Ông Hoàng Văn Nhàn tưởng chừng hạnh phúc không còn mỉm cười với mình. Tuy nhiên tình yêu đã trở lại khi ông gặp người phụ nữ thứ tư.
Vợ chồng ông lão tí hon, 'đũa lệch' nhưng hạnh phúc |
Chỉ vì là “người tí hon” nên bị ba bà vợ chê rồi bỏ đi, ông Hoàng Văn Nhàn (SN 1949, ngụ thôn Lang Thượng, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng) tưởng chừng hạnh phúc không còn mỉm cười với mình. Tuy nhiên tình yêu đã trở lại khi ông gặp người phụ nữ thứ tư.
“Lùn nhưng có duyên”
Ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn của gia đình ông Nhàn nằm sâu trong con ngõ nhỏ lầy lội. Thấy người lạ xuất hiện, người phụ nữ đon đả chào, phía bên trong nhà ông lão “tí hon” nheo mắt định hình xem vị khách là ai. Ngồi trên chiếc bàn phía trong nhà, ông lão nặng nhọc tụt xuống đất, vơ lấy chiếc gậy trợ giúp mới đi được bởi chân đang đau. Ông thở dốc rồi than vãn: “Tôi già rồi, giờ bệnh tật “hỏi thăm” liên miên. Trước đây trẻ đã khổ rồi, giờ già còn mệt mỏi hơn nữa, chỉ loanh quanh ở nhà trông mấy đứa cháu cũng không xong”.
Tâm sự về cuộc đời, ông lão cho biết khi sinh ra vẫn là một cậu bé kháu khỉnh, hoạt bát như những đứa trẻ khác. Nhưng được tám tháng tuổi, cậu bé bị ốm tưởng chừng không qua khỏi. Gia đình hết sức chạy chữa, “thần chết” tha mạng, nhưng cậu bé chẳng còn phát triển như đám bạn cùng trang lứa. Mười mấy tuổi, chàng thiếu niên Nhàn vẫn chỉ cao 1,06m. Tuổi thơ gắn với những ngày tháng cô đơn, mặc cảm khi bị mọi người bàn tán, chê bai. Sống thui thủi một mình, ông quyết tâm phải làm gì đó, không để mọi người khinh thường.
Chàng trai từng mơ ước được làm bác sĩ chữa bệnh, nhưng vì ngoại hình thấp nên ước mơ không thành, rớt ngay từ vòng sơ tuyển. Rồi muốn làm công nhân, họ cũng từ chối”, ông Nhàn cho biết. Đang trong lúc tuyệt vọng, buồn chán ông mang bút ra vẽ tranh, không ngờ có người khen đẹp và mua lại. Từ đó, ông sống bằng nghề vẽ tranh truyền thần.
Đến tuổi trưởng thành, gia đình kết duyên cho ông với người vợ “nhỉnh” hơn ông với chiều cao 1,30m với quan niệm “nồi nào úp vung nấy”. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của ông gặp sóng gió bởi hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, ông thường đi “ngủ lang” nhà hàng xóm, không thèm ngó ngàng gì đến vợ. Sau một tuần người vợ bỏ về nhà ngoại, ông cũng chẳng thèm đi đón về. Cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc.
Thời gian sau, ông cưới vợ “tập hai” cũng do họ hàng mối lái. Ông cho biết, ban đầu cuộc sống khá hạnh phúc, nhưng chỉ được một năm, bà vợ cũng bỏ đi. Nhờ tài ăn nói, ông Nhàn “lùn” bén duyên với người vợ thứ ba. Sống hạnh phúc được vài năm, một cô con gái kháu khỉnh ra đời, nhưng thấy con “chiều cao khiêm tốn” giống bố, người vợ chán nản bỏ đi.
Cuộc đời ông Nhàn trải qua ba người vợ, nhưng hôn nhân đều diễn ra chóng vánh. Ông thầm trách vì mình lùn nên số phận hẩm hiu không có được hạnh phúc, sống trong buồn bã. Cho đến khi ông gặp người vợ hiện tại, người đã sống với ông bằng cả tình thương.
Chuyện tình lãng mạn của cặp đôi “đũa lệch”
Trong những ngày tháng sống bằng nghề vẽ truyền thần ở cầu Nguyệt, ông gặp bà Phạm Thị Đoái (SN 1957), đã qua một đời chồng, có nghề chài lưới. Ban đầu chỉ là những câu chuyện xã giao bình thường, nhưng bà thấy thương cho người đàn ông mặc cảm về ngoại hình. “Tôi đến với ông ấy ban đầu vì tình thương. Trước đây, khi biết chúng tôi có tình cảm, cả hai gia đình phản đối quyết liệt. Thậm chí nhiều lần tôi còn bị bố đánh thâm tím mặt mày, mọi người trong gia đình không tiếp chuyện”, bà Đoái nhớ lại. Bản thân ông cũng chịu sự ngăn cấm từ gia đình, bởi họ thấy ông lấy vợ quá nhiều lần, người nào cũng chỉ được một thời gian nên lần này cũng sợ “người ta lại bỏ đi”.
