Chẳng cần phải lên Tây Bắc, Đông Bắc, chỉ cần quan sát đào rừng về phố trong mấy mùa tết gần đây cũng đủ thấy lượng đào tô điểm mùa xuân của đồng bào các dân tộc Mông, Thái...đã suy giảm hẳn.
|
Khoảng dăm bảy năm về trước, khi mới bắt đầu xuống phố, đào rừng chỉ dám e ấp nép mình sau những gốc đào truyền thống đã được cắt tỉa tạo dáng, thế của các làng hoa nổi tiếng như Nhật Tân, Nghi Tàm... Bây giờ, "khách" đã vượt mặt “chủ”, cứ mỗi độ Xuân về, đào rừng ở tận các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc lại nườm nượp chảy về xuôi và trở thành thú chơi hot của dân chơi thị thành. Với cái đà tận diệt, thẳng tay tàn sát đào rừng như hiện nay, thì chỉ ít năm nữa thôi, loại cây quý này chỉ còn trong nỗi nhớ...
Đua nhau băm nát đào rừng
Cái rét cắt da cắt thịt của những ngày cuối năm như một sức mạnh vô hình cản bước người dân ra khỏi nhà. Những ngày cuối tuần lạnh cóng, tôi loay hoay trong nhà với chiếc máy vi tính và thầm nghĩ, trời này mà ra ngoài chắc chết cóng. Bỗng chuông điện thoại đổ dồn, Kiên bạn học cùng đại học, nay đang công tác tại một Bộ lớn gọi. Tưởng hắn lại gọi đi nhậu như mọi lần, nhưng không lần này hắn rủ đi "săn" đào rừng để về biếu sếp. Vốn "khoái" các loại đào rừng từ lâu, nên dù rét thế tôi cũng sốt sắng nhận lời và bắt đầu chuyến "săn" hàng độc này.
Vốn là một tay quen biết khá rộng, lại hay được cơ quan giao nhiệm vụ đi mua quà tết để "đi" các sếp, Kiên tỏ ra khá sành sỏi trong việc tiếp cận các đầu mối bán đào rừng ở Hà Nội. Chỉ trong buổi sáng chủ nhật, chúng tôi đã dạo qua ít nhất 5 đầu mối, chỗ nào cũng đon đả mời chào và khẳng định chắc nịch: "Anh khỏi lo, đào chỗ em là đẹp nhất rồi, là đào rừng chính hiệu đấy nhé, lấy từ "vương quốc hoa đào" trên Tây Bắc đấy. Hàng em găm ở ngoại thành, chờ thêm mấy ngày nữa mới ồ ạt tiến vào Thủ đô, nhưng khách hàng đến đặt mua thì đã nườm nượp từ mấy ngày trước".
Chủ đầu mối phân phối đào rừng ở Hà Nội tên Quang cho chúng tôi biết, từ đầu tháng Chạp, đào đã được các "sát thủ" vận chuyển về bằng đủ các loại phương tiện, dân buôn đem về vùng ngoại ô "ém" quân và chờ đến gần tết mới bung vào nội thành. Quang cho biết, giá của đào rừng không hề rẻ so với đào Nhật Tân, Nghi Tàm, Phú Thượng. Nếu gốc to, đẹp, lâu năm có khi lên đến mấy chục triệu đồng, thậm chí có những gốc cả trăm triệu đồng, loại thường thường năm nay cũng tầm vài "củ" (triệu đồng - PV), còn cành lẻ thì chỉ vài trăm ngàn đến một triệu đồng.
Năm nay, đội "săn" hàng của Quang chỉ đặt mua những gốc đào đẹp, chất lượng chứ không lấy đào cành như mọi năm, vì buôn đào gốc tuy cần vốn lớn nhưng lợi nhuận lại rất cao. Có những đại gia không ngần ngại chi hàng trăm triệu đồng để được sở hữu một gốc đào rừng ưng ý.
Rời "đại bản doanh" của Quang, Kiên gọi điện cho Việt, cũng là một tay buôn đào có tiếng ở Hà Nội. Là chỗ quen biết trước, vì năm nào bạn tôi cũng đặt hàng của tay này, nên Việt rủ chúng tôi ra tận nơi găm hàng ở Hoài Đức, Hà Nội để mục sở thị những gốc đào mà theo Việt là "hot" nhất năm nay. Nói là vườn, nhưng thực chất chỉ khoảng trăm mét vuông được quây lại bằng thép B40, theo quan sát thì hầu hết các gốc đào còn rất mới, vừa được đánh về từ Sơn La, Hà Giang...
Vừa xoắn xuýt giới thiệu các gốc đào độc trong vườn, vừa chỉ đạo người làm chăm sóc, tỉa tót sao cho đào được đẹp nhất, Việt hồ hởi khoe: "Để có được những gốc đào độc như thế này thì phải lặn lội lên “vương quốc hoa đào” từ nửa năm trước để "săn", chứ chậm chân là bọn khác nó nẫng hết ngay. Rồi hắn cũng đăm chiêu cho biết, với cách đánh đào, "săn" đào như hiện nay thì chắc vài ba năm nữa cũng phải chuyển hướng kinh doanh, vì đào vùng cao đang cạn kiệt thật rồi.
Đào rừng được bày bán dọc đường quốc lộ
Không chỉ ở Hà Nội đào rừng mới là hàng "hot" trong dịp tết, mà ngay cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng...đào rừng cũng được đưa về và "xẻ thịt" bán trên các phố. Nhiều đại gia tỉnh lẻ cũng rất khoái với thú chơi đào rừng, có những đại gia còn thuê hẳn xe tải lên tận Sơn La để đánh đào mang về xuôi.
