng chuột rút nặng nề thì đó cũng là dấu hiệu báo em bé sắp ra với mẹ rồi đó.
Mệt mỏi hơn
Có thể mẹ sẽ nhận thấy dấu hiệu vô cùng mệt mỏi thậm chí còn không muốn nhấc chân tay lên để làm gì. Đó là dấu hiệu cơ thể đang dồn năng lượng để chuẩn bị cho ca vượt cạn. Đừng lo lắng, đây là triệu chứng bình thường khi mẹ sắp sinh nở thôi.
Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ tuy nhiên trong 1-2 tuần cuối này có thể mẹ sẽ phải ngồi nhà vệ sinh với mật độ nhiều hơn nữa. Hãy cố gắng nhé bởi mẹ sắp được đón con yêu rồi.
Tăng các cơn co thắt giả
Phụ nữ mang thai sẽ dễ dàng nhận ra những cơn co thắt giả từ tháng thứ 7 hoặc 8 thai kỳ nhưng khi thời gian sinh nở sắp đến gần, những cơn co thắt này sẽ liên tục và trầm trọng hơn. Thậm chí bụng mẹ còn thường xuyên co cứng kèm những cơn co thắt kéo dài.
Tiêu chảy
Nếu bạn ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh nhưng vẫn gặp phải hiện tượng tiêu chảy nhẹ khi gần ngày sinh thì hãy coi đây chỉ là một dấu hiệu chuyển dạ thôi nhé!
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, những kích thích tố này là thuốc sổ tự nhiên đào thải cặn bã trong ruột để thai nhi thoải mái trong bụng mẹ. Những hormone này cũng có thể khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn. Đấy là dấu hiệu cho thấy đường ruột của bạn đang tự sục rửa để chuẩn bị cho lần vượt cạn sắp tới thôi.
Ra dịch nhớt hồng
Một buổi sáng thức giấc bình thường và bạn nhận thấy có nhớt hồng ở đáy quần lót, dân gian hay gọi “hồng hồng máu cá” thì đây chính là dấu hiệu cho thấy ngày sinh của bạn đã cận kề. Không có gì phải lo lắng trừ khi bạn ra máu nhiều đến mức phải đóng băng vệ sinh thì mới cần đến ngay bệnh viện.
Vỡ ối
Chỉ có 10% các ca sinh nở có túi ối bị vỡ trước khi xuất hiện những cơn đau. Khi thấy nước ối tràn ra ào ạt, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện vì có thể em bé sẽ chào đời sau 1-2 giờ nữa. Thông thường chị em sẽ thấy hiện tượng vỡ ối trong quá trình đau đẻ.
Một số bà bầu vỡ nước ối nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ nào hết. Nếu thời gian này kéo dài từ 24-48 tiếng sau khi màng ối vỡ mà em bé vẫn chưa sinh thì cần đến ngay bệnh viện vì lúc này em bé có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao do không còn màng ối bảo vệ.
Bản năng nằm ổ
Bạn bỗng dưng muốn dọn dẹp sạch sẽ lại nhà cửa, thậm chí bỏ hầu bao mua mới một số đồ nội thất để trang hoàng lại nhà cửa. Điều này người ta gọi là bản năng nằm ổ của người mẹ nhằm chào đón con yêu ra đời.
Xuất hiện các cơn gò
Thuật ngữ sản khoa gọi các cơn đau chuyển dạ là cơn gò Braxton Hicks. Trước ngày sinh vài tuần bạn sẽ thấy xuất hiện những cơn gò theo kiểu đau bụng kinh với mức độ nhẹ rồi nặng dần.
Tần suất của các cơn gò có thể 20-30 phút/cơn, đôi khi là 5-10 phút mới xuất hiện rồi dừng lại.
Cơn đau chuyển dạ chỉ thực sự bắt đầu khi bạn thấy đau bụng quặn dữ dội, rồi đau lan xuống 2 chân, đau sang vùng lưng và lại lên bụng. Những cơn đau đến dồn dập, càng lúc càng mạnh, kéo dài.