Cơn lốc cá độ tràn qua giới trẻ (Kỳ 2): Những cuộc đời bị hủy hoại

Nhiều bạn trẻ giữa tuổi xuân đã rơi vào cảnh cùng quẫn, bế tắc, tự đánh mất tương lai của mình và niềm tin của người thân khi lao vào chốn đỏ đen...

Chuyện dân độ đá banh làm khách quen của tiệm cầm đồ, vay mượn đủ cách, thậm chí cả phạm tội để có tiền chơi cá độ là tình trạng thường diễn ra sau khi kết thúc những trận cầu.

Chuyện của Thành “thống kê”

“Nhờ ông đi với tui ra cắm chiếc xe rồi chở tui về với. Nhanh lên chứ sắp đến giờ đá lại rồi”, Thành (sinh viên một trường kỹ thuật ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) bảo tôi. Thành phóng xe như bay ra khỏi quán cà phê, đến phía trước ĐH Giao thông vận tải (đường Lê Văn Việt, Q.9), Thành tấp vào một tiệm cầm đồ rút nhanh giấy tờ chiếc xe máy đưa cho chủ. “Lấy bao nhiêu”, chủ quán hỏi, Thành nói 7 chai (7 triệu đồng). Chủ quán gọi điện cho ai đó và khoảng vài phút sau có một người đem tiền đến tiệm cầm đồ đưa cho Thành.

Khi chúng tôi quay trở về lò cá độ thì Thành giành lái xe, chạy bạt mạng cho kịp giờ bắt kèo của trận sắp tới. “Nghĩ làm sao mà thằng Genoa (một đội dự giải vô địch quốc gia Ý) lại hòa 0-0 với thằng Lecce yếu nhất bảng. Đen thật”, Thành ngước cổ ra sau than thở với tôi chuyện đã thua độ lúc đầu giờ tối.

(Một con độ vò đầu bứt tóc khi thua cược - Ảnh: Ng. Nam)

Gần 12g đêm, Thành thất thểu đi ngang qua chỗ tôi ngồi nói giọng buồn rầu: “Chán quá, thua còn có 2 chai”. Sau đêm đó thì tôi không thấy Thành đến quán chơi bóng nữa. Mấy người quen biết nói Thành hết tiền rồi. Bẵng đi một vài tuần tôi mới thấy Thành xuất hiện lại ở quán, ngồi xem bóng đá ở một góc khuất khó nhận ra. Hết hiệp 1, chúng tôi xuống dưới xem kèo hiệp 2 thì phía quán trên có tiếng la đánh nhau. Cả đám bu lại xem thì thấy Thành đang bị ba thanh niên khác kẹp lại đánh hội đồng. Không ai dám vào can.

“Mày tưởng chạy đi Đồng Nai là thoát hả. Khi nào mới trả tiền cho tao”, một thanh niên trong nhóm vừa đánh vừa hét vào mặt Thành. Đánh xong đám thanh niên lên xe máy bỏ đi, quẳng lại những lời hăm dọa chết chóc về phía Thành. Còn Thành thì áo quần xộc xệch, lủi thủi đi khỏi quán.

Nhớ lại khi mới quen Thành, cậu tỏ ra sành sỏi bóng đá và hăm hở phân tích phương pháp bắt độ “thắng chắc” của mình để tôi “mở mắt”. Thành nói mình vận dụng lý thuyết xác suất thống kê để cá độ bóng đá.

“Khi anh đánh 1 mà thua thì đánh tiếp 2. Đánh 2 thua thì đánh 4, cứ gấp đôi như vậy mà đánh. Vì mình có thắng có thua xen nhau nên khi gặp trận thắng số tiền kiếm được vẫn lớn hơn tổng số tiền thua”, Thành lý giải. Vì thực tế mỗi trận bóng Thành đánh 1 triệu đồng, thua Thành đánh lên 2 triệu, thua nữa Thành đánh 4 triệu, thắng trận tính ra vẫn lời. Nhưng có dạo Thành thua nhiều trận liên tiếp, không đủ tiền để đánh gấp đôi lên được và không có cách nào đánh tiếp gỡ lại. Việc Thành cầm xe và vay mượn, dẫn đến không thể trả nợ được, bị đánh là chuyện đương nhiên.

Từ ngày xảy ra chuyện bị đánh đó, không ai nghe gì về tin tức của Thành nữa. Đám bạn học bảo với tôi Thành đã bỏ học vì nợ nần.

Không dừng lại là đến đường cùng

Khi xem những tin tức về cướp giật, giết người liên quan đến cá độ bóng đá, hay chứng kiến những chuyện đã xảy ra, mỗi chúng tôi đều nghĩ chuyện đó rất có thể xảy đến với mình nếu “máu me” ăn thua quá lớn. Chuyện tương tự xảy ra không lâu khi chúng tôi còn chơi ở lò cá độ trên đường Lê Văn Chí. Tôi thấy người đàn ông ngoài 50 tuổi bắt độ đều đặn mỗi trận 1-2 triệu đồng. Khi đến quán cà phê xem bóng, ông chọn một góc riêng ngồi xem, đội nào đá vào ông cũng không tỏ vẻ gì vui mừng hay thất vọng.

“Tao chơi cả chục năm quen rồi chứ có phải tụi bay đâu mà hồi hộp”, ông nói. Ông kể mình đã mất miếng đất vào bóng đá và đá gà, bao nhiêu tiền của hai vợ chồng làm ra cũng tiêu tan theo hết. Giờ đây ông chơi như một thói quen, có tiền là chơi, nhiều chơi nhiều ít chơi ít.

Đùng một cái ông không đến lò cá độ nữa. Hỏi ra mới biết ông đánh cắp tiền của người em gái, thua độ và bỏ đi. Bà vợ ông bán hủ tiếu vỉa hè lâu lâu lại đến quán cà phê hỏi xem có ai biết tin của ông không. Vài tuần sau không ai còn nhắc đến ông nữa.

Thỉnh thoảng mấy đứa chúng tôi quen nhau khi chơi cá độ tập trung uống cà phê, bàn xem tối nay có trận nào “kèo thơm” (dễ thắng) thì cùng nhau bắt. Rồi chúng tôi thử thống kê xem trước giờ ai thắng được nhiều tiền nhất. Kết quả là ai cũng thua.

“Đầu năm đến nay em thua lai rai hết gần 20 chai rồi. Bây giờ chơi ít để mùa Euro tới còn “đạn” mà chơi” - Tuấn, bạn học với Thành “thống kê”, cho biết. Hỏi ra Tuấn cũng đã cầm xe, máy vi tính đến mấy lần. Có đợt không có tiền chuộc lại, quá hạn để mất luôn xe, Tuấn nói với gia đình là mất xe và ba mẹ ở quê đã mua lại xe mới cho con “đi học”.

Nhiều sinh viên mê cá độ như Tuấn người thì nợ môn, kẻ bỏ học, vay mượn bạn bè, người thân khiến những người xung quanh gặp mặt đều phải dè chừng.

Tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp vào tù ra tội vì trót dính vào cá độ bóng đá. Giết người, cướp của, lừa cha mẹ, dối bạn bè có đủ cả. Bà N.T.H. (quê Bình Phước) có con trai đang bị giam ở trại giam Chí Hòa (TP.HCM) với tội cướp giật tài sản cũng vì cá độ bóng đá. Cứ mỗi hai tháng một lần bà H. bỏ công việc xuống TP.HCM thăm nuôi con. “Nó học sắp ra nghề không biết vì sao thành như vậy”, bà mẹ này nói trong nước mắt.

Theo chân giới cá độ bóng đá từ Q.9 đến Thủ Đức trong nhiều ngày, tôi hỏi mãi cũng không tìm ra được có ai đã từng xây nhà từ tiền thắng độ đá banh, trở nên giàu có nhờ cái “nghề” này mà chỉ thấy toàn những chuyện ngược lại.

Những tỉ lệ cược được nhà cái đưa ra đánh vào tâm lý ăn thua của đám đông, những bất ngờ không lường trước của trái bóng tròn đã đưa nhiều cuộc đời đến bi kịch. Cuộc chơi này ai đã lỡ dính vào nếu không dừng lại được thì phía trước chỉ là đường cùng...