Mấy năm gần đây, đại gia Long (TP. Nam Định) hiện đang là giám đốc một công ty về xây dựng, cứ đến gần tết là cùng với mấy chiến hữu thuê hẳn một chiếc xe tải cỡ lớn lên Sơn La đánh đào. Có năm đại gia này nổi hứng phi lên tận Đồng Văn - Hà Giang để "săn" cho kỳ được gốc đào yêu thích. Để có được những gốc đào ưng ý, độc đáo ông Long cho biết phải lên vùng cao thuê thổ dân lùng tìm từ nhiều tháng trước.
Tại sao đào rừng lại được người ta "kết" đến thế? Ông Trần Hanh (Thanh Xuân - Hà Nội), người nhiều năm nay sùng bái loại cây này cũng chỉ biết sở dĩ quý vì nó....hiếm. Đúng là cái gì hiếm cũng tạo niềm hứng khởi cho người khác, và tạo độ "máu" để con người lùng tìm và mua cho bằng được.
Nguy cơ hết đào rừng đã cận kề
Chẳng cần phải lên Tây Bắc, Đông Bắc, chỉ cần quan sát đào rừng về phố trong mấy mùa tết gần đây cũng đủ thấy lượng đào phai, đào thắm, thứ đào tô điểm cho các cánh rừng, mảnh vườn thêm xuân của đồng bào các dân tộc Mông, Thái...đã suy giảm lắm rồi. Sự tận diệt của con người để phục vụ thú chơi ngày tết thật đáng báo động. Ra phố ngày xuân giờ đây người ta chạnh lòng vì gốc đào ngày càng bé đi, độ thắm của hoa ngày càng nhạt hơn. Điều đó cho thấy đào rừng ngày càng hiếm, khi con người đang vô tư tận thu những gốc đào cuối cùng để phục vụ cho ngày xuân.
Trước đây, mỗi dịp đi du lịch lên các tỉnh miền núi phía Bắc vào mùa Xuân, tôi lại bị hút hồn bởi những cánh rừng đào đua nhau khoe sắc. Nhiều người kháo nhau và cũng nhiều người mê cái vẻ đẹp hoang sơ nhưng cuốn hút lòng người của đào rừng, mà đã khăn gói lặn lội hàng trăm cây số giữa tiết trời giá lạnh để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hiếm có đó. Ai đã một lần được tận mắt ngắm nhìn hoa đào bời bời sắc xuân khắp các thung khe, cạnh những khe suối, bên mỗi mái nhà sàn ở Sơn La, Điện Biên, Hà Giang...sẽ vương vấn mãi sắc thắm của đào rừng. Giờ đây, mùa xuân, trở lại nơi cũ, nhiều người phải thốt lên rằng: “Đến vùng cao để thượng đế nhớ những mùa đào xưa”.
Tôi gọi điện cho Tú - một đồng nghiệp đang công tác tại Hà Giang, người đã từng làm phóng sự tại huyện Đồng Văn, nơi được mệnh danh là “vương quốc hoa đào” của Đông Bắc. Tú thở dài ngao ngán, có khi về Hà Nội lại dễ mua được đào hơn là trên này. Đào ở trên này giờ sắp sửa được liệt vào... sách đỏ rồi.
Tú còn kể, vừa rồi gặp lại ông Lò Văn Phử, một người bạn già đang sống tại bản vùng cao Sủng Thài (huyện Đồng Văn) đang lúi húi vào rừng tìm nhặt những cành đào còn sót lại để về trang trí cho ngày xuân. Ngẫm mà thấy nao lòng, chỉ sợ một vài mùa xuân nữa thôi, đào rừng chỉ còn trong nỗi nhớ. Lời chia sẻ mộc mạc của ông Phử khiến nhiều người phải suy nghĩ về nạn tận diệt đào rừng như hiện nay: "Đào hết rồi, còn đâu".
Tôi đem những băn khoăn của một người vốn mê muội sắc đẹp của đào rừng nói với ông bạn làm bên kiểm lâm. Anh bạn này cũng ngao ngán thở dài, đúng là nạn tàn sát đào rừng ngày càng phổ biến và trầm trọng, nguy cơ hết đào đã cận kề. Nhưng thực sự rất khó để có động thái ngăn chặn, vì đào rừng không nằm trong danh mục sách đỏ, nên không thể có chế tài để xử phạt, ngăn cấm việc khai thác, tận diệt như hiện nay. "Để có thể hồi sinh cho những vườn đào đã làm nên bản sắc của vùng núi rừng phía Bắc thì cần có sự ra tay của lãnh đạo các địa phương, cần có những quy định riêng của địa phương trong việc trồng mới, bảo vệ và có biện pháp khai thác hợp lý", ông bạn kiểm lâm nói thêm.
Việc tàn sát đào rừng để phục vụ nhu cầu chơi tết của một bộ phận dân thành thị đã vô hình trung tiếp tay cho việc phá hoại môi trường, tàn phá rừng xanh. Mặt khác, phá đào rừng ồ ạt còn phá đi một tập tục đẹp của đồng bào dân tộc vùng cao: Khi hai người kết duyên vợ chồng, họ sẽ tự tay trồng một cây đào trước nhà để ghi nhớ kỷ niệm đẹp khó quên đó.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?