Chữa sởi bằng món ăn

Những món ăn phụ huynh cần biết khi trẻ mắc bệnh sởi để bổ sung cho trẻ cũng như những thực phẩm cần tránh.

Bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính tuy ít gây tử vong nhưng có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc... Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý và chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng và chữa bệnh này.

Trẻ bị sởi cần tránh đồ ăn:

Những loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri, rau thì là… Thực phẩm này có tác dụng trợ nhiệt, động huyết, gây ra những phản ứng bất lợi cho người bệnh.

Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói, nội tạng động vật, bánh kem, chocolate… Đây là những thức ăn rất dễ sinh đàm nhiệt, thấp nhiệt, động hỏa, cũng không có lợi cho người bệnh sởi.

Nếu trẻ bị dị ứng khi ăn các thức ăn (như trái cây sấy khô, các loại hải sản như cua, ốc, nghêu, sò, mực, cá biển, đậu phộng, chocolate, pho mát, sữa, trứng, phụ gia thực phẩm, các chất cay nóng, gây kích thích) thì nên tránh, không được dùng.

Trẻ bị bệnh sởi cần nên dùng:

Thực phẩm như củ năng, đậu hũ, cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo cà rốt, bắp cải, cải bó xôi, mía lau, nấm hương, củ cải đường, hoa hiên (hoa kim châm), bí đỏ, bông cải xanh, bí đao, rau dền đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lê, giấm gạo, cá chép, cá da trơn (cá ba sa, sa ba, cá bông lau), cá hồi, cá trích, thịt heo nạc, nho, trà xanh, rong biển, cà chua, cà rốt, chuối, táo, lê, đậu xanh, hạt sen, hạt mè, hạt ý dĩ…

Chữa bệnh cho người bị sởi có các món ăn, bài thuốc:

Rau mùi

Ở giai đoạn đầu khi bệnh nhân  sốt, hắt hơi, sổ mũi nghẹt mũi, ho, mắt đỏ chảy nước mắt; ở niêm mạc miệng và khoang miệng, hai gò má xuất hiện các mẩn màu trắng, viền ngoài hơi hồng.

Rau mùi với đặc tính cay, tính ấm, mùi thơm, tác dụng phát tán thấu chẩn (làm ra mồ hôi, làm cho nốt ban mau phát ra ngoài), giảm độc, làm nhẹ trạng thái nhiễm độc toàn thân, nhất là đối với bệnh sởi trẻ em, có ích cho hệ tiêu hóa.

Bài thuốc từ rau mùi chữa bệnh sởi

Uống nước rau mùi: rau mùi tươi 25g cả rễ rửa sạch, cắt nhỏ cho vào nồi thêm nước, đun sôi kỹ 1 - 2 phút, chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, chỉ uống 1 - 2 ngày đầu khi mới mắc bệnh.

Dùng ngoài: Hạt giống rau mùi tươi 100-150g, nấu với 150-200ml nước, để sôi khoảng 5 phút (hoặc cả thân lá giã nát để sắc, không sắc lâu). Dùng nước thuốc hơi ấm, tẩm vào gạc bông sạch để lau khắp, cổ, chân tay, lưng, ngực và bụng, (theo thứ tự trên trước dưới sau, lau lưng trước, bụng sau), lau ở chỗ kín gió, không để trẻ bị lạnh.

Củ năng

Củ năng thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhiệt, sốt cao mất nước, vàng da, đi tiểu ra máu do huyết nhiệt, đại tiện ra máu do trĩ hoặc lỵ, sỏi đường tiết niệu, đau mắt đỏ, viêm phế quản, viêm họng, ho sốt do phế táo, đàm nhiệt, mụn nhọt, viêm loét da niêm mạc…

Trẻ mới mắc bệnh sởi hoặc sởi không phát được, có thể sử dụng 100ml nước ép củ năng phối hợp với hạt rau mùi 10-12g, sắc uống, có hiệu quả giải được nhiệt độc, hạ sốt, trừ ho.

Dùng củ năng 500g, gọt bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, xắt miếng nhỏ rồi ép lấy nước, lọc qua vải sạch rồi hòa với đường phèn vừa đủ, chia uống vài lần trong ngày. Dùng cho trẻ bị sởi, nóng sốt, ho, các bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản...

- Trường hợp trẻ bị sởi, sốt cao li bì, rối loạn tiêu hóa: Dùng củ năng 200g, củ khoai mài (hoài sơn) 25g, hạt sen 25g, hạt bo bo (ý dĩ) 25g, rễ đinh lăng 15g, long nhãn nhục 15g. Tất cả rửa sạch, nấu với 1 lít nước, sắc còn 650ml, để nguội, chia 2-3 lần uống trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân dịch, lương huyết giải độc, hạ sốt, hóa đàm, trừ ho, tiêu thực tích, mát gan, sáng mắt.

Củ cải đường

Củ cải đường thường được dùng điều trị bệnh sởi mà nốt ban mọc không nhanh hoặc ban không phát ra được.

Dùng củ cải đường 100-150g, gọt vỏ, rửa thật sạch, giã nát nhuyễn, vắt lấy nước cốt, uống để giải khát, hạ nhiệt, để chữa bệnh ôn dịch, sốt cao. Hạt củ cải đường có tác dụng làm mát và ra mồ hôi. Lá có tác dụng tiêu sưng viêm.

Kinh nghiệm dân gian điều trị trẻ em bệnh sởi khi ban chưa phát bằng cách dùng củ cải đường, hạt rau mùi, mỗi thứ 10g, nấu nước cho trẻ uống.

Nấm hương

Nấm hương có thể dùng cho trẻ em bị bệnh sởi, nốt sởi không phát hoặc phát không hoàn toàn.

Một số món ăn nên dùng như cá chép hấp nấm hương, canh cá chép nấu nấm hương, canh nấm hương, đậu hủ, giá đậu...

Củ cải

Bệnh sởi ở giai đoạn khi bệnh nhân sốt cao, ho tăng, nặng tiếng, miệng khát, trằn trọc, xuất hiện các nốt mẩn nhỏ màu đỏ gồ trên mặt da ở tay, đầu, trán, cổ, mặt, sau dày lên và lan xuống ngực, bụng, chân tay, lòng bàn chân bàn tay.

Sử dụng củ cải 150g, đường phèn 15g. Củ cải rửa sạch ép lấy nước, cho đường phèn vào, hấp cách thủy cho chín và tan hết đường, để nguội chia 2 lần uống trong ngày.

Nước lê tươi: Lê tươi 1 quả khoảng 200g, đường phèn 10g. Lê tươi rửa sạch cắt ở phần gần núm tạo thành một cái nắp, khoét bỏ một phần ruột quả lên, cho đường phèn vào đậy nắp lại, ghim chặt, hấp cách thủy. Khi lê chín đem ép lấy nước chia 3 lần uống trong ngày.

Bệnh sởi ở giai đoạn các mụn mẩn lặn theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ xuống tới chân tay, sốt giảm dần, bệnh nhân ho khan ít đờm, trên mặt da bong rụng dạng như mạt cám, người bệnh khỏe dần trở lại. Nên sử dụng các món ăn như cháo cà rốt, cháo hồng táo.

Cháo hồng táo:

Hồng táo 5 quả, củ mài 25g, gạo tẻ 50g, đường phèn 15g. Hồng táo bỏ hạt, giã nhỏ cho vào nồi thêm nước đun sôi. Củ mài, gạo tẻ xay nhỏ, cho nước táo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho đường phèn vào, quấy cho tan đường, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói, trong 4 - 5 ngày.

Cháo cà rốt:

Cà rốt 50g, củ mài 25g, lá dâu non 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn 15g. Cà rốt rửa sạch. Củ mài, gạo xay nhỏ cho vào nồi thêm nước đun trên lửa nhỏ. Lá dâu rửa sạch thái nhỏ. Cho cà rốt, củ mài, gạo tẻ vào nấu cháo, khi cháo chín cho lá dâu, đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 2 lần lúc đói, trong 4 - 5 ngày. Tác dụng: tiệt nọc sởi, giảm ho long đờm.