Con chỉ làm quấn chân mẹ

Tôi nhớ rất rõ mùa me, chùm ruột thì làm mứt me, mứt chùm ruột. Chuối chín thì ép phơi khô. Mãng cầu chín cũng làm mứt…

Những năm 1970, gia đình tôi ở chung với ông bà nội và cô, chú. Mẹ tôi phải làm dâu và làm chị dâu của đàn em gần mười người. Lúc đó tôi chừng bảy tám tuổi. Tôi nhớ rất rõ mùa me, chùm ruột thì làm mứt me, mứt chùm ruột. Chuối chín thì ép phơi khô. Mãng cầu chín cũng làm mứt… Bà nội không cho con nít làm, sợ hư, nhưng mẹ tôi hay lén cho tôi làm: lựa chùm ruột, tách vỏ me, lột vỏ chuối…

Buổi tối mẹ tôi hay giúp mấy cô (đang học trung học) làm bài môn “nữ công gia chánh”, như thêu, đan, móc…Tôi quấn bên chân mẹ, mong cho mẹ mau xong việc để đi ngủ với tôi. Nhưng những buổi tối mẹ thức khuya sên mứt thì tôi cũng ráng thức để chờ được nếm những giọt đường đặc kẹo, chua chua, ngọt ngọt còn sót lại trong nồi.

Sáng, tôi say sưa ngồi nhìn mẹ sắp xếp thật khéo léo những trái me dài, cong nằm khít khao, hoặc xếp từng múi mãng cầu vào mâm. Phơi chừng vài nắng rồi mẹ xếp me vào hũ, mãng cầu thì gói thành kẹo, tất cả đều mang cất vào tủ để dành tết. Tôi luôn háo hức chờ đợi và trông mau tới tết để được… ăn. 

Vui nhất là làm bánh lột da. Bà nội cho phép tôi được nhào bột, ba tôi thì lấy một cái cán (bằng tre) nhúng dầu phộng rồi cán bột trên một thớt rộng có bột áo, cán rất nhiều lần. Mẹ tôi và mấy cô vo tròn bột, ép dẹp lại cho nhân đậu xanh vào giữa, vo tròn rồi ép lại, đem bánh đi nướng. Nướng bằng than cho nên phải canh, tôi vẫn nhớ mẹ canh bánh nướng là số một, lúc nào bánh cũng vàng ươm, giòn, phồng lên, cắn vào vỏ bánh có rất nhiều lớp. Nhân bánh còn cho sầu riêng vào nên có mùi thơm thật quyến rũ.

Gần tết, khi củ khoai mì ngoài vườn đã lớn bằng bắp tay (trồng 3 tháng) thì cả nhà xúm xít làm bánh tráng. Tôi cũng phụ mẹ lột khoai. Khoai nấu xong thì ba và anh tôi đem ra cối giã nhuyễn, vừa giã vừa cho ăn nước đường với nước cốt dừa. Mẹ tôi dùng tay nặn bột thành viên (bằng nắm tay), xếp đều trên mâm, ai khéo tay thì cán bánh. Chiếc chiếu được trải ra giữa nhà. Mấy cô hàng xóm cũng được mời tham gia. Mỗi người có một tấm nilông (tạm gọi là ni bánh) hình tròn và một ống cán (bằng tre hoặc kẹt quá lấy cái chai cũng được).

Viên bột đặt chính giữa, một tay xoay tấm ni, một tay cán, sao cho đều, cho vừa khít ni là đẹp (ai mới học cán bánh cũng bị dày ở giữa, mỏng ở ngoài, khi nướng bánh, ở giữa thì sống, ở ngoài thì khét là vậy). Nhiệm vụ của con nít là phơi bánh. Chúng tôi chạy tới, chạy lui cả ngày, úp bánh xuống chiếu trải ngoài sân, lấy tay ép nhẹ rồi lấy ni ra, mang ni vô… Chiều, khi bánh khô, bà nội và mẹ tôi xếp bánh thành từng chục, cái nào không đẹp thì dùng kéo cắt lại cho tròn. Con nít được ăn “sống” phần râu ria đó. Ba tôi ra sân đốt lửa rơm, nướng thử vài cái bánh, mời ông nội và mấy chú hàng xóm ăn bánh, uống trà. Tối, chúng tôi ngủ say la liệt không biết đầu đuôi là gì. Kết quả của một ngày chạy chân không bén gót.

Sung sướng nhất vẫn là được mẹ cho xem vải mới. Những mảnh vải màu xanh hoặc hồng, có nhiều hoa lá thật là đẹp. Tranh thủ những buổi tối rảnh, mẹ cắt may quần áo cho tôi (chưa bao giờ tôi có cảm giác được mẹ dắt đi tiệm, đo và đặt may quần áo). Tôi luôn quấn bên chân mẹ không rời. Tôi mong đến ngày mẹ may xong, mong đến tết để được mặc quần áo mới. Nhưng cái ngày thử quần áo là ngày tôi khóc nhiều nhất, tôi giận mẹ không muốn mặc, bởi vì nó vừa dài, vừa rộng thùng thình. Mẹ tôi an ủi:

- May trừ hao, con mau lớn lắm, may vừa mai mốt con mặc chật.

Thật là buồn khi tôi mới mặc vài lần thì nó đã chật và ngắn rồi! (mẹ tôi hay nói tôi mau “nhổ giò”). Sau này tôi có đọc một bài thơ, tả tâm trạng một bạn nhỏ cũng giống như tôi, nhưng bạn ấy khóc vì thương mẹ, vì biết nhà mình nghèo nên tủi thân. Còn tôi, tôi chỉ biết giận mẹ.

Bây giờ mẹ đã già. Tôi cũng làm y như mẹ. Tôi đi chợ, mua vải về tự cắt may quần áo cho mẹ. Tôi làm bánh, mứt; tôi nấu ăn, may vá, thêu thùa… còn giỏi hơn mẹ. Bạn bè nói thời nay làm chi cho cực, gần tết ra chợ mua, thứ gì không có. Nhưng tôi muốn làm cho mẹ vui!