Hàng năm, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an huyện Chư Pah lại đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện để làm chứng minh nhân dân (CMND) cho bà con nơi đây.
|
Trung bình mỗi năm, Đội giải quyết hàng trăm trường hợp đủ điều kiện cấp CMND. Con số ấy nói lên hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính ở đơn vị, mà trước hết là giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân.
Vượt hành trình hơn 20 km đường đất từ trụ sở Công an huyện đến UBND xã Ia Phí, Đại úy Đặng Thái Sơn- Đội phó Đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội phủi vội lớp bụi bám dày trên áo rồi giới thiệu với chúng tôi: “Năm 2000, xã Ia Phí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là cái nôi cách mạng, nơi tôi luyện và trưởng thành của nhiều lãnh đạo các sở, ban ngành ở tỉnh ta và tỉnh Kon Tum...”.
Làm thủ tục cấp CMND ở xã Ia Phí, huyện Chư Pah. Ảnh: Thúy Trinh
Theo anh Rơ Châm Uinh- Trưởng Công an xã Ia Phí, ngày trước, do quẩn quanh trong làng, trong xã với cây lúa, cây mì, người dân ở đây không mấy chú trọng đến việc làm CMND. Những năm gần đây, nhờ các ban ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều người đã đến Công an huyện làm CMND để làm giấy tờ xe và các loại giấy tờ khác phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, học tập của mình. Với những trường hợp chưa nghĩ đến việc làm CMND, khi nghe một số người đi làm tại các công ty cao su hoặc đi học, đi làm xa nói về những lợi ích thiết thực của việc có CMND cũng đã đến Công an huyện để được cấp hoặc chờ các đợt Công an huyện xuống làng làm thủ tục để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Chỉ trong buổi sáng 8-2-2012 đã có 78 trường hợp đến UBND xã Ia Phí để làm hồ sơ cấp mới và 15 hồ sơ cấp đổi, cấp lại CMND.
Dịp sau Tết, tổ cấp phát chứng minh của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội thường trực tiếp đến các xã có nhiều người đi lao động xa và các trường THPT để kịp thời cấp CMND cho các em học sinh đi thi tốt nghiệp, thi đại học. Hôm ấy, anh Rơ Châm Dưh (SN 1988, ở làng Yăng 2) bỏ một buổi rẫy để đến xã làm CMND. Dưh kể: Hồi còn ở xã Ia Ly với cha mẹ, Dưh không nghĩ đến việc làm giấy CMND cho mình.
Như con chim có cánh biết bay, sau khi từ xã Ia Ly sang Ia Phí “bắt” vợ, sinh con, có hộ khẩu riêng, Dưh mới đi làm CMND. Lý do của anh cũng thật đơn giản: “Không có CMND thì đi đâu, làm gì cũng khó. Xe máy còn có giấy đăng ký mà, người phải có CMND chứ”! Theo quy định, từ 14 tuổi là đủ tuổi làm CMND nên có rất nhiều em học sinh đến đây làm thủ tục. Em Rơ Châm Yuil, ở làng Roih, học lớp 9 Trường THCS Ia Phí, hồn nhiên: “Em rất mong học lên nữa để sau này về làm được nhiều việc cho quê hương. Em làm CMND để mai kia đi thi đại học!”.
Chờ đến lượt mình làm thủ tục, Rơ Châm Quyết (22 tuổi, ở làng Kenh) nhìn những em học sinh đang túm tụm nói chuyện bằng ánh mắt buồn buồn. Nhà nghèo, Quyết phải nghỉ học từ năm lớp 6 để cùng cha mẹ nuôi 5 đứa em nhỏ. “Mình thích đi học lắm, nhưng thương cha mẹ đành nghỉ giữa chừng, đi làm thuê kiếm tiền.
Mấy lần mình định lên huyện làm CMND để thi bằng lái xe và đi xa kiếm việc làm mà bận công việc chưa đi được... Dạo trước lên Kon Tum, không có CMND người ta không chịu thuê làm công trong thành phố. Mình phải lên núi trồng cây, công mỗi ngày được 50 ngàn đồng”. Cũng chung cảnh ngộ với Quyết, em Rơ Châm Jõ (SN 1995, ở làng Rôi) vừa quyết định nghỉ học khi đang học dang dở lớp 10. “Hôm nay có cán bộ đến làm CMND em mừng lắm, không phải đi lại xa. Có CMND người ta mới biết mình là ai và ở đâu mà thuê chứ…”.
Mặt trời lên đã gần tròn bóng cây, Thiếu tá Ksor Her, người có thâm niên gần 30 năm với nghề vẫn cần mẫn lăn tay cho các trường hợp đủ điều kiện làm CMND. Là người Jrai, ông kiêm luôn nhiệm vụ cùng Công an xã hướng dẫn cho bà con điền các thông tin vào phiếu. Cũng như ông, mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng 4 cán bộ của tổ cấp phát CMND vẫn không một phút nghỉ tay để giải quyết xong các trường hợp đến làm thủ tục cho kịp buổi sáng. Thiếu tá Her tâm sự: “Mệt chứ, nhưng nghĩ đến niềm vui của bà con khi cầm trên tay tấm CMND có ảnh của mình trên đó là thấy khỏe lên nhiều...”.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?