Cô, trò hiểu sai về kỳ thi '2 trong 1'
Thứ ba, 13/01/2015 14:43

Hiểu lầm về quy chế, ồ ạt đăng ký nhiều môn thi, bỏ đội tuyển học sinh giỏi… đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh tại các trường THPT trước khi kỳ thi 2015 được khởi động.

Cô, trò hiểu sai về kỳ thi '2 trong 1'

Cô, trò hiểu sai về kỳ thi '2 trong 1'

Quy chế kỳ thi THPT quốc gia đang trong thời gian lấy ý kiến, nhưng tại nhiều trường THPT, rất nhiều giáo viên và học sinh đã hiểu lầm về những điểm mới trong quy chế.

Hoang mang về đăng ký nguyện vọng

Chưa hết học kỳ I, Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã cho học sinh đăng ký các môn thi tự do cho kỳ thi THPT quốc gia để sắp xếp các lớp ôn tập. Ngoài ra, giáo viên các lớp còn phổ biến những điểm mới của dự thảo quy chế kỳ thi cho học sinh lớp mình. Tuy nhiên em Nguyễn Văn Kiên, học sinh lớp 12 trường này cho biết: “Cô giáo nói, năm nay có thể đăng ký nguyện vọng tới 16 trường, kiểu gì cũng đỗ đại học (ĐH), chỉ cần tập trung vào ôn tập và theo dõi chọn trường nào phù hợp sau khi có điểm kỳ thi chung, nên chúng em phấn khởi lắm”. Nhưng sự thực là dự thảo quy chế ghi rõ thí sinh có 16 nguyện vọng trong 4 đợt xét tuyển. Mỗi đợt xét tuyển chỉ được nguyện vọng vào 4 khoa của cùng 1 trường chứ không phải 16 trường!

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hà – giáo viên một trường THPT tại Yên Khánh (Ninh Bình) lo lắng, các trường sẽ xét tuyển theo tổ hợp môn thi mới nên nhiều học sinh trong trường đã đăng ký thi rất nhiều môn cho nhiều khối, thậm chí có em đăng ký cả 8 môn. “Các em cho rằng, đăng ký thi càng nhiều môn sẽ có nhiều cơ hội để vào ĐH hơn. Tuy nhiên thực tế, việc đăng ký quá nhiều môn sẽ khiến các em quá tải trong việc học, không tập trung để đạt được kết quả tốt nhất” – cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, môn thi được học sinh của trường đăng ký nhiều nhất là toán, lý (chiếm khoảng 60%), ít nhất là sử và sinh. Tuy nhiên, cứ sau một thời gian học sinh lại muốn thay đổi nguyện vọng môn thi và nhảy sang lớp khác để ôn tập.

Tư vấn để tránh hiểu lầm

Để giúp học sinh hiểu hơn về kỳ thi “2 trong 1”, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, Bộ đã công bố tài liệu hỏi đáp về kỳ thi quốc gia công khai trên trang web của Bộ (moet.gov.vn), học sinh và giáo viên có thể tham khảo để biết thêm về các nội dung còn chưa rõ. Ngoài ra, Bộ khuyến khích các trường tổ chức tư vấn tuyển sinh giải đáp các thắc mắc của thí sinh sau khi quy chế chính thức được ban hành.

Về việc học sinh chọn nhiều môn, PGS-TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, mỗi thí sinh có quyền đăng ký tối đa 8 môn thi. Tuy nhiên, ông khuyên: “Đến tháng 3 thí sinh bắt đầu có đủ thông tin để lựa chọn môn thi, các em chỉ nên chọn một số môn phù hợp, không nên chọn quá nhiều dễ phân tán việc ôn tập. Chọn nhiều môn thi cũng mất nhiều tiền đóng lệ phí thi”.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cũng cho biết, quy định về đối tượng ưu tiên là học sinh đạt các giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vẫn được duy trì như các năm trước. Các em sẽ được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ tương ứng với môn thi. Nếu chưa đỗ tốt nghiệp THPT, có thể được bảo lưu kết quả. Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, rất nhiều trường ĐH có cơ chế “rộng cửa” đón nhân tài nên cứ có thành tích nhất định sẽ vào được ĐH.

Cô Nguyễn Thị Hường – giáo viên một trường THPT tại Hoàng Su Phì (Hà Giang) lo lắng: “Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích đòi hỏi học sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu xét tuyển, chỉ tiêu, số lượng hồ sơ, điểm trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi để làm hồ sơ xét tuyển. Đối với học sinh miền xuôi, thành phố thì rất đơn giản, nhưng học sinh miền núi việc này rất khó khăn. Mọi năm các em dựa vào cuốn Những điều cần biết để chọn trường, ngành, năm tới thì không biết sẽ phải làm thế nào?”. 

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: thi tot nghiep 2015 , ky thi tot nghiep 2015 , thi quoc gia 2015 , tin , bao