Chuyên gia chỉ 9 kiểu tiếng ho ở trẻ: Khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, dấu hiệu bệnh nặng?
Chủ nhật, 11/04/2021 10:56

Chắc hẳn bậc cha mẹ nào cũng muốn biết cách phân biệt tiếng ho của trẻ để có cách xử trí khoa học và chính xác nhất mỗi khi con mình bị ho. Dưới đây, các chuyên gia hàng đầu sẽ giải thích những kiểu ho phổ biến nhất và tư vấn cách xử trí khi con bị ho.

Ho là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu rõ về định nghĩa ‘ho’ và cách xử trí khi cho con.

Nhiều người cho rằng ho là một loại bệnh, tuy nhiên đây là một suy nghĩ sai lầm. TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viên Nhi đồng 1, TP.HCM giải thích: "Ho không phải là bệnh. Ho là một trong dấu hiệu sớm của bệnh lý đường hô hấp. Ho có thể do nhiều bệnh lý khác nhau. Ví dụ, ho có thể là do nhiễm trùng đường hô hấp trên, thậm chí viêm phổi; ho do dị ứng; một số người bệnh tim cũng triệu chứng do; người lớn cao huyết áp uống thuốc cũng có thể bị ho".

Do đó, phân biệt tiếng ho là bước đầu tiên để xác định phương pháp chăm sóc, điều trị và bảo vệ trẻ một cách tốt nhất.

Chuyên gia chỉ 9 kiểu tiếng ho ở trẻ: Khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, dấu hiệu bệnh nặng? - Ảnh 1.

Ho là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ. Ảnh minh họa

Phân biệt tiếng ho thường gặp

Theo thông tin cung cấp bởi BS.CK2 Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM – trên "Thư viện tiếng ho", có 9 kiểu ho chính cha mẹ cần lưu ý.

1. Ho có đờm

Ho có đờm là hiện tượng ho đi kèm với chất dịch nhầy bị tống xuất ra khỏi đường hô hấp và đi theo con đường mũi, miệng. Tính chất của đờm thường có màu trắng, màu xanh, màu vàng, gỉ sét hoặc có lẫn máu. Mỗi màu đờm có thể phản ánh bệnh đang mắc phải.

2. Ho khan

Ho khan là tình trạng ho không có đờm hoặc chất nhầy kèm theo. Trẻ thường cảm thấy ngứa ngáy cổ họng và ho kéo dài, không kiểm soát được. Có nguyên nhân khiến trẻ bị ho khan trong thời gian ngắn hoặc có thể kéo dài

3. Ho khò khè

Khò khè là tiếng thở bất thường có âm sắc trầm nghe rõ nhất khi trẻ thở ra có thể nghe bằng cách áp sát tai gần miệng trẻ (nghe gần giống như tiếng ngáy). Khi nặng hơn, có thể thấy trẻ thở ra kéo dài, gắng sức

Chuyên gia chỉ 9 kiểu tiếng ho ở trẻ: Khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, dấu hiệu bệnh nặng? - Ảnh 2.

Phân biệt tiếng ho là bước đầu tiên để xác định phương pháp chăm sóc, điều trị và bảo vệ trẻ
một cách tốt nhất. Ảnh minh họa

4. Ho và thở rít

Thở rít là một âm lớn, gắt, cường độ cao. Nó được nghe tốt nhất qua đường hô hấp bên ngoài lồng ngực, và có thể trong thì hít vào, thở ra hoặc cả hai thì trong cùng thời gian

5. Ho gà

Ho gà là tình trạng ho thành cơn dài, ho liên tục, ho rồi lại ho, đến nỗi trẻ không thể thở, và kết thúc cơn ho bằng một cái hít sâu tạo ra tiếng "ót" giống con gà kêu. Ho gà có thể lây lan rất dễ và nhanh qua đường hô hấp.

6. Ho đêm

Ho đêm là tình trạng đặc trưng ho nhiều và dữ dội hơn vào ban đêm so với ban ngày. Có thể ho khan hoặc ho có đờm, máu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ho đêm.

7. Ho ông ổng

Ho ông ổng là tình trạng ho khan, không có đờm, khá đặc trưng nghe thô ông ổng như tiếng chó sủa. Nguyên nhân của ho ông ổng thường do viêm thanh khí phế quản cấp do virus.

8. Ho ra máu

Ho ra máu là hiện tượng ho khạc ra máu từ đường hô hấp dưới, thường liên quan đến bất thường bên trong đường thở và phổi. Lượng máu (độ nặng) trong ho ra máu có thể thay đổi: ho ra nhiều máu hoặc ho ra máu lẫn đờm.

Chuyên gia chỉ 9 kiểu tiếng ho ở trẻ: Khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, dấu hiệu bệnh nặng? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

9. Ho mãn tính

Ho kéo dài là khi trẻ ho liên tục trên 4 tuần. Đa số các trường hợp ho kéo dài gặp ở trẻ nhỏ (2-3 tuổi). Khoảng 5-10% học sinh cấp 1 (6-11 tuổi) có tình trạng ho kéo dài.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Tiếng ho của trẻ có thể khiến ông bà cha mẹ vô cùng lo lắng, hoang mang, không biết phải làm gì. Nhưng với tư vấn của các chuyên gia dưới đây, các bậc phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về những gì mình cần làm khi con bị ho.

