Đặng Thành Tâm dứt vận đen, Cường đôla kiếm ngàn tỷ

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức và Đặng Thành Tâm lẳng lặng nhìn vận đen, trong khi nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) theo chân bán dự án tâm huyết và thu về ngàn tỷ.

Tan giấc mơ hồng

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, Tổng công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) của ông Đặng Thành Tâm đã quyết định thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trị giá 1.500 tỷ đồng, chiếm 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen, cho bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần Đầu tư Mặt trời mọc.

Đây là doanh nghiệp sở hữu dự án tháp bông lúa Diamond Rice Flower cao 100 tầng, nằm trên khu đất vàng, diện tích 4,2 ha, ngay ngã 3 Phạm Hùng - Đỗ Đức Dục, sát bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

 Ông Đặng Thành Tâm.

Trước đó, ông Tâm đã rất kỳ vọng phát triển một tổ hợp dự án bất động sản cao cấp mang tầm quốc tế như vậy trên khu đất vàng này, sau khi tập đoàn Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút khỏi dự án Lotus Hotel (tên cũ của dự án), quy mô 15 tầng với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Dự án được ấp ủ và được duyệt thiết kế với 3 tổ hợp, cao nhất là tòa nhà 100 tầng, tương đương khoảng 400 mét đã tan thành mây khói sau khi các DN nhà ông Đặng Thành Tâm gặp khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng năm 2012 và một số vấn đề liên quan tới pháp lý.

Trước đó, ông Tâm và chị gái Đặng Thị Hoàng Yến cũng sở hữu những dự án tỷ USD dở dang như Nhiệt điện Kiên Lương, dự án Trung tâm Điện lực tỉnh Bình Định (do CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn của ông Đặng Thành Tâm làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 7,5 tỷ USD), dự án Khu Thương mại - Dịch vụ Vina Universal Paradise do CTCP Đầu tư Khu du lịch - Phim trường VINA (công ty con của Tập đoàn Tân Tạo) làm chủ đầu t,ư...

Doanh nghiệp nhà ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cũng đã bán đi một số dự án tâm huyết, trong đó có mảng mía đường (gồm nhà máy đường, nhà máy điện và vùng trồng có diện tịch 6.000ha) bán cho tập đoàn của ông Đặng Văn Thành, thu về cả trăm triệu USD để trang trải nợ nần.

Gần đây, doanh nghiệp nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) cũng đã bán dự án bất động sản tâm huyết Phước Kiển cho CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) để cấn trừ cho các khoản nợ vay đối với một số ngân hàng, trong đó có BIDV.

 Cường đôla nhận tin vui năm 2017.

Trước đó, QCG cũng đã bán đi dự án đất nền mua từ doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức ở Đà Nẵng. Khối nợ ngân hàng lên tới hàng ngàn tỷ đồng với một phần rất lớn đáo hạn 31/3/2017 là nguyên nhân kéo giá cổ phiếu xuống còn vài ba ngàn đồng.

Bầu Đức, Đặng Thành Tâm hồi sức, nhà Cường thu ngàn tỷ

Sau khi bán hàng loạt dự án tâm huyết, cả 3 doanh nhân nổi tiếng Bầu Đức, Đặng Thành Tâm và Nguyễn Quốc Cường đều đón những tín hiệu rất tích cực từ thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu doanh nghiệp nhà Bầu Đức hồi phục nhanh, trong khi ông Đặng Thành Tâm tuyên bố đã “vượt qua vận hạn”, còn doanh nghiệp nhà Cường đôla có vốn hóa tăng khoảng 7 lần trong một thời gian rất ngắn.

Tại đại hội cổ đông ITA, ông Đặng Thành Tâm cho biết các doanh nghiệp mà gia đình ông sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn vừa qua vướng phải rất nhiều tin đồn không hay, nhưng vận hạn đã qua. ITA, KBC đều đã xử lý được một phần lớn nợ. Nợ phải trả của ITA giảm từ hơn 4 ngàn tỷ năm 2014 xuống còn hơn 2,6 ngàn tỷ đồng.

 Bầu Đức vượt khó, tìm chân trời mới.

Doanh nghiệp của Bầu Đức cũng bớt khó khăn khi khối nợ giảm xuống và thành công trong việc đàm phán tái cơ cấu nợ với các ngân hàng trong nước. Sau vụ bán mảng mía đường vốn rất tâm huyết, HAGL của Bầu Đức thu tới cả trăm triệu USD.

Bầu Đức còn nhiều tài sản khác có thể bán được như các nhà máy điện, bất động sản tại Myanmar, thậm chí cả một phần của mảng cao su. Gần đây, DN của Bầu Đức có cửa làm ăn mới, được đánh giá cũng rất có triển vọng. Đó là sản phẩm chanh dây, dự kiến sẽ mang về khoản doanh thu ngàn tỷ trong vòng chỉ một năm. Trước thông tin này, cổ phiếu HAG và HNG của Bầu Đức tăng mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu QCG của nhà Cường đôla bất ngờ tăng dữ dội, với hàng chục phiên tăng trần liên tiếp. Giá cổ phiếu tăng gấp hơn 6 lần. Quy mô vốn của Quốc Cường Gia Lai tăng thêm khoảng 7 ngàn tỷ đồng, trong khi sổ cổ phần của gia đình nhà Nguyễn Quốc Cường tăng thêm hơn 3.500 tỷ đồng.

Sự hồi phục thần kỳ của QCG chủ yếu là do doanh nghiệp này đã tái cấu trúc xong nợ. Các khoản nợ lớn đáo hạn vào cuối quý 1/2017 đã được giải quyết thông qua vụ bán đi dự án lớn và tiềm năng nhất của doanh nghiệp.

Sau vài năm vật lộn trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn của các doanh nhân nổi tiếng trên thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng vọt cùng với sự sôi động trở lại của thị trường.

Mặc dù bán nhiều dự án tâm huyết song các doanh nghiệp của Bầu Đức, ông Đặng Thành Tâm hay QCG của nhà ông Nguyễn Quốc Cường đều từng là các doanh nghiệp thành công, đã từng ghi dấu ấn.

Giới đầu tư kỳ vọng từ hoạt động tái cơ cấu của các doanh nghiệp này. Áp lực nợ giảm, lãi tiền vay sẽ giảm trong khi các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp trở lại bình thường thì lợi nhuận sẽ tăng lên. Với vị thế tiên phong, doanh nghiệp của Bầu Đức, Đặng Thành Tâm hay nhà ông Nguyễn Quốc Cường sẽ tìm lại được niềm tin của giới đầu tư.