Chủng cúm A/H3N2 xuất hiện tại Việt Nam

Thông tin VN phát hiện trường hợp bé gái đầu tiên nhiễm cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn được điều trị tại BV Nhi Đồng 1 khiến nhiều người lo ngại.

Mặc dù chưa có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người nhưng theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cần cảnh giác vì chủng cúm A/H3N2 có khả năng có biến đổi so với các năm trước...

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM: “Virus cúm mùa H3N2 thuộc họ virus cúm A, là tác nhân quan trọng gây bệnh cúm mùa, tên gọi xuất phát từ tên của 2 kháng nguyên bề mặt của virus là kháng nguyên H (hemagglutinin) và kháng nguyên N (neuraminidase). Virus cúm H3N2 có thể trao đổi gene với một số phân chủng virus cúm A khác (H1N1, H2N2, H2N3, H5N1, H5N2...) tạo ra phân chủng mới có độc lực cao hơn, ví dụ phân chủng S-Otr H3N2.


Thận trọng khi tiếp xúc với lợn bệnh để tránh virus cúm mùa H3N2. Ảnh: Trần Lâm

Virus cúm H3N2 có nguồn gốc từ chim và động vật có vú (bao gồm lợn). Ở lợn, virus này sống thích nghi và lợn là nguồn lây bệnh trong mùa cúm. Cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ Đông Nam Á, gây bệnh dịch ở nhiều nơi trên thế giới, như Mỹ, Canada, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... do chủng virus này dễ biến đổi cấu trúc nên gây nhiều lo ngại có thể trở thành bệnh dịch nguy hiểm cho người mặc dù hiện tại cúm mùa H3N2 chỉ là bệnh nhẹ và còn nhạy cảm với thuốc kháng virus hiện nay là oseltamivir.

Đường lây truyền chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp giữa người với lợn bị bệnh khi chăm sóc hoặc giết mổ lợn bệnh, nếu virus bị biến đổi cấu trúc, không loại trừ virus có khả năng lây truyền từ người sang người.

Chủng virus cúm mùa H3N2 vừa phân lập được từ Viện Pasteur TPHCM là chủng cúm A/H3N2, có khả năng có biến đổi so với các năm trước. Trước tình hình đó, việc phòng, chống bệnh tránh lây lan trong cộng đồng là điều hết sức quan trọng.

Người dân cần ý thức phòng bệnh cụ thể như sau: Không giết mổ hoặc chăm sóc trực tiếp lợn bệnh, có dấu hiệu chảy nước mũi, biếng ăn... Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang sốt, ho, chảy mũi, khi tiếp xúc gần phải mang khẩu trang. Không nên mua thịt lợn chưa rõ nguồn gốc, chế biến không chín... Phải báo y tế địa phương khi thấy lợn bị bệnh hàng loạt để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều đáng lưu ý, tại cuộc họp về phòng, chống dịch bệnh khu vực phía nam vừa diễn ra tại TPHCM, BS Lê Hoàng San - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khuyến cáo, đã có sự xâm nhập của chủng virus cúm Sotr_A/H3N2 tại khu vực phía nam, vì vậy, có khả năng xuất hiện dịch cúm do chủng cúm Sotr_A/H3N2 tại khu vực này.