Câu chuyện đang dở dang, bà Đoài lấy thuốc lào ra hút. Ngồi bên cạnh, ông Nhàn cười tiếp chuyện: “Cũng vì bà ấy nghiền thuốc lào nên chúng tôi mới có duyên gặp nhau đấy”. Mỗi lần lênh đênh trên thuyền, bà Đoài lại vào quán nước gần nơi ông Nhàn vẽ tranh để hút thuốc. Từ đây những vui buồn trong cuộc sống được hai người chia sẻ. Sau một thời gian thì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, ông Nhàn đánh liều hỏi bà về làm vợ. Sự ngăn cản của gia đình có lúc tưởng đã tách được ông bà. Nhưng đến khi ông bị bệnh, không ai chăm sóc, bà tự nguyện đến ở cùng ông. “Bà ấy thương tôi nên “theo không” chứ có được mặc áo cưới, cỗ bàn rình rang gì đâu”, ông lão nhìn sang vợ với ánh mắt âu yếm.
Những ngày tháng sau đó, vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Ông tiếp tục nghề vẽ tranh, bà kéo lưới kiếm tiền. Chuyện đôi vợ chồng “đũa lệch” khiến không ít người bàn tán rèm pha. Có lần, về quê ngoại ăn cỗ, hai vợ chồng phải lội qua con mương. Nước đã ngập đến ngang ngực ông, bà vợ liền cõng chồng qua. Có người thấy được cười khúc khích rồi buông lời trêu chọc: “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng/Ai ơi cho tôi mượn cái gầu sòng/ Để tôi tát nước múc chồng tôi lên”. “Đã thương nhau, trọn nghĩa vẹn tình, ngoại hình quan trọng gì”, bà Đoái cười cho hay. Hai người con một trai, một gái ra đời làm nhân lên niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng. Tuy nhiên, cũng giống như bố, hai người con chiều cao chỉ khoảng 1,2m. Đôi lúc ông lão cười tếu táo: “Bà ấy trông vậy mà là “chân dài” của gia đình đấy, cao gần 1,6m mà”.
Bài học về tình yêu thương
Từ cách đây vài năm, máy ảnh “lên ngôi”, nghề vẽ tranh trở thành “thất nghiệp”, ông chuyển nghề thợ sửa khóa. Người dân quanh vùng vẫn không quên được hình ảnh người phụ nữ cao ráo đèo một ông chồng “tí hon” trên chiếc xe cà tàng lịch kịch phía sau là đồ nghề sửa khóa. Ngày nắng cũng như mưa dông, hình ảnh hai con người tần tảo ấy đã là một bài học về tình yêu thương cho nhiều người khâm phục.
Bài học về tình yêu thương của đôi vợ chồng khiến người khác khâm phục (Ảnh minh họa)
Khoảng ba năm trở lại đây, con cái đã lớn khôn, ông Nhàn đã bớt đi phần nào vất vả, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn ông vẫn buồn: “Tôi có bốn đứa con, nhưng vì mang hình hài giống bố nên ba đứa đã phải đi lập nghiệp xa nhà. Chỉ có ngày tết mới được đoàn tụ gia đình. Cũng thương chúng lắm, nhưng nhà nghèo chỉ học đến lớp 9, không có việc làm, ruộng thì chúng không làm nổi, đành phải đi xa. Hai đứa cháu một nội, một ngoại được bố mẹ gửi ở nhà nhờ ông bà trông giúp”. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của ông ngày càng kém, căn bệnh đường ruột, tim phổi, thấp khớp hành hạ nhưng ông không dám đi chữa bệnh vì tiếc tiền, phần khác lo đám cháu ở nhà không ai trông coi, bố mẹ chúng lại lo lắng. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 5 sào ruộng một mình người vợ làm lụng, còn ông viết chữ đẹp nên thi thoảng có người thuê viết đơn kiếm thêm thu nhập.
Điều ông cảm thấy áy náy nhất là hạnh phúc của những người con. Ngoại trừ cậu con trai lấy vợ đang có một gia đình êm ấm, hai cô con gái của ông lấy chồng sinh con nhưng vì người nhỏ bé nên bị chồng “chê” đã đường ai nấy đi. “Ngoại hình nó “vận” vào cuộc đời nên khổ thế đấy. Chắc nhà tôi có cái “dớp” nên đành chịu thôi. Giờ niềm an ủi duy nhất của gia đình là thế hệ “F3” có phần khả quan hơn, chiều cao các cháu tương đương với đám bạn cùng trang lứa”, ông hồ hởi khoe.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?