Tại buổi lễ ra mắt "Thư viện tiếng ho" sáng 10/4, TS.BS Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Có những bậc phụ huynh đi 200-300 km lên TP.HCM gặp tôi rất lo lắng chỉ vì con ho 2-3 lần/ngày". Khi trẻ ho nhẹ và không có dấu hiệu nguy hiểm, nếu biết cách xử lý, gia đình có thể yên tâm điều trị tại nhà, đỡ mất công đi lại, TS.BS Trần Anh Tuấn nói.

Ngược lại, có những bậc cha mẹ chủ quan quá mức, đưa con vào viện muộn, lỡ mất ‘thời gian vàng’.

TS.BS Tuấn giải thích: "Có một số bệnh lý, chẳng hạn như ho gà… nếu được dùng kháng sinh trong 5 ngày đầu hoặc 1 tuần đầu thì kết quả tốt vô cùng, rút ngắn thời gian điều trị, giúp giảm lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại chủ quan, có nhiều bệnh nhi đến bệnh viện chúng tôi muộn, vượt quá thời gian vàng này".

Vậy nếu trẻ bị ho, khi nào có thể điều trị tại nhà, khi nào cần đưa đến bệnh viện? Theo các chuyên gia, mấu chốt là cần theo dõi sát sao tiếng ho và các dấu hiệu khác đi kèm (nếu có).

TS.BS Tuấn hướng dẫn bố mẹ phân loại các dấu hiệu theo 4 mục sau:

1. Dấu hiệu nguy hiểm: Trẻ có dấu hiệu quá mệt, ngủ li bì, không gọi dậy được; bỏ bú, không uống nước hay chất lỏng khác; co giật không rõ nguyên nhân: có 1 trong 3 dấu hiệu này phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

2. Dấu hiệu bệnh nặng (viêm phổi, sưng phổi): Trẻ có dấu hiệu khó thở, thở nhanh hơn bình thường: có những dấu hiệu này cần đưa trẻ đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

3. Dấu hiệu đặc biệt: ho có đờm, đờm giống như mủ, có mùi hôi, màu vàng xanh; ho kèm theo tiếng rít: có những dấu hiệu này cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

4. Nếu không có dấu hiệu nguy hiểm, dấu hiệu bệnh nặng, dấu hiệu đặc biệt hay các vấn đề sức khỏe khác, cha mẹ có thể chăm sóc, điều trị cho trẻ tại nhà.

Ngoài ra, TS.BS Tuấn cũng nhấn mạnh: WHO khuyến cáo nếu trẻ uống thuốc ho tại nhà quá 7 ngày mà không đỡ thì phải đến bệnh viện.

Chuyên gia chỉ 9 kiểu tiếng ho ở trẻ: Khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, dấu hiệu bệnh nặng? - Ảnh 5.

Nếu trẻ bị ho, khi nào có thể điều trị tại nhà, khi nào cần đưa đến bệnh viện? Ảnh minh họa

ThS.BS Đinh Ngọc Hoa - Chuyên Khoa Nhi Bệnh Viện Đa khoa quốc tế Hồng Ngọc - đồng tình với TS.BS Tuấn.

BS Hoa cho biết nếu trẻ ho một vài tiếng, ăn uống bình thường, không sốt, không khó thở, bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà.

"Nếu chăm sóc trẻ tốt trong vòng 2-3 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm, trẻ ho nhiều lên, khó thở, khò khè, sốt trên 38 độ, ăn uống kém, nôn trớ… thì bạn nên đến gặp bác sĩ sớm", ThS.BS Hoa nói.

ThS.BS Đinh Ngọc Hoa - Chuyên Khoa Nhi Bệnh Viện Đa khoa quốc tế Hồng Ngọc

Theo Ths.BS Hoa, trường hợp trẻ ho nhẹ, không kèm các dấu hiệu nguy hiểm kể trên (không sốt, không khó thở, ăn uống bình thường), phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng các cách sau:

1. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch; uống đủ nước giúp cho đường thở sạch, làm loãng đờm; không cần kiêng thịt gà hay tôm nếu trẻ không bị dị ứng với những món ăn này.

2. Vệ sinh mũi họng sạch sẽ: Sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi, xịt mũi cho trẻ.

3. Giữ không khí trong lành: Giữ không khí trong nhà sạch sẽ và trong lành, đảm bảo các tác nhân gây bệnh không có khả năng xâm nhập vào đường thở của trẻ.

4. Sử dụng siro ho thảo dược, giúp làm thông thoáng đường thở.

5 Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng kháng sinh tại nhà.

doanhnghieptiepthi.vn

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-chi-9-kieu-tieng-ho-o-tre-khi-nao-la-dau-hieu-nguy-hiem-dau.. Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-chi-9-kieu-tieng-ho-o-tre-khi-nao-la-dau-hieu-nguy-hiem-dau-hieu-benh-nang-161211104095448275.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Tiếng ho ở trẻ , trẻ bị ho , sức khỏe trẻ em