Chuyển động xử lý truyền thông ‘cá chết’
Chủ nhật, 01/05/2016 21:50

Nếu không giải quyết tốt khủng hoảng truyền thông, hàng loạt tỉnh ven biển sẽ bị thất thu nặng nề về du lịch, khai thác thủy hải sản.

Một khi thông tin lan tỏa trên mạng với tốc độ chóng mặt thì việc giấu hay cung cấp thông tin sai lệch sẽ chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”.

Vụ khủng hoảng truyền thông trong vụ cá chết này khiến người ta liên tưởng đến những vụ rộ tin đồn bưởi ung thư, bồn inox ung thư trước đây. Một khi tin đồn lan tỏa, nó có thể làm sụp đổ một ngành kinh tế mà phải mất nhiều năm sau mới hồi phục được.

Tin đồn âm ỉ vào thành phố

Sáng 29-4, một phụ nữ ở quận Tân Bình (TP.HCM) kéo một bao gần 20 kg muối về nhà. Vừa đi bà vừa khuyên những người quen “mua muối đi, mai mốt không có muối mà ăn đó”. Cũng trong buổi sáng đó, ở Huế, các hàng muối bán không kịp, những ụ muối nhanh chóng hết veo.

Nặng nề hơn, nhiều người khuyên nhau không ăn cá biển vì sợ ăn phải cá chết. Nỗi sợ không dừng lại ở số cá chết những ngày qua mà là sợ cho một thời gian dài vì tâm lý e ngại nước biển có độc, sẽ ngấm vào cá thời gian tới.

Nỗi sợ cũng lan sang các sản phẩm khác từ cá biển. Người ta bảo nhau không ăn mắm vì có thể mắm làm bằng cá chết.

Đó chỉ là một trong những hậu quả trong khủng hoảng truyền thông quanh vụ cá chết ở Hà Tĩnh.

Sau khoảng 10 ngày nóng sốt liên tục vụ cá chết, đến sáng 29-4, bình luận chủ yếu trên các mạng xã hội là “nhiễu quá”, “chả biết tin ai”, “thực hư ra sao vậy?”...


Giải quyết khủng hoảng truyền thông khá linh hoạt, lãnh đạo TP Đà Nẵng
ăn cá và cam kết cá của ngư dân Đà Nẵng đánh bắt an toàn.

Vội hay chậm đều gây “bão”

Thông tin cá chết ở Hà Tĩnh bùng nổ, sau đó lan sang các tỉnh lân cận. Dư luận đều chờ đợi thông tin về nguyên nhân cá chết. Ít nhất cũng là thông tin về kiểm tra nước biển xem có độc tố gì, trong cá có độc tố gì. Dư luận cũng chờ đợi một cơ quan có thẩm quyền nào đó đứng ra công bố thông tin, hay ít nhất cũng là hứa hẹn công bố thông tin.

Tiếc là trong lúc dư luận “đói” thông tin như vậy thì Hà Tĩnh làm rất chậm.

Trong đỉnh điểm hoang mang về nguyên nhân cá chết, gần như tất cả dư luận đều hướng về cuộc họp báo của Bộ TN&MT. Rất tiếc là cuộc họp bị hoãn, đến tối thì cuộc họp diễn ra, chỉ 10 phút, không trả lời báo chí, càng khiến dư luận bất bình.

Thiếu thông tin cũng như một cơn đói. Trong cơn đói đó người ta tìm kiếm các nguồn thông tin khác, ăn ngấu nghiến những thứ mà người ta có được, kể cả những thông tin vô căn cứ, chưa kiểm chứng.

Sự chậm trễ thông tin của Nhà nước khiến người dân trở nên “đói”. Đói về thông tin nguy hiểm ở chỗ nó đẩy người dân đến bờ vực của nghi ngờ, mất lòng tin. Trong tâm lý nghi ngờ đó, người ta thích “ăn” những thông tin tiêu cực hơn là những thông tin tích cực.

Sự nhiễu loạn thông tin từ đó mà ra.

Đà Nẵng: Điểm sáng xử lý khủng hoảng

Tuy nhiên, sự việc ở Đà Nẵng thì khác. Khi có thông tin cá chết ở Đà Nẵng, chính quyền ở đây sớm khẳng định tình trạng và nguyên nhân cá chết. Các tỉnh có thế mạnh về du lịch như Khánh Hòa, Bình Thuận... cũng không thể ngồi yên chờ chết. Sáng 30-4, cán bộ Đà Nẵng cùng xuống tắm biển, góp phần ngăn chặn sự lo sợ.

Ở cấp bộ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận khuyết điểm và cho rằng “việc điều phối, triển khai xử lýsự cố, thảm họa lớn thế này là chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân”.

Có vẻ như sau một số động thái chậm trễ và chưa hợp tình, hợp lý thì các cơ quan quản lý, đặc biệt là Chính phủ đã vào cuộc để xử lý khủng hoảng truyền thông. Từ ngày 28-4, liên tục các thông điệp chín chắn hơn, mạnh mẽ hơn được đưa ra để xử lý khủng hoảng này.

Ngày 29-4, Hà Tĩnh tuyên bố hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt.

Ngày 30-4, Hà Tĩnh công bố kết quả kiểm nghiệm nước biển một số khu du lịch. Kết quả phân tích các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển - vùng bãi tắm.

Ngày 30-4, trong cuộc họp với các bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân.

Plo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: ca chet , vu ca chet , bien nhiem doc , thuy chieu do , ca chet hang loat