Nhắc đến những ngôi mộ xác ướp ở Việt Nam, không thể không nhắc đến ngôi mộ ở cánh đồng Nhật Tân. Ngôi mộ này từng gây dư luận xôn xao suốt năm 2005. Dư luận quan tâm không hẳn những bí ẩn trong ngôi mộ, mà sự thờ ơ của người dương thế với xác ướp – người đã khuất.
Ngày ấy, cuối tháng 4/2005, cả Hà Nội xôn xao vì tin một số người đào phá ngôi mộ cổ làm phát lộ xác ướp. Tôi đã ngay lập tức tìm đến cánh đồng Nhật Tân, khi đó đang diễn ra cuộc giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng khu đô thị.
Một số người dân đã mua bạt che ngôi mộ.
Tôi đã sững sờ trước một cảnh tượng chưa từng thấy bao giờ: Một người đàn ông như đang thiêm thiếp ngủ trong chiếc áo quan. Bộ râu trắng xóa của cụ ông dài đến tận ngực. Tóc, lông mày cũng vẫn còn nguyên.
Người có trách nhiệm nhất với ngôi mộ cổ có lẽ là anh Chu Văn Cộng, quản trang nghĩa trang phường Nhật Tân. Theo anh, từ khi còn bé, những năm 80 của thế kỷ trước, anh đã biết đến ngôi mộ này.
Hàng ngày có rất nhiều người tò mò kéo đến xem mộ cổ.
Lúc đó, ngôi mộ nằm lộ thiên trên ruộng lúa. Mọi người chỉ nghĩ là ngôi mộ bình thường, được xây đắp kiên cố bằng bê tông. Từ khi người dân trồng đào, mặt ruộng được tôn cao thì ngôi mộ chìm dưới đất, sâu khoảng 30 đến 40cm.
Vào tháng 4/2005, ban quản lý dự án thuê anh cùng vài người quản trang nữa tiến hành di dời những ngôi mộ nằm trong quy hoạch dự án thì ngôi mộ này mới được quật lên và người ta mới biết đây là ngôi mộ cổ.
Theo anh Cộng, khi phát hiện ngôi mộ, nghi là mộ cổ, anh đã báo cho lãnh đạo dự án xây dựng khu đô thị để tìm cách xử lý. Tuy nhiên, anh Cộng nhận được “chỉ thị” là cứ làm như thường.
Anh đã mang theo tiểu để đựng hài cốt và búa, xẻng tiến hành phá mộ. Lúc phá nắp quan tài, mọi người hoảng hồn khi phát hiện hài cốt vẫn còn nguyên vẹn, cứ như vừa mới chôn.
Sợ xâm phạm di chỉ khảo cổ, không dám cải táng xác ướp như chỉ đạo của ban quản lý, anh Cộng đã báo cho các cơ quan chức năng của thành phố. Thế là sự việc trở nên ầm ĩ.
Người dân nhang khói cho ngôi mộ.
Trong hoàn cảnh đó, thay vì các nhà khoa học lao vào nghiên cứu, thay vì một cuộc khai quật chữa cháy nhưng khẩn cấp để bảo tồn ngôi mộ này, thì lại diễn ra một cuộc tranh cãi cả bằng miệng lẫn văn bản giữa các cơ quan chức năng, các nhà khoa học.
Lúc tôi gặp anh Cộng ở cạnh ngôi mộ, anh Cộng tỏ ra rất bức xúc. Anh kể rằng, anh gọi điện đến cơ quan này thông báo, thì người ta lại chỉ dẫn anh gọi đến cơ quan kia, gọi đến cơ quan kia, họ lại báo anh gọi đến cơ quan nọ.
Sau 3 ngày kể từ khi phá mộ phát hiện xác ướp, tôi lại tìm xuống cánh đồng đào Nhật Tân. Khi đó, vẫn chẳng có nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ nào cả.
TS Nguyễn Lân Cường làm lễ trước khi khai quật chữa cháy ngôi mộ ở cánh đồng Nhật Tân.
Những người quản trang này đã bỏ tiền mua tấm bạt, mấy cây tre dựng cột, rồi căng bạt che nắng, che mưa cho xác ướp đỡ tủi thân.
Anh Chu Văn Cộng, anh Trần Văn Tuấn, anh Chu Văn Thắng, chỉ là những người làm thuê, song đã tình nguyện thay nhau ngày đêm ăn ngủ bên ngôi mộ để trông nom di sản quý báu cho dân, cho nước.
Ban đêm các anh phải thức trắng để trông ngôi mộ, kẻo phường trộm cắp tưởng trong mộ có vàng bạc châu báu mò đến phá mộ. Ban ngày lại phải dựng hàng rào canh chừng hàng ngàn người hiếu kỳ tìm đến ngó nghiêng, cúng bái xin số đề, thoải mái “hành” xác ướp.
Khai quật mộ.
Khổ nhất là một đêm sau đúng một tuần phát hiện xác ướp đã diễn ra trận lốc lớn. Gió lốc đã thổi bay cả bạt che mộ, sau đó là mưa đá, rồi mưa rào như trút nước.
Anh Thắng đã phải lấy thân mình nằm đè lên bạt, đợi mưa lốc tan đi. Anh Tuấn, anh Cộng thì cứ xì xoạp tát nước từ mộ lên. Nước ngập trắng băng khắp cánh đồng. Họ phải be bờ, tát nước đến gần sáng mới xong, người ngợm ướt sũng.
Suốt nhiều ngày giời, xác ướp hết bị người dương thế hành, lại bị mưa, nắng, ngập nước. Từng ấy ngày trôi qua, mà mùi ngọc am từ ngôi mộ vẫn lan tỏa khắp cánh đồng.
Dù bị ngâm trong nước mưa nhiều ngày nhưng xác ướp vẫn nguyên vẹn.
Mùi ngọc am lan xa đến nỗi người dân ở cách ngôi mộ nửa km vẫn ngửi thấy. Nếu không có sự tình nguyện bảo quản xác ướp của mấy người quản trang, thì xác ướp này có lẽ đã rữa nát.
Kết cục, sau 10 ngày tranh cãi giữa các cơ quan chức năng, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường mới vào cuộc, khai quật chữa cháy ngôi mộ.
Mặc dù chất liệu ngọc am có thể giữ xác nhiều trăm năm, nhưng trong hoàn cảnh không được yếm khí, lại bị mưa nắng, ngập nước, nên xác ướp đã biến dạng, bốc mùi. Mùi ngọc am lẫn với mùi thum thủm của xác thối khiến nhiều người không dám đến gần nữa.
Theo PGS – TS. Nguyễn Lân Cường, đây là một ngôi mộ cổ rất đặc biệt. Từ trước đến nay, ông cũng như các nhà khảo cổ học đã từng gặp một số ngôi mộ táng theo kiểu này, nhưng tất cả các ngôi mộ đều bốc mùi rất khó chịu khi để lộ thiên 10 đến 15 phút.
Nhưng ngôi mộ này, bị ngâm trong nước suốt 10 ngày mới bắt đầu phân hủy. Dù vậy, râu, tóc của cụ ông vẫn còn nguyên vẹn. Các khớp tay, khớp chân vẫn mềm và độ đàn hồi của da thịt vẫn tốt như người mới chết.
Người dân Nhật Tân đã sắm quan tài an táng cho xác ướp.
Theo nhận định của các nhà khoa học thì đây là ngôi mộ có xác ướp nguyên vẹn nhất trong tổng số 35 ngôi mộ hợp chất đã khai quật được ở nước ta.
Cụ ông trong ngôi mộ cao 1,62m, tuổi thọ khoảng 60 đến 62. Cụ ông được chôn cùng rất nhiều vải lụa tơ tằm, là vật dụng quý hiếm thời xưa. Qua khai quật, các nhà khảo cổ học đếm được tới 10 lớp áo choàng bằng vải lụa để quấn xác. Những chiếc áo choàng này đều có hoa văn rất tinh tế. Cụ ông đi một đôi hia vải rất dày và đẹp, cao quá đầu gối.
Ngoài ra, xác ướp còn được chèn bởi rất nhiều cuộn vải, trong đó, có tới 17 cuộn vải chèn quanh đầu, 10 cuộn vải chèn quanh thân, 23 cuộn vải chèn quanh chân và một cuộn vải rất lớn chèn giữa hai chân. Hiện vật chỉ có một túi trầu, vài mảnh gốm, một túi đựng củ sâm.
Có một điều đáng tiếc là ngôi mộ này còn rất nguyên vẹn, song lại không hề tìm thấy văn bia, hay ít nhất là một đồng tiền chôn theo để xác định được danh tính cũng như niên đại của ngôi mộ.
Sau cuộc khai quật chữa cháy, các nhà khoa học rút đi. Xác ướp trong ngôi mộ được giao lại cho nhân dân làng Nhật Tân.
Người dân làng Nhật Tân đã góp tiền mua quan tài, mua quần áo mới mặc cho cụ, rồi huy động cả xe đòn, phường bát âm để tiễn đưa linh hồn cụ về chín suối.
Dù sao linh hồn một nhân vật quan trọng đương thời cũng được phần nào an ủi bởi tấm chân tình của những người dân bình thường.