Những người chưa tiến hành phẫu thuật chuyển giới sẽ không nằm trong đối tượng hưởng lợi từ việc hợp pháp hóa chuyển giới tại Việt Nam.
|
Những người chưa tiến hành phẫu thuật chuyển giới sẽ không nằm trong đối tượng hưởng lợi từ việc hợp pháp hóa chuyển giới tại Việt Nam mới được Quốc hội thông qua vào ngày 24/11.
Ngày 24/11, các đại biểu Quốc hội đã chính thức thông qua quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Đây được xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng LGBT. Nhiều người tin rằng, động thái này là minh chứng cho những đấu tranh về quyền lợi của người chuyển giới đã bắt đầu có kết quả. Sau khi điều luật này được thông qua và chính thức đi vào cuộc sống, những người chuyển giới Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như các công dân bình thường khác theo giới tính mà họ đã chuyển đổi.
Điều 37, Bộ luật này quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Quốc hội đã thông qua điều luật cơ bản nhằm bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới, tuy nhiên, quyền hạn và trách nhiệm ấy đến đâu vẫn là một câu hỏi dài, liên quan đến nhiều vấn đề mà không phải bất cứ ai cũng nắm rõ.
Quyền lợi chỉ thuộc về những người đã phẫu thuật chuyển giới
Trong cộng đồng người chuyển giới có rất nhiều người không có mong muốn hoặc không đủ điều kiện để phẫu thuật chuyển giới, nhưng họ vẫn muốn được sống với giới tính thực sự của mình và được khai họ tên, hưởng các quyền nhân thân theo đúng giới tính ấy. Tuy nhiên, điều luật mới được Quốc hội thông qua ngày 24/11 mới đây vẫn chưa công nhận điều này.
Nguyễn Ngọc Tú (một người chuyển giới khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT với nickname Tú Lơ Khơ) cho biết: "Bản thân mình cũng là một người chuyển giới nhưng lại không nằm trong đối tượng thụ hưởng quyền lợi từ điều luật mới mà Quốc hội đã thông qua. Điều mình hy vọng nhất là tới đây, pháp luật Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa đến một bộ phận rất lớn những người chuyển giới chưa được bảo vệ đúng mức".
Để giải đáp các thắc mắc liên quan đến điều luật mới, chiều nay (ngày 26/11), Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường đã tổ chức cuộc họp báo, thu hút sự tham gia của nhiều người.
Khách mời của buổi họp báo là các cá nhân chuyển giới tiêu biểu như chị Ánh Phong và Tú lơ Khơ cùng nhiều chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này.
Tú cho biết, anh không có ý định phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn vì cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục từ nữ sang nam tốn rất nhiều tiền bạc và tỷ lệ thành công ở mức thấp hơn từ nam sang nữ. "Mặt khác, phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn đồng nghĩa với việc phải hy sinh đi nhiều năm tháng tuổi thọ. Tú không muốn làm điều đấy vì nó giống như là một rủi ro quá lớn. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật thì lại không được pháp luật thừa nhận", Tú chia sẻ.
Bên cạnh đó, điều luật mới thông qua cũng không nói rõ mức độ phẫu thuật chuyển giới để được pháp luật thừa nhận quyền nhân thân theo giới tính thật là gì. PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương (công tác tại Viện nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết: "Bộ luật chỉ mang tính khái quát và khi đi vào cuộc sống sẽ có các thông tư, nghị định cụ thể quy định. Hiện chưa ai dám trả lời câu hỏi phải phẫu thuật bao nhiêu, ở mức độ như thế nào mới được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, theo tôi được biết là trên thế giới, có một số nước chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hoóc-môn liên tục trong vòng 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ".
PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương, một người đã dành nhiều tâm huyết nghiên
cứu về người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung.
Bà Phương cũng cho biết, khi tiến hành thủ tục thay đổi họ, tên, các cơ quan chức năng sẽ có những quy trình kiểm tra nhất định để xác định giới tính của người có nhu cầu chuyển đổi. "Quá trình này là rất cần thiết nhưng tôi hy vọng nó sẽ đơn giản, tránh gây phiền hà, rắc rối cho người chuyển giới".
Ông Liễu Anh Vũ, cán bộ chương trình phát triển của Liên hợp quốc cho rằng, việc công nhận người chuyển giới nên bỏ qua yêu cầu bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật chuyển giới.
Ông Liễu Anh Vũ (quản lý chương trình LGBT thuộc chương trình phát triển của Liên hợp quốc) lại cho rằng: "Argentina mới đây đã công nhận người chuyển giới với điều kiện duy nhất là chứng minh rõ đó thực sự là mong muốn của họ, không bắt buộc phải làm bất cứ điều gì xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, bao gồm cả việc phẫu thuật chuyển giới. Đây cũng là điều mà Liên hợp quốc đang khuyến khích và cá nhân tôi cũng hy vọng, tới đây, Việt Nam cũng sẽ làm được như vậy".
Những nỗi trăn trở trước ngày luật mới đi vào thực tiễn
Theo quy định thì khi điều luật mới áp dụng, người chuyển giới sẽ chính thức được pháp luật công nhận và bảo vệ các quyền nhân thân, bao gồm quyền khai báo, đăng ký hộ tịch, quyền phẫu thuật chuyển giới, quyền được kết hôn, nhận con nuôi, quyền bất khả xâm phạm về nơi ở, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... Tuy nhiên, trước khi làm được tất cả những điều đó, cộng đồng những người chuyển giới và cả giới chuyên gia vẫn còn mang trong mình rất nhiều nỗi trăn trở, lo lắng.
Ông Lương Thế Huy (công tác tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và môi trường - ISEE) cho biết, hiện nay về mặt y tế, Việt Nam đã có đủ khả năng tiến hành các cuộc phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, vấn đề cung cấp các loại hoóc-môn, nhất là hoóc-môn dành cho chuyển giới nữ vẫn đang đặt ra nhiều thách thức.
Ông Huy cho rằng, bên cạnh những niềm vui, để luật mới đi vào cuộc sống, pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện, nhất là các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể.
"Hiện nay, các hoóc-môn dành cho nam giới vẫn nhiều hơn, chủ yếu đó là các loại thuốc tăng cường sinh lực cho phái mạnh. Chính vì sự thiếu thốn này mà nhiều người chuyển giới nữ đang phải sử dụng các loại thuốc xách tay không đảm bảo chất lượng. Vì thế, sau khi luật mới được thông qua, vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn, thậm chí bức thiết hơn cả việc phẫu thuật chuyển giới bởi hoóc-môn chính là thứ mà đi theo người chuyển giới suốt cả phần đời còn lại".
Bên cạnh đó, ông Huy cũng lo lắng vấn đề về hộ tịch của người chuyển giới. "Hiện vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, ví như quy trình công nhận người chuyển giới sẽ diễn ra như thế nào, phải mất bao lâu sau phẫu thuật người chuyển giới mới được công nhận", ông Huy phân tích.
Theo bà Phương, việc lùi xa hơn thời gian luật đi vào thực tiễn là vô cùng cần thiết vì trong khoảng thời gian từ nay đến 2017, Việt Nam cần làm rất nhiều việc để chuẩn bị cơ sở vật chất như hệ thống y tế, đảm bảo việc làm, các vấn đề pháp lý phát sinh trước khi công nhận người chuyển giới. "Sẽ có rất nhiều luật khác liên quan đến người chuyển giới cần hoàn thiện. Hệ thống y tế và các vấn đề thủ tục công khai, chứng nhận điều kiện thực hiện phẫu thuật chuyển giới của họ, tất cả đến lúc này còn chưa rõ ràng và cần thời gian chuẩn bị".
La Lam, một sinh viên chuyển giới nữ cho biết, thông tin về điều luật mới được thông qua đã khiến những người giống như cô thực sự rất hạnh phúc, giống như được sinh ra thêm một lần nữa trong đời. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những người chuyển giới vẫn còn rất nhiều nỗi lo trong lòng, đặc biệt là những người chưa tiến hành phẫu thuật.
Trong khi đó, bản thân những người chuyển giới lại cảm thấy có nhiều mối lo lắng khác. La Lam (một người chuyển giới nữ đang là SV năm thứ 3 trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội) tâm sự: "Mình rất lo lắng là dù pháp luật đã công nhận nhưng sự nhận thức và thái độ xã hội có thay đổi không? Liệu họ có thực sự cảm thông với người chuyển giới bởi vì mình biết ngoài những người đồng tình thì còn khá nhiều người vẫn tỏ thái độ kỳ thị người chuyển giới".
Tương tự, chị Lê Ánh Phong (một người chuyển giới nữ khá nổi tiếng tại Việt Nam) tâm sự: "Bản thân mình cảm thấy có rất nhiều vui sướng đồng thời cũng có thêm trách nhiệm là làm sao sống tốt hơn, để chứng minh rằng người chuyển giới thực sự có ích cho xã hội".
Theo nghiên cứu của tổ chức ISEE, năm 2014 thì 78% người chuyển giới có mong muốn được phẫu thuật chuyển giới tính, 22% không có mong muốn làm điều này vì rất nhiều lý do khác nhau. Thống kê năm 2015 của tổ chức này cũng cho thấy, cứ 10 người chuyển giới thì có một người đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể. Các cuộc phẫu thuật này hoàn toàn được tiến hành tại nước ngoài với chi phí vô cùng đắt đỏ.
Theo nghiên cứu, phẫu thuật từ nữ sang nam tốn khoảng 30.000$, trong đó, cắt bỏ ngực mất 5.000-10.000$. Phẫu thuật từ nam sang nữ hết 35.000$, trong đó, bơm ngực mất 5.000$. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác như thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ, hoóc-môn...Các nguồn tiền này đều chảy ra nước ngoài, tiêu biểu là Thái Lan. Nếu được tiến hành trong nước, dự kiến chi phí sẽ giảm bớt từ 8 đến 10 lần. Các chuyên gia cũng cho rằng, một khi phẫu thuật chuyển giới được công nhận, đây sẽ là ngành công nghiệp nhiều lợi nhuận bởi nhu cầu của xã hội hiện nay khá cao.
Theo thống kê, người chuyển giới luôn chiếm 1-2% tổng dân số trên toàn thế giới.Hiện tại, Việt Nam bước đầu thông qua việc hợp pháp hóa chuyển giới, nhiều luật khác có liên quan sẽ tiếp tục được thông qua. Ngày mai 27/11, QH sẽ tiếp tục họp bàn và có quyết định liên quan đến Bộ luật hình sự (sửa đổi) và luật tạm giam, tạm giữ liên quan đến quy định trong tội phạm hiếp dâm và nơi giam giữ riêng cho người đồng tính, chuyển giới.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Chủ xe có thể bị xử phạt nặng nếu cho người khác mượn xe! Cập nhật ngay quy định mới tránh 'vạ lây' nghiêm trọng
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?