Vợ hiền, dâu thảo
Anh Nguyễn Điệp (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tự nhận mình sinh ra trong một gia đình khá “hoàn cảnh”. Khi anh còn nhỏ, bố bỏ mẹ con anh theo một người đàn bà khác, mẹ anh vì thế mà trở nên khó tính.
Anh lo lắng rằng: “Mình còn thấy khó huống chi là con dâu”. Thế nên lúc nào anh cũng nhủ thầm sau này sẽ cố gắng tìm một người vợ hoạt bát, nhanh nhẹn và cũng phải biết… cam chịu để đảm đương mọi chuyện trong nhà.
Vì tình yêu, anh nên vợ nên chồng với chị Duyên. Anh biết, về làm dâu nhà anh chắc hẳn chị sẽ ít nhiều tủi thân. Được chồng “phím”, chị Duyên cũng hiểu mẹ một phần, tuy ít nói nhưng chị hay lam hay làm, có đồ gì ngon chị luôn nghĩ tới mẹ trước.
Bà không hề khó chịu mà còn luôn tự hào về cô con dâu này. Mọi việc trong nhà, chị chẳng ôm hết vào người, những cái mẹ giỏi hơn chị lại nhờ mẹ chỉ dạy. Chị chia sẻ: “Mình rất thích được đứng nấu ăn với mẹ, được mẹ hướng dẫn những tuyệt kỹ nấu ăn đơn giản nhưng không phải ai cũng biết làm”.
Người ta thường bảo nàng dâu mẹ chồng chẳng bao giờ hết chuyện. Thế nhưng chị Duyên và mẹ anh suốt vài năm qua không có lấy một lời cãi vã, mà ngược lại tình cảm thân thương như mẹ đẻ và con gái.
Chị chăm mẹ từng ly từng tý. Dù bận rộn công việc nhưng lúc nào chị cũng chuẩn bị sẵn mấy hộp sữa tươi, thêm ít trái cây để sẵn đầu giường để mẹ tẩm bổ.
Một lần, mẹ đòi về quê tĩnh dưỡng tuổi già với mấy người hàng xóm. Khuyên can rồi động viên hết nhẽ nhưng mẹ vẫn khăng khăng muốn “đổi gió”. Cuối cùng anh chị đành để mẹ về. Quê anh mãi tận Cà Mau, vắng mẹ, chị lúc nào cũng đứng ngồi không yên, trông ra ngóng vào.
Nhân dịp anh đi công tác qua đó, cả nhà chị được phen khấp khởi chuẩn bị đồ vào biếu mẹ.
Đến sát ngày, chị lại vướng công việc không thể đi được, chỉ mình anh vào thăm mẹ. Chị buồn lắm, chỉ biết chuẩn bị quà cáp để anh mang vào biếu mẹ .
Trên chuyến đi hôm đó, nhìn anh Điệp tay xách nách mang cơ man nào là túi đồ rồi vali, anh em đồng nghiệp ai nấy đều ngạc nhiên: “Đi về quê thăm cụ mà chú đem lắm thứ cứ như chuyển hẳn về đó sống vậy?” Anh thật thà bảo: “À, vợ em chuẩn bị quà cả tuần trước để biếu mẹ ấy mà”.
Từ ngày cưới vợ, anh Khôi như lột xác hẳn (ảnh minh họa)
Nhìn anh lỉnh kỉnh đồ đạc, dù không nói ra nhưng đồng nghiệp vẫn không giấu nổi ánh mắt ngưỡng mộ và đầy ghen tị.
Anh nói rồi nhớ lại vợ dặn dò rồi tỉ mỉ ghi cả vào giấy nào là sữa uống vào lúc nào, thuốc bổ liều dùng ra sao, rồi quần áo mới, đồ chơi cho mấy cháu hàng xóm…
Chưa kể trước lúc đi, Duyên còn đưa chồng một phong thư, thủ thỉ: “Cái này em biếu mẹ, để nếu mẹ thích ăn thêm gì thì mẹ chủ động mua. Con cái ở ngoài này hết, trái nắng trở trời biết ai chăm mẹ…”
Thấy vợ lo toan cho mẹ như vậy, anh Điệp không khỏi xúc động.
Về gặp mẹ, mẹ chẳng hỏi chuyện con trai mà chỉ chăm chăm hỏi đến nàng dâu. Mẹ ngân ngấn nước mắt: “Nhà này mẹ chỉ thương con Duyên”.
Không giống như nhiều bà vợ lập quỹ đen, quỹ đỏ để shopping, dạo phố, café với bạn bè, Duyên lúc nào cũng dành dụm, tiết kiệm, để ra chút ít dành riêng phần biếu mẹ.
Lấy vợ xong như “khỉ” lột xác
Cùng tâm trạng “lấy vợ thật sướng!” là anh Ngọc Khôi (Láng Hạ, Hà Nội). Từ ngày cưới vợ, anh Khôi như lột xác hẳn, thi thoảng bạn bè còn trêu, “có vợ có khác, như khỉ lột xác”.
Chuyện là, trước đây, anh Khôi ăn mặc vô cùng cẩu thả, xuề xòa. “Có hôm trời lạnh, bác ý diện nguyên quả trên sơ mi nhăn như lò xo, dưới là quần ngố, làm cả công ty xôn xao. Tóm lại thời trang rồi đầu tóc của bác ấy rất chi là quái”, một anh cùng phòng hóm hỉnh.
Thế nhưng, lấy vợ xong, anh lột xác hoàn toàn. Từ một chàng cẩu thả, đi giày há mõm… thế mà nay trở thành một người đàn ông bảnh bao, lịch lãm, nước hoa thơm phưng phức. Trước anh gầy nhom, quần áo lúc nào cũng xộc xệch. Lấy vợ, được chị chăm nom nên anh có da có thịt hẳn, khoác thêm "bộ cánh" phẳng phiu thành ra lại phong độ gấp mấy thời trẻ.
Ai cũng phải khen anh số sướng, vợ có gu thẩm mỹ tuyệt vời. Sự quan tâm và chăm sóc của chị Liên – vợ anh giờ đây không chỉ là nỗi lo lắng về miếng ăn, giấc ngủ như trước kia, mà cả chuyện quần áo, đầu tóc hay sức khỏe, sở thích của chồng... cũng được chị quan tâm hết